Tiết kiệm là đức tính tốt nhưng với những thứ dưới đây, bạn đừng nên tiết kiệm kẻo có ngày hại sức khỏe.
Thói quen tiết kiệm trong cuộc sống là một đức tính đáng được học hỏi, không chỉ giảm áp lực kinh tế mà còn phù hợp với quan niệm sống tối giản của người hiện đại. Tuy nhiên, tiết kiệm quá mức hay tiết kiệm không đúng chỗ lại có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Nếu thường xuyên thực hiện những thói quen tiết kiệm tiền sau đây có thể gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, thậm chí làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
1. Ăn đồ ăn thừa để qua đêm
Một số người để tiết kiệm thời gian thường nấu nhiều thức ăn trong một bữa rồi để phần thừa lại cho bữa sau hoặc ngày hôm sau ăn tiếp. Hoặc có nhiều gia đình ăn không hết thức ăn, cảm thấy đổ đi sẽ rất lãng phí nên tiết kiệm cất lại để ăn hôm sau.
Thực phẩm nếu để lâu sẽ dẫn đến sự phát triển của vi khuẩn, đồng thời nếu đun nhiều lần cũng sẽ làm tăng hàm lượng nitrit trong thực phẩm. Nếu chỉ thỉnh thoảng ăn sẽ không ảnh hưởng nhiều đến cơ thể, nhưng nếu ăn thường xuyên sẽ dẫn đến tích tụ nitrit trong cơ thể theo thời gian, từ đó tăng nguy cơ mắc ung thư.
2. Không thay đồ dùng nhà bếp hàng ngày sau một thời gian dài
Một số vật dụng bền đến mức người ta nghĩ rằng chúng có thể tồn tại hàng chục năm, chẳng hạn như thớt. Tuy nhiên, sau thời gian dài sử dụng, cặn thực phẩm sót lại trên thớt sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển, trong đó có thể có cả một số loài Aspergillus (một loại nấm mốc) sản sinh ra độc tố aflatoxin, là chất gây ung thư.
Không chỉ có thớt gỗ mà đũa gỗ dùng lâu ngày cũng cần thay. Khi dùng đũa gỗ ăn thức ăn có hàm lượng tinh bột cao, những dư lượng thực phẩm này sẽ bám vào đũa. Tinh bột ẩn trong các kẽ của đũa lâu ngày có thể sinh ra aflatoxin sau khi bị nấm mốc. Đôi khi nấm mốc này ẩn sâu bên trong, bạn khó có thể nhìn ra.
3. Nấu ăn mà không bật máy hút mùi
Một số người không bật máy hút mùi để tiết kiệm điện khi nấu nướng. Tuy nhiên trên thực tế, trong khói bếp có nhiều chất gây ung thư như benzopyrene và dinitrophenol, nếu hít phải quá nhiều sẽ gây hại cho cơ thể. Vì vậy việc nấu nướng phải đảm bảo môi trường thông gió tốt.
Có một số nghiên cứu còn nhận thấy rằng nhiều phụ nữ bị ung thư phổi ngay cả khi họ không hút thuốc là do khói bếp. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, nếu không nấu nướng ở khu vực có thông gió tốt, bạn nên sử dụng máy hút mùi để giảm rủi ro.
4. Cắt bỏ phần mốc trên rau và trái cây trước khi ăn
Nhiều người vì tiếc nên không muốn vứt bỏ rau quả bị mốc mà chỉ cắt bỏ phần mốc đi và tiếp tục sử dụng phần còn lại để ăn. Thực tế, rau quả mốc không chỉ bị mốc ở những nơi có thể nhìn thấy bằng mắt thường mà ở cả những nơi không nhìn thấy được. Vì vậy, chỉ cắt bỏ phần hư hỏng chưa chắc đã đảm bảo an toàn.
Hơn nữa, rau quả bị mốc có có thể sẽ sinh ra độc tố như aflatoxin không thể bị tiêu diệt bằng nhiệt độ cao thông thường. Aflatoxin được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào loại chất gây ung thư loại 1, đồng thời đây cũng là chất có độc tính cao với độc tính gấp 68 lần thạch tín, có khả năng phá hủy mô gan cực lớn và có thể gây tổn thương DNA của tế bào gan, dẫn đến bất thường tăng trưởng tế bào và ung thư. Dù đun nóng cũng không tránh khỏi nguy cơ ung thư nên an toàn nhất là vứt bỏ, không nên ăn.
5) Không vứt bỏ dầu ăn đã để lâu ngày
Nhiều người nghĩ rằng dầu ăn sẽ không hết hạn sử dụng, miễn là nó được bảo quản đúng cách. Trên thực tế, dầu ăn cũng có hạn sử dụng, dầu ăn đã mở nắp sẽ dễ bị ôi thiu hơn sau khi tiếp xúc với oxy.
Đặc biệt, nhiều người tiết kiệm còn dùng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần để nấu ănLoại dầu này đã bị phá hủy các chất dinh dưỡng và bị oxy hóa tạo ra những chất không tốt cho sức khỏe và còn gây ra ung thư. Dưới tác dụng của nhiệt độ cao (trên 1800C) sẽ gây ra các phản ứng hóa học, sản sinh ra các chất andehit, chất oxy hóa, perocid... đều là những chất rất có hại cho cơ thể.