Đi chợ, siêu thị giữa mùa dịch - làm sao tránh bị lây bệnh, mua gì cho khỏi lãng phí?

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 04/08/2021 17:33 PM (GMT+7)

Việc đảm bảo an toàn khi đi chợ, siêu thị rất quan trọng nhưng lên kế hoạch mua sắm thế nào để cung cấp nguồn dinh dưỡng đầy đủ cho gia đình mà không lãng phí cũng rất cần thiết.

Quan trọng hàng đầu vẫn là 5K và đi chợ đúng theo quy định trên phiếu/thẻ

Khi dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, chính quyền nhiều địa phương khuyến cáo người dân chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết, trong đó có việc đi mua thực phẩm, nhu yếu phẩm. Tuy nhiên, việc đi chợ dân sinh hay siêu thị mua thực phẩm cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng chống dịch để không bị lây nhiễm bệnh.

Thực tế, tại Hà Nội cho thấy trong thời gian giãn cách xã hội đã phát hiện không ít trường hợp người bán thực phẩm, người đến mua hàng ở các siêu thị, chợ hay cửa hàng tiện ích dương tính với SARS-CoV-2 khiến người dân vô cùng lo lắng.

Để phòng dịch lây lan, Bộ Y tế đã có hướng dẫn phòng bệnh cho cả người mua, người bán hàng khi đi đến các chợ đầu mối, chợ dân sinh, siêu thị và trung tâm thương mại.

Khi đi chợ, siêu thị người dân nên tuyệt đối tuân thủ 5K của Bộ Y tế.

Khi đi chợ, siêu thị người dân nên tuyệt đối tuân thủ 5K của Bộ Y tế.

Theo đó, người dân cần thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế khi đến chợ (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế). Người có biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở hoặc đang cách ly tại nhà không được đến chợ.

Tất cả các khách hàng, người lao động và người bán hàng phải thông báo ngay cho cán bộ phụ trách phòng, chống dịch nếu bản thân/người khác: mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở và thực hiện theo hướng dẫn.

Ngoài tuân thủ 5K, người dân cần phải tuân thủ quy định về thời gian đi chợ theo hướng dẫn của chính quyền địa phương, đó là đi chợ theo đúng số phiếu, số thẻ được phát.

Một điểm đáng lưu ý mà cơ quan chức năng khuyến cáo đó là người dân không nên tích trữ, đổ xô đi mua thực phẩm, hàng hóa. Việc chen lấn, tập trung mua bán có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. 

Cần có kế hoạch cụ thể cho mỗi lần đi chợ

TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết việc khuyến cáo người dân không mua tích trữ thực phẩm khi giãn cách xã hội là hoàn toàn đúng đắn. Bởi ngoài hạn chế được tình trạng chen lấn, tập trung đông người, việc hạn chế tích trữ còn giúp đảm bảo được chất lượng dinh dưỡng.

Theo đó, nhiều nơi giãn cách xã hội đã thực hiện phát phiếu thẻ cho người đi chợ theo ngày chẵn, ngày lẻ hoặc cách 2 đến 3 hôm đi chợ một lần. Với khoảng thời gian đó, người dân mua thực phẩm đủ dùng, bảo quản đúng cách vẫn đảm bảo được độ tươi ngon. Ngược lại, nếu mua tích trữ thực phẩm quá lâu sẽ khiến hao hụt nhiều chất dinh dưỡng, vitamin trong đồ ăn.

Không nên mua tích trữ thực phẩm để tránh tụ tập đông người, làm hao hụt dinh dưỡng khi bảo quản. (Ảnh minh họa)

Không nên mua tích trữ thực phẩm để tránh tụ tập đông người, làm hao hụt dinh dưỡng khi bảo quản. (Ảnh minh họa)

Để tiết kiệm thời gian đi chợ, siêu thị, tránh tiếp xúc đông người lại đảm bảo không lãng phí thực phẩm, người dân nên lập danh sách những đồ cần mua trước khi đi chợ. Theo đó, thời gian giãn cách xã hội chỉ nên mua thực phẩm thật sự cần thiết cho nhu cầu sử dụng của gia đình. Nên tập trung vào những loại thực phẩm nâng cao sức đề kháng của cơ thể, đặc biệt là các loại rau xanh, quả chín cung cấp nhiều vitamin.

Đối với người đi mua thực phẩm, đồ thiết yếu tại siêu thị, cần kiểm tra nguồn thực phẩm, nên mua thực phẩm có hạn sử dụng dài ngày, hàng đóng hộp, sấy khô...

Cần lựa chọn các loại rau, củ tăng cường vitamin và khoáng chất, nâng sức đề kháng cơ thể. (Ảnh minh họa)

Cần lựa chọn các loại rau, củ tăng cường vitamin và khoáng chất, nâng sức đề kháng cơ thể. (Ảnh minh họa)

Đối với thực phẩm phục vụ ăn uống hàng ngày, sau khi mua về nên sử dụng, chế biến ngay khi còn tươi để tận dụng tối đa chất dinh dưỡng, sau đó mới bảo quản. Dù dịch bệnh nhưng bữa ăn hàng ngày cũng phải cân bằng, hợp lý 4 nhóm chất chính: Đường bột, chất béo, protein (đạm), vitamin và khoáng chất. 

- Nhóm đường bột: Mua vừa đủ, sử dụng các loại lương thực như gạo, mỳ và nên dùng các loại ngũ cốc nguyên cám…

- Nhóm chất đạm: Mua các loại thịt cá còn tươi, tùy vào điều kiện tài chính, nhu cầu cơ thể (với những người có bệnh lý) có thể lựa chọn các loại thực phẩm khác nhau. Cũng có thể sử dụng các loại thực phẩm nhiều đạm như các loại hạt họ đậu, hoặc sử dụng trứng, sữa hoặc các chế phẩm từ sữa…

- Chất béo: Chất béo có thể mua các loại dầu mỡ tùy theo nhu cầu sử dụng, ngoài ra chất béo cũng có trong các quả và hạt như bơ, hạt có dầu…

- Vitamin và khoáng chất: Nên mua các loại rau củ quả theo mùa, ưu tiên rau ăn lá, các loại củ (vì có thể bảo quản được lâu hơn) hoặc các loại rau, củ quả đóng hộp.

Ngoài chế biến thành món ăn, mọi người cũng có thể mua về sử dụng bằng cách làm sinh tố, ăn trực tiếp với một số loại rau xanh và quả chín. Tuy nhiên, phải đặc biệt lưu ý về nguồn gốc và hạn sử dụng.

Hà Nội: 21 trường hợp dương tính tại Công ty thực phẩm Thanh Nga, gồm có 11 người giao hàng
Theo CDC Hà Nội, trong số 21 trường hợp dương tính, có tới 11 nhân viên giao hàng, 6 nhân viên văn phòng, một người đóng hàng…

Dịch COVID-19

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19