Phát hiện của quý “có vấn đề” nhưng anh T. 28 tuổi, Hà Nội không đi khám mà tự điều trị mua thuốc về bôi. Kết quả khi tình trạng nặng hơn anh đến viện thì đó là ung thư dương vật.
Các bác sĩ Bệnh viện Da liễu trung ương vừa điều trị cho anh N.V. T. 28 tuổi bị ung thư dương vật. Anh T. mới kết hôn. Khoảng 6 tháng nay anh thấy của quý có hiện tượng chảy dịch, bốc mùi hôi và càng ngày tình trạng tổn thương càng nghiêm trọng khi bao quy đầu bị sưng to, rỉ máu, các tổ chức sùi ở vùng đầu dương vật... Tự điều trị bằng các loại thuốc bôi, thuốc uống nhưng không đỡ.
Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhân được phát hiện bị ung thư tế bào vẩy (tế bào gai) dương vật.
Bác sĩ Nguyễn Quang Minh, Phó trưởng Khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng thuộc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, bệnh nhân T. là một trong những trường hợp trẻ tuổi nhất bị ung thư dương vật buộc phải cắt bỏ một phần hoặc cắt vét hoàn toàn "chỗ ấy". Bệnh nhân được chẩn đoán bị ung thư ở giai đoạn 2 nhưng do điều trị muộn dẫn đến biến chứng, tổn thương nặng nề vùng bao quy đầu không thể cứu vãn nên các bác sĩ buộc phải cắt bỏ khoảng 1/5 dương vật của bệnh nhân.
Ảnh minh họasư
Cũng theo bác sĩ Minh 90% bệnh nhân ung thư dương vật có tiền sử hẹp bao quy đầu, khoảng 5-10% còn lại có liên quan đến bệnh lý lây nhiễm qua đường tình dục như mào gà, nhiễm HPV...
Khi bị hẹp bao quy đầu khiến quý ông khó khăn trong việc vệ sinh sạch sẽ và lâu ngày dẫn tới tình trạng viêm, cặn sinh dục. Tình trạng viêm nhiễm mãn tính do hẹp bao quy đầu kéo dài là yếu tố dẫn đến nguy cơ bị ung thư dương vật.
Ung thư dương vật tuy không phổ biến như các bệnh ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi hay đại trực tràng – những bệnh có tỉ lệ mắc phải cao đối với nam giới. Tuy nhiên, ung thư dương vật có thể xảy ra đối với bất cứ ai và gây ra nguy hiểm không kém các bệnh lý khác. Và 70-80% trường hợp bị ung thư dương vật phải cắt bỏ do tế bào ung thư lan rộng nếu phát hiện ở giai đoạn quá muộn.