Nếu như cà muối luôn được khuyến cáo hạn chế hoặc không nên sử dụng, thì với quả sung dù muối xổi vẫn mang lại những lợi ích nhất định với cơ thể.
Với các thực phẩm muối chua lên men, đa số các chuyên gia đều khuyên nên hạn chế, không ăn thường xuyên, lâu dài vì có thể gây hại sức khỏe, trong đó có cả nguy cơ ung thư. Điển hình nhất là dưa muối (bị khú) hay cà muối xổi được khuyến cáo không nên sử dụng. Tuy nhiên, với quả sung dù muối xổi hay muối chua vẫn có thể dùng và mang lại nhiều tác dụng.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, cà muối chua nếu ăn ít vẫn có những lợi ích với sức khỏe, nhất là kích thích hệ tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng hơn vì nó bổ sung nhiều lợi khuẩn có lợi như lactobacillus, acidophilus và plan-tarum.
Các chuyên gia khuyến cáo, không nên ăn cà muối xổi vì nguy cơ ngộ độc rất cao. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, với cà muối xổi, PGS Nguyễn Thị Lâm lại khuyến cáo không nên ăn, vì khi chưa được lên men đủ chua, cà chứa chất solanine, nếu ăn nhiều có thể gây ngộ độc. Khi muối chua, quá trình lên men chất độc này tan trong muối và sẽ an toàn để sử dụng. Do vậy, không nên ăn sống cà hoặc ăn cà muối xổi để bảo vệ sức khỏe.
Trái ngược với cà muối xổi, quả sung muối xổi khi ăn sẽ mang đến nhiều lợi ích . Ths.BS Hoàng Khánh Toàn - nguyên chủ nhiệm khoa y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, quả sung là vị thuốc trong đông y, khi quả còn xanh hay muối xổi chúng không có chất độc solanine như cà vì thế có thể sử dụng an toàn.
Bác sĩ Khánh Toàn cho biết, quả sung chứa nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể như kali, phốt pho, vitamin C… Các nghiên cứu dược lý thực nghiệm bước đầu cho thấy, sung có tác dụng nhuận tràng, hạ huyết áp và phòng chống ung thư.
Dù quả sung có nhiều dinh dưỡng và dược lý tốt hơn so với cà pháo, nhưng các chuyên gia vẫn khuyến cáo nên ăn với lượng vừa phải kể cả khi muối chua hoặc muối xổi. Trong quá trình muối, lượng natri ngấm vào trong sung, cũng như cà rất nhiều, chỉ cần ăn quá 5 quả có thể đã dư thừa lượng muối tiêu thụ trong ngày. Do vậy, mọi người chỉ nên thưởng thức, tăng hương vị và gia vị bữa cơm, không ăn nhiều cà muối, sung muối như các loại rau thông thường khác.
Quả sung dù không có độc, nhưng khi muối chua nguy cơ dư thừa muối khi ăn rất cao. Ảnh minh họa.
Ngoài nguy cơ dư thừa muối, một số người sau cũng không nên dùng hai loại quả này:
- Người có xuất huyết trực tràng, đau dạ dày: Theo đông y, đặc tính của quả sung chín là nóng, ăn nhiều sẽ gây xuất huyết trực tràng hoặc làm đau dạ dày.
- Trẻ em: Trẻ em có hệ tiêu hóa chưa hoàn chỉnh nên cần tránh cho ăn đồ lên men.
- Sỏi thận, sỏi mật, sỏi bàng quang: Sung và cà chứa nhiều oxalate nên những người mắc bệnh thận khi ăn chất oxalate sẽ kết hợp với canxi tạo thành sỏi.
- Người có da nhạy cảm: Nếu là người có làn da nhạy cảm, dễ dị ứng thì tốt nhất không nên ăn sung hoặc cà, vì dễ gây ra các tình trạng như viêm mũi, viêm màng kết và sốc phản vệ.
Trong y học cổ truyền, rất nhiều bài thuốc có giá trị từ quả sung đã được áp dụng. Ảnh minh họa.
Ngoài dùng sung làm thực phẩm, bác sĩ Hoàng Khánh Toàn tư vấn một số bài thuốc chữa bệnh từ quả sung như sau:
- Viêm họng: Sung tươi sấy khô, tán bột rồi lấy một chút thổi vào họng. Hoặc sung tươi gọt vỏ, thái phiến, sắc kỹ lấy nước, cho thêm đường phèn rồi cô nhỏ lửa thành dạng cao, ngậm hằng ngày.
- Ho khan không có đờm: Sung chín đủ, rửa sạch, giã nát, ép lấy nước cốt uống mỗi ngày 1 lần.
- Viêm loét dạ dày tá tràng: Sung sao khô, tán bột, mỗi ngày uống 2- 3 lần, mỗi lần 6-9g với nước ấm.
- Viêm khớp: Sung tươi lượng vừa đủ đem hầm với thịt lợn nạc ăn. Hoặc sung tươi 2-3 quả rửa sạch thái vụn rồi tráng với trứng gà ăn.
- Mụn nhọt, lở loét: Sung chín sao khô, tán bột rồi rắc lên tổn thương. Để đạt hiệu quả cao, trước đó có thể ngâm rửa tổn thương bằng nước sắc quả hay lá sung tươi, sau đó lau khô rồi rắc bột thuốc và băng lại...