Có những loại quả không chỉ có vị ngon, ngọt dễ ăn mà có nhiều vi chất tốt cho sức khỏe, giúp chữa bệnh. Tuy nhiên nếu không biết cách ăn lại gây hại sức khỏe.
Vỏ quả hồng không tốt cho sức khỏe
Quả hồng là loại trái cây yêu thích của nhiều người, được dùng làm món tráng miệng, làm mứt, ngâm đường...
Loại quả này hồng là nguồn cung cấp vitamin và chất khoáng dồi dào như vitamin A, C; photpho, canxi, sắt. Hơn nữa, hồng còn có tác dụng chữa nhiều loại bệnh mà ít người biết đến.
Những quả hồng chín đỏ mọng, căng tròn là loại quả được nhiều người ưa thích. Đặc điểm của loại quả này khi chín là rất mềm, việc gọt vỏ gây nhiều khó khăn. Tuy nhiên không nên ăn vỏ quả hồng. Ảnh minh họa.
- Có thể phòng chống ung thư: Trong quả hồng giàu vitamin A, shibuol, axit betulinic và các chất chống oxy hóa khác chính có khả năng chống lại các gốc tự do trong tế bào - tác nhân gây tổn thương tế bào và dẫn đến ung thư.
- Chống viêm, nhiễm trùng: Trong quả hồng chứa một lượng khá lớn chất catechin và polyphenol (chất chống oxy hóa). Các chất này có khả năng chống viêm rất tốt, nhờ đó, ăn hồng giúp hỗ trợ chống viêm cũng như nhiễm trùng mạnh.
- Tăng cường hệ thống miễn dịch: Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng axit ascorbic có thể cải thiện hệ thống miễn dịch bằng cách tăng sản xuất các tế bào bạch cầu. Những tế bào này là tuyến bảo vệ chính của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng do virus, vi sinh vật, nấm và các chất độc khác gây ra; ngăn ngừa các bệnh như cảm cúm, cảm lạnh, các bệnh nhiễm trùng phổi như hen suyễn, theo Lao Động.
- Tăng cường thị lực: Nguồn vitamin A dồi dào từ quả hồng giúp cải thiện thị lực, tăng cường tầm nhìn cho đôi mắt. Ngoài ra, hồng còn chứa một lượng sắt giúp hỗ trợ sản xuất hồng cầu trong máu.
- Tốt cho hệ tiêu hóa: Loại quả hồng vàng chứa chất tanin có chức năng điều tiết chuyển động của đường ruột, qua đó hỗ trợ điều trị các bệnh tiêu. Quả hồng rất giàu chất xơ nên việc ăn hồng thường xuyên sẽ giúp tiêu hóa tốt, chữa tiêu chảy rất hiệu nghiệm.
- Giảm cân hiệu quả: Quả hồng chứa rất ít calo và chỉ cung cấp 31 g carbonhydrate trong tổng trọng lượng trung bình của một quả là 168 g. Do vậy, những người muốn giảm cân có thể bổ sung hồng vào thực đơn hàng ngày.
Loại quả này tuy giàu chất dinh dưỡng nhưng không biết cách ăn lại hại sức khỏe. Theo đó, trước khi ăn hồng hãy gọt bỏ vỏ, bởi vỏ quả hồng có thể làm bạn bị đau dạ dày.
Thông tin trên Tiền Phong khi quả hồng còn non, axit tannic tập trung ở phần thịt quả. Nhưng khi quả chín, chất này sẽ chuyển hướng tập trung ở phần vỏ. Đặc biệt, axit tannic khi xâm nhập vào dạ dày sẽ tạo ra hóa chất kết hợp với protein trong thực phẩm, tạo ra những cục u lớn nhỏ, gọi là sạn trái hồng trong dạ dày, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm.
Quả cà pháo
Đây là một loại quả quen thuộc trong mâm cơm của người Việt. Quả cà xanh có thể luộc ăn, làm nộm, ăn xào. Quả già dùng muối xổi để ăn dần; nếu muối mặn để được hằng năm, ăn giòn như nổ trong miệng. Quả cà cắt miếng ăn sống như rau, chấm mắm tôm hay mắm ruốc: quả cà giòn tan, nhai sồn sột kèm với mắm mặn rất khoái khẩu nhưng cần cẩn thận, ăn nhiều có thể bị nhức mỏi do solanin độc. Tuy nhiên điểm đáng lưu ý là trong "Hải Thượng Y tông tâm lĩnh" có ghi rằng: không nên ăn nhiều cà sống.
Cà pháo có chứa nhiều vi khoáng tốt cho cơ thể, tuy nhiên nếu chế biến không đúng cách có thể không tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa.
Theo số liệu trên Sức khỏe & Đời sống 100g cà pháo cung cấp 1,5g protein (có đủ các acid amin cần thiết cho cơ thể), 12mg canxi, 0,7mg sắt, 18mg magiê, 16mg phospho, 22,1g mg kali, 0,3mg kẽm. Ngoài ra nó còn chứa cả đồng và selen là các vi khoáng quý. Nhiều loại vitamin như tiền vitamin A, vitamin C (3mg/100g), vitamin B1, B2, PP cũng có trong cà pháo. Riêng phần hạt cà đúng là có nhiều sợi lông nhỏ nên có thể là nguyên nhân gây ho. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào công bố về tác hại này. Lượng sitosterol không đáng lưu tâm nhưng lại có solanin độc. Quả cà chưa chín có nhiều solanin hơn quả chín.
Món cà pháo muối chua là món ăn rất quen thuộc trong bữa cơm của người Việt Nam. Tuy nhiên, trong trái cà có chứa nhiều solanin, rất dễ dẫn tới ngộ độc, nên khi ăn cà, cần muối chua để chất độc giảm đi sẽ an toàn. Không nên thường xuyên ăn cà muối xổi, muối chưa kỹ.
Đặc biệt, hạt cà pháo có vỏ khá cứng, khi ăn vào khó tiêu hóa. Ngoài ra, hạt cà có lông nhỏ, có thể gây ho.
Theo Đông y, cà pháo có tính hàn (thậm chí rất hàn), vì vậy kiêng dùng đối với người hư hàn, thận trọng khi phối hợp với các thức ăn hàn, nên ăn kèm các gia vị có tính ôn như: tỏi, ớt, sả… người mới đau dậy, suy nhược không nên ăn cà, cà không nên ăn sống.
Ngoài ra, cà pháo tính hàn, hơi độc, ăn nhiều có thể bị đau bụng và sinh cố tật cho nên người xưa thật có lý khi nói rằng một quả cà, ba chén thuốc.