Nhiều người nghĩ chỉ khi có biểu hiện liên tục khát nước, đi vệ sinh nhiều, tê bàn tay, bàn chân…, mình mới có khả năng mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng còn có nhiều dấu hiệu đáng ngạc nhiên khác cho thấy lượng đường trong máu bạn bất thường.
Da đổi màu
Da tối màu, viền đen ở các nếp gấp, thường ở gáy, khuỷu tay, các đốt ngón tay… thường là dấu hiệu cảnh báo sớm lượng đường trong máu quá cao.
Bác sĩ da liễu Sanjiv Saini từ Edgewater, Maryland (Mỹ) cho biết: “Mặc dù yếu tố di truyền hoặc các kích thích tố có thể gây ra các chứng rối loạn sắc tố nhưng khi nhận thấy các vùng da tối màu, điều đầu tiên tôi làm là kiểm tra lượng đường trong máu bệnh nhân mình”.
Vị chuyên gia cho biết mức insulin cao thúc đẩy sự tăng trưởng của tế bào da và melanin – một sắc tố trong tế bào – tạo ra các mảng tối. Thông thường, kết quả xét nghiệm sẽ phát hiện nồng độ đường trong máu cao hơn bình thường, dấu hiệu sớm của căn bệnh tiểu đường. Do đó, nếu bạn đang trong giai đoạn này, hãy giảm ít nhất 5 kg để giảm nồng độ đường trong máu.
Tầm nhìn được cải thiện
Nếu tầm nhìn đột ngột cải thiện khiến bạn không cần đeo kính, đừng vội mừng! Lượng đường trong máu cao có thể khiến tầm nhìn xa của bạn tốt hơn. “Bạn thường đọc các thông tin cho rằng mờ mắt là một trong các triệu chứng của bệnh tiểu đường. Tuy nhiên trên thực tế, tầm nhìn có thể thay đổi theo hướng tốt hơn hoặc tệ hơn”, PGS-TS Howard Baum chuyên khoa tiểu đường tại Trường ĐH Vanderbilt (Mỹ) – cho biết.
“Tôi đã gặp những bệnh nhân nói rằng tầm nhìn của họ đã được cải thiện khi lượng đường trong máu tăng cao. Tuy nhiên, sau khi bắt đầu điều trị bệnh tiểu đường, họ đã phải đeo kính trở lại”, ông nói. Bệnh tiểu đường khiến mức dịch trong cơ thể thay đổi, bao gồm những chất trong đôi mắt, dẫn đến thị lực thất thường.
Ngứa ngáy không ngừng
Nếu nghĩ rằng thật ngớ ngẩn khi da ngứa mà đến bác sĩ khám tiểu đường, thì bạn đã lầm. Bệnh tiểu đường làm suy yếu sự lưu thông máu, có thể dẫn tới việc da khô và ngứa. “Một số bệnh nhân mới được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường của tôi nói rằng họ nghe ngứa ngáy ở bàn tay, cẳng chân, bàn chân. Do đó, khi chẩn đoán, các bác sĩ nên xem xét đưa dấu hiệu này vào danh sách các triệu chứng tiểu đường”, PGS-TS Howard Baum cho biết.
Khả năng nghe kém
Thính lực giảm đột ngột có thể là cũng là một triệu chứng của bệnh tiểu đường. Nếu bạn nhận ra mình phải tăng âm lượng khi xem ti vi hoặc hay thường xuyên bắt người đối diện lặp lại câu vừa nói, nên đến bác sĩ và kiểm tra lượng đường trong máu. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Y tế quốc gia cho biết giảm thính lực có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh tiểu đường. Những người có lượng đường trong máu cao nhưng chưa tới mức bị tiểu đường có 30% khả năng bị tổn thương thính giác so với những người có nồng độ glucose ở mức cho phép”.
Các nhà nghiên cứu cho rằng bệnh tiểu đường gây tổn thương các mạch máu và dây thần kinh ở tai dẫn đến thính lực giảm.
Ngáy như sấm
“Khoảng một nửa số bệnh nhân tiểu đường type 2 bị rối loạn hô hấp khi ngủ”, bác sĩ Osama Hamdy – Giám đốc quản lý Trung tâm Tiểu đường Joslin ở Boston – cho biết. Do đó, nếu bạn mắc chứng ngáy to và buồn ngủ vào ban ngày, nên đi kiểm tra lượng đường trong máu.
Một nghiên cứu từ Canada mới đây cho thấy 23% số bệnh nhân được chẩn đoán mắc chứng ngưng thở khi ngủ, rối loạn giấc ngủ tiếp tục phát triển bệnh tiểu đường trong vòng 5,5 năm tới. Hiện chưa rõ mối liên hệ giữa việc ngáy, ngưng thở khi ngủ và tiểu đường nhưng các nhà nghiên cứu cho biết có thể bệnh nhân rối loạn giấc ngủ và hơi thở có xu hướng giải phóng hormone gây căng thẳng khi ngủ, khiến lượng đường trong máu tăng lên.