Không ít thực phẩm được sử dụng phổ biến trong ngày Tết lại ẩn chứa những chất phụ gia không có lợi cho sức khỏe.
Ngày càng có nhiều nghiên cứu đề cập đến tác hại của phụ gia thực phẩm đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên với sự phát triển không ngừng của ngành công nghiệp thực phẩm, phụ gia thực phẩm dần trở nên phổ biến trên thị trường, gần như không thể tránh khỏi việc ăn chúng.
Bác sĩ Đông y người Hàn Quốc Jung Se-yeon gợi ý một số phương pháp thực hành hàng ngày để giảm tác động của các chất phụ gia thông thường đối với sức khỏe.
Khói thuốc mất 10 giây để gây hại cho não nhưng phụ gia thực phẩm chỉ mất 0,6 giây
Bác sĩ Jung Se-yeon cho biết: "Hút thuốc thụ động mất khoảng 10 giây để tác động đến não, nhưng chỉ mất 0,6 giây để các chất phụ gia thực phẩm ăn vào có thể tác động đến não bộ!"
Chỉ mất 0,6 giây để các chất phụ gia ăn vào từ thực phẩm có thể tác động đến não bộ. (Ảnh minh họa)
Ngay cả đường, muối và chất béo, tất cả đều làm suy yếu chức năng của thùy trước trán và vùng hải mã, thậm chí dẫn đến nghiện một loại thực phẩm nào đó. Chẳng hạn như thực phẩm chế biến sẵn có thể khiến người ta nghiện những hương vị mạnh, và vì chúng dễ tiếp cận hơn so với các loại thuốc lá, rượu, và ma túy nên sẽ tương đối khó để từ bỏ.
Không thể tránh khỏi phụ gia thực phẩm, làm sao để loại bỏ?
Vì rất khó mua được các sản phẩm không có chất phụ gia nên khi nấu ăn tại nhà, mọi người nên chú ý một số điều sau để giảm bớt việc hấp thụ các chất kém lành mạnh này.
1. Rau củ đã gọt vỏ/rau muối
Để việc nấu nướng trở nên dễ dàng hơn, ở Hàn Quốc, các nguyên liệu như củ sen, ngưu bàng đều được gọt vỏ trước. Tuy nhiên, để các nguyên liệu đã bóc vỏ không bị hư hỏng nhanh chóng, đôi khi người ta còn cho thêm chất bảo quản như sulfite, có tác dụng tẩy trắng nhưng chất này lại có thể gây ra cơn hen suyễn. Các chất tẩy trắng này còn có thể được sử dụng trong rau muối, rau lên men chẳng hạn như dưa cải bắp, măng khô.
Trên thực tế, sulfite hòa tan trong nước và dễ bay hơi. Bác sĩ Jung Se-yeon gợi ý cách xử lý những thành phần này là bạn có thể đun sôi thực phẩm nhanh chóng trong nước sôi và mở nắp nồi. Điều này sẽ loại bỏ khoảng 90% lượng sulfite, và sau đó chỉ cần rửa sạch và nấu chín.
Ngoài sulfite, hydrogen peroxide cũng dễ xuất hiện trong hải sản đã chế biến, mì ống và các loại đậu. Mọi người có thể sử dụng phương pháp tương tự, mở nắp và đun với nước sôi để hydrogen peroxide chuyển vào nước tránh gây hại cho sức khỏe.
2. Thịt đã qua chế biến
Để làm cho các loại thịt đã qua chế biến, chẳng hạn như giăm bông và xúc xích, trông mềm và mọng nước hơn, các hóa chất nhân tạo như bột màu và nitrit thường được thêm vào để giữ màu lâu hơn và ngăn ngừa hư hỏng. Vì không phải là chất tự nhiên nên chúng thường không thể tiêu hóa và khó đào thải khỏi cơ thể.
Nitrit ở lâu trong cơ thể sẽ tạo ra các chất gây viêm trong quá trình trao đổi chất. Nếu muốn loại bỏ những chất này, bác sĩ Jung Se-yeon khuyên bạn nên cắt thịt đã qua chế biến thành từng miếng rồi cho vào nước sôi luộc từ 2 đến 3 phút, sau khi chế biến xong có thể bắt đầu quá trình nấu.
3. Chả cá và mực xé sợi
Thực phẩm đã qua chế biến dễ bị các vi sinh vật sinh sôi và sinh sản nên để bảo quản, chúng thường được thêm vào một chất bảo quản gọi là kali sorbate (hay còn được gọi là chất bảo quản INS 202), đồng thời để sản phẩm không bị khô và tạo ra vị ngọt, sorbitol cũng được thêm vào.
Kali sorbate sẽ cản trở việc truyền tín hiệu giữa các tế bào, trong khi cơ thể con người không thể tiêu hóa sorbitol và sẽ hút nước từ ruột, có thể gây đau bụng và tiêu chảy. Tuy nhiên, vì kali sorbate không chịu nhiệt và sẽ hòa tan trong nước nên hầu hết các chất phụ gia có thể được loại bỏ bằng cách đun sôi các nguyên liệu này trong nước sôi khoảng 5 phút trước khi nấu.
4. Đậu phụ, tôm khô, củ cải khô muối
Mặc dù thường được coi là một loại thực phẩm tương đối tốt cho sức khỏe, đậu phụ thực sự có chứa các chất phụ gia như chất đông tụ, chất khử bọt, chất diệt khuẩn và magie clorua có thể giúp giữ lại isoflavone đậu nành. Vì những hóa chất này thường hòa tan trong nước nên bác sĩ Jung Se-yeon khuyên bạn nên cho đậu phụ vào nước lạnh và khuấy đều trước khi ăn, điều này có thể loại bỏ hầu hết các hóa chất.
Ngoài ra, tôm khô và củ cải khô muối cũng thường được bổ sung thêm sulfur dioxide và chất bảo quản.
Lin Yixiang, trưởng bộ phận Trung tâm Quản lý Quận Trung tâm của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan đề xuất rằng ngoài việc mua sản phẩm có màu sắc tương đối tự nhiên và chưa qua xử lý, mọi người cũng nên rửa sạch thực phẩm trước bằng nước sạch để giảm dư lượng phụ gia.