Khi đi chợ nếu không quan sát kỹ bạn có thể mua phải hoa quả bị ngâm hóa chất để ép chín, cực kỳ hại cho sức khỏe.
Chuối
Chuối là loại quả có quanh năm. Tuy nhiên, chuối cũng là loại quả dễ bị ngâm hóa chất ép chín. Theo kinh nghiệm của các tiểu thương, quả chuối chín vàng nhưng cuống còn xanh hoặc nhiều nhựa thì khả năng cao là chuối chín ép.
Vỏ chuối chín ép thường có màu vàng bắt mắt, mịn màng. Trong khi đó, chuối chín tự nhiên có vỏ vàng sẫm, kèm theo đốm nhỏ màu nâu, đen.
Khi bóp nhẹ vào quả chuối, loại chín ép thường vẫn cứng, không có độ mềm và đàn hồi. Trong khi đó, loại chín tự nhiên thì ruột sẽ mềm, thơm.
Quả bơ
Khoảng tháng 5-6 hàng năm là thời gian bơ sáp vào vụ. Do vận chuyển đường dài nên những quả bơ chín rất dễ bị dập. Vì vậy nhiều thương lái vô lương tâm đã "tắm hóa chất" để giữ cho bơ tươi ngon.
Khi mua bơ, bạn cần nhìn vào phần cuống đầu tiên. Bơ chưa chín, lõi cuống sẽ có màu xanh. Nếu cuống có màu vàng thì là bơ chín tới; màu nâu là bơ đã chín kỹ. Khi cầm quả bơ mà cuống xanh nhưng thân lại mềm thì chứng tỏ đó là bơ đã được ngâm hóa chất để nhanh chín.
Kích thước của cuống bơ cũng là đặc điểm nhận diện. Quả bơ non được ngâm hóa chất thì cuống sẽ to. Bơ chín tự nhiên có phần vỏ căng bóng nhưng vẫn hơi sần sùi, cầm chắc tay.
Bơ ngâm hóa chất dù đã mềm nhưng ăn vẫn sẽ có vị đắng, nhiều người lầm tưởng là do nạo quá sát phần vỏ. Tuy nhiên, những trái bơ chín tự nhiên thì dù nạo hết phần xanh trong vỏ cũng sẽ không bị đắng, thậm chí phần vỏ xanh này còn có vị béo, ngon.
Quả lê
Trong một số mẫu lê, người ta đã phát hiện hóa chất Endosulfan, một loại thuốc trừ sâu có độc tính cao. Endosulfan tích tụ trong cơ thể có thể gây vô sinh và phá vỡ hệ nội tiết. Ngoài ra, lê nhập khẩu từ nguồn không bảo đảm còn chứa nhiều hóa chất độc hại khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Những quả lê này thường có vỏ nhẵn mịn, da căng sáng bóng và hình thức bắt mắt nhưng ruột bị thâm đen, lỗ chỗ như kim châm, và có vị nhạt, không thanh chua, dịu mát như lê Việt Nam. Lê độc hại thường có mùi vị lạ hoặc hôi, không có hương vị đặc trưng.
Quả mít
Bạn có thể quan sát mủ (nhựa) của quả mít để phân biệt quả chín ép và quả chín tự nhiên. Ảnh minh họa.
Mít là loại quả được ưa chuộng vào mùa hè, tuy nhiên thời gian thu hoạch khá dài. Vì vậy để có lãi, nhiều người bán dùng hóa chất để giúp mít chín nhanh hơn, múi đẹp và ngon hơn. Hóa chất càng mạnh thì thời gian thúc mít chín càng ngắn, thường chưa đầy 12 giờ sau khi tiêm thuốc là mít đã chín.
Mít chín tự nhiên sẽ có mùi thơm đặc trưng, ngửi được từ xa mà không cần phải bổ quả mít ra. Múi mít có vị ngọt thanh, bùi, giòn nhưng không cứng. Còn mít ngâm hóa chất có màu vàng óng nhưng múi mít cứng và sượng, cắn vào có vị lờ lợ.
Ngoài ra, để phân biệt giữa mít chín ép và mít chín tự nhiên, bạn có thể quan sát mủ (nhựa) của quả mít. Mít chín cây sẽ có ít mủ, còn mít chín ép sẽ có mủ trắng chảy ra nhiều. Bên cạnh đó, mít chín cây thường có mùi thơm đặc trưng trong khi loại chín ép thường chỉ có mùi thoang thoảng, ngửi kỹ mới thấy.
Quả đào
Loại đào quả to thường được gọi là đào tiên bởi màu sắc bóng đẹp, nhìn rất bắt mắt. Tuy nhiên, đào rất dễ dập nát và mất nước trong quá trình vận chuyển. Vì thế, người bán thường ngâm loại quả này với axit citric công nghiệp để giữ được màu sắc hấp dẫn và độ cứng, giòn.
Một số người có thể bị dị ứng khi ăn đào ngâm hoá chất, gây ra các triệu chứng như ngứa, nổi mẩn đỏ, hoặc khó thở. Loại hóa chất trên có thể gây hại cho hệ thần kinh nếu tích tụ nhiều trong cơ thể.
Người tiêu dùng nên cẩn trọng khi mua đào, chọn những quả có màu sắc tự nhiên, không quá bóng bẩy và nên mua từ những nguồn tin cậy để tránh nguy cơ tiêu thụ trái cây ngâm hóa chất.