Ăn rau sống thường xuyên, người phụ nữ nhiễm 5 loại giun, sán cùng lúc, đồng thời bị viêm gan, viêm phổi, viêm dạ dày.
Ngày 26-8, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết đã tiếp nhận một nữ bệnh nhân 65 tuổi, ngụ Hạ Hòa, Phú Thọ, nhập viện trong mệt mỏi, ăn kém, đau đầu, sút 8 kg trong 2 tháng.
Theo chia sẻ, người bệnh thường xuyên ăn rau sống, cứ 5 ngày ăn 1 bữa.
Tại khoa Nội hô hấp - Tiêu hóa, sau khi thực hiện các kiểm tra lâm sàng, chụp chiếu, xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện người bệnh dương tính với sán lá gan lớn, sán dây chó, giun lươn, giun đũa chó mèo và sán máng.
Người bệnh được chẩn đoán viêm phổi, tăng bạch cầu ái toan, nhiễm nhiều loại ký sinh trùng, viêm dạ dày, viêm gan.
Thường xuyên ăn rau sống, người phụ nữ nhiễm 5 loại giun, sán cùng lúc. Ảnh: BVCC
Sau 8 ngày điều trị, tình trạng viêm phổi được cải thiện, người bệnh ổn định, được xuất viện, song vẫn phải duy trì dùng thuốc theo đơn, theo dõi và điều trị giun sán.
Theo bác sĩ Trần Văn Sơn, khoa Nội hô hấp - Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, khi ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể mà không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm đường mật cấp tính, áp xe gan, viêm túi mật hoặc tụ máu dưới bao gan.
Những biến chứng này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
Ký sinh trùng có thể xâm nhập vào cơ thể qua nhiều con đường, bao gồm việc tiêu thụ thực phẩm chưa chế biến kỹ, uống nước lã, ăn rau sống, hoặc bị côn trùng đốt như muỗi, rệp… Thậm chí, việc tiếp xúc với vật chủ trung gian truyền bệnh như chó, mèo, chim cũng có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm ký sinh trùng.
Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, người dân nên thực hiện những biện pháp sau: - Ăn chín, uống sôi: Đảm bảo thực phẩm được nấu chín và nước uống được đun sôi trước khi sử dụng; tránh ăn uống tại các quán vỉa hè hoặc hàng rong không đảm bảo vệ sinh. - Hạn chế ăn rau sống và tiêu thụ các loại gỏi, cá, thịt tái hoặc thịt chua không rõ nguồn gốc; tuyệt đối không sử dụng thức ăn ôi thiu. - Rửa tay sạch sẽ sau khi chơi với vật nuôi hoặc tiếp xúc với các khu vực có nguy cơ nhiễm bệnh; đảm bảo vệ sinh đúng cách sau khi sử dụng nhà vệ sinh và không sử dụng phân tươi để bón cây; phân cần được ủ mục trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn. - Giữ gìn vệ sinh cá nhân, cắt móng tay gọn gàng, không cho trẻ thói quen ngậm tay, phải rửa tay sạch trước khi ăn. - Vệ sinh môi trường sống: Loại bỏ phân của thú cưng ngay lập tức để ngăn ngừa sự phát triển của trứng ký sinh trùng; đảm bảo môi trường sống luôn sạch sẽ, khô ráo để tránh thu hút côn trùng. - Tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm giun sán. |