Không phải tự nhiên mà những thực phẩm này được ví như "vàng lỏng", không phải bởi vì nó đắt đỏ mà bởi giá trị dinh dưỡng và tác dụng với sức khỏe rất tốt và quý giá như vàng.
Thay vì bỏ cả đống tiền ra mua những loại thuốc bổ hay nhân sâm, tổ yến, bạn chỉ cần tiêu tốn số tiền bằng một nửa nhưng lại được thưởng thức những thứ được gọi là "vảng lỏng" trên thế giới. Đặc biệt, những thực phẩm này cũng rất tốt cho sức khỏe và có loại còn luôn được giới thiệu trong các chế độ ăn uống lành mạnh và trường thọ.
1. Dầu ô liu
Dầu ô liu được mô tả là “vàng lỏng” trong lịch sử Hy Lạp cổ đại. Nó là thực phẩm lành mạnh nhất để tiêu thụ và là thực phẩm quan trọng trong chế độ ăn Địa Trung Hải - chế độ ăn được đánh giá tốt nhất thế giới và có thể giúp kéo dài tuổi thọ.
Hầu hết các lợi ích sức khỏe của dầu ô liu là do các đặc tính tự nhiên mà nó sở hữu. Dầu ô liu là một nguồn giàu chất béo không bão hòa đơn, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim bằng cách giảm mức lipid làm tắc nghẽn động mạch trong máu, giúp con người chống lại bệnh ung thư, viêm khớp, tiểu đường và các bệnh do vi khuẩn.
Ngoài ra, loại "vàng lỏng" này còn chứa các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể chúng ta như chất béo tốt (MUFA), omega-3, chất chống oxy hóa, vitamin như E và K cùng các khoáng chất như sắt, canxi, kali.
Canxi trong dầu ô liu giúp cơ thể con người chống lại bệnh loãng xương, ảnh hưởng đến độ dày của xương. Từ đó, nó giúp phụ nữ chống lại bệnh loãng xương sau mãn kinh. Vitamin E dồi dào cùng chất chống oxy hóa beta-caroteneas, squalene đóng vai trò đặc biệt đối với sức khỏe của da, đồng thời làm chậm sự phát triển của ung thư da.
Dầu ô liu cũng giúp làm giảm nguy cơ ung thư ruột kết vì nó bảo vệ cơ thể chống lại các gốc tự do, đặc biệt trong dầu ô liu nguyên chất có axit béo oleic và không bão hòa đơn giúp chống lại ung thư vú.
Mặc dù dầu ô liu khá phổ biến trong các gia đình ở phương Tây và thường được dùng để trộn salad nhưng với người Việt, loại dầu này vẫn không được sử dụng phổ biến như dầu đậu nành, mỡ động vật (mỡ lợn).
2. Mật ong
Trong cộng đồng ẩm thực, cụm từ "vàng lỏng" thường được gắn liền với dầu ô liu bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe. Nhưng mật ong chính là “vàng lỏng” ngọt ngào nhất, đặc biệt loại mật ong Ikarian còn giúp kéo dài tuổi thọ.
Đảo Ikaria của Hy Lạp là nơi có những người sống lâu nhất trên thế giới, nhiều người trong số họ đã thọ tới 100 tuổi hoặc hơn mà ít bị suy giảm về thể chất hoặc nhận thức. Một thìa mật ong ngọt ngào có nguồn gốc địa phương là một phần trong chế độ ăn uống lành mạnh của người Ikarian. Mỗi ngày, người Ikarian đều tiêu thụ một chút mật ong ít nhất hai lần, họ có thể cho nó vào tách trà buổi sáng hoặc dùng trực tiếp.
Và như nhiều người đã biết, mật ong từ lâu vốn đã được xem là thuốc trong nhiều nền y học trên thế giới bởi nó có nhiều tác dụng tốt với sức khỏe. Mật ong nổi tiếng với khả năng giảm ho, là phương thuốc tốt nhất chữa đau họng do đặc tính kháng khuẩn, chống virus. Nhờ đó, thứ "vàng lỏng" ngọt ngào này còn có thể giúp chống nhiễm trùng, chữa lành vết thương.
Bên cạnh đó, mật ong rất giàu chất chống oxy hóa như flavonoid và polyphenol có thể chống lại chứng viêm. Nhờ đó có thể giúp chúng ta chống lại các bệnh do stress oxy hóa và viêm mãn tính, đồng thời có triển vọng trong việc ngừa ung thư.
Mật ong cũng đang trở thành một thành phần ngày càng phổ biến trong các công thức chăm sóc da. Nó có đặc tính giữ ẩm có thể làm cho da ngậm nước và làm dịu.
3. Mỡ vịt
Mỡ vịt được cả thế giới ẩm thực biết đến như “vàng lỏng”. Mỡ vịt mang lại hương vị đậm đà và kết cấu tuyệt vời cho bất kỳ món ăn nào bạn chọn để chế biến cùng với nó. Đó là lý do tại sao các đầu bếp sử dụng nó thay cho mỡ động vật và dầu ăn khác để nướng rau, chiên khoai tây, làm nước sốt hay thậm chí làm bánh ngọt.
Và mặc dù các đầu bếp thích nấu ăn với mỡ vịt do đặc tính ẩm thực của nó, nhưng nó cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Mỡ vịt, giống như các loại mỡ nấu ăn khác, có lượng calo cao. Tuy nhiên, điều làm cho mỡ vịt trở nên độc đáo là nó có ít chất béo bão hòa hơn và có nhiều chất béo không bão hòa “lành mạnh” hơn so với mỡ thịt bò hoặc thịt lợn.
Trên thực tế, mỡ vịt bao gồm khoảng 65% chất béo không bão hòa, cả chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa. Các axit béo như axit linoleic và axit oleic có trong chất béo không bão hòa mang lại đặc tính chống viêm và chống oxy hóa có lợi, giống như dầu ô liu. Vì vậy, người tiêu dùng muốn kết hợp chất béo lành mạnh hơn vào chế độ ăn của mình chắc chắn nên cân nhắc việc nấu ăn bằng mỡ vịt. Tuy nhiên người Việt thường cực ít sử dụng mỡ vịt khi nấu ăn, chủ yếu vẫn dùng mỡ lợn nhiều hơn.