Bánh trung thu chay có thể năng lượng không bằng bánh trung thu truyền thống, khi chúng không có các nguyên liệu giàu năng lượng như các loại thịt mỡ, xá xíu, gà quay… Tuy nhiên, loại bánh này hoàn toàn vẫn có nguy cơ gây tăng cân, gây hại cho sức khỏe nếu ăn nhiều và không khoa học vì chúng có lượng đường khá lớn.
Theo đó, bánh trung thu chay nguyên liệu chính là bột, đường và các loại nhân như trà xanh, đậu xanh, hạt chia, hạnh nhân… trong đó lượng đường và bột là hai chất sinh năng lượng nhiều nhất.
Một số thống kê, so sánh cho thấy, một chiếc bánh nướng chay nhân đậu xanh có thể cung cấp 716 calo, cao hơn lượng calo mà 5 chiếc đùi gà chiên cung cấp. Hay một chiếc bánh dẻo chay nhân đậu xanh có thể cung cấp tới 983 calo hơn lượng calo mà 3 miếng bánh pizza cung cấp.
So sánh một số loại bánh trung thu chay với các đồ ăn giàu năng lượng khác.
Để hạn chế nguy cơ tăng cân khi ăn bánh trung thu, tốt nhất chỉ nên ăn thưởng thức với số lượng nhỏ, cùng với đó là cắt giảm khẩu phần các thực phẩm khác, để tổng năng lượng nạp vào cơ thể không quá nhiều. Ngoài ra, cần vận động để đốt cháy năng lượng dư thừa.
Ví dụ, theo khuyến cáo chỉ nên ăn 1/4 hoặc 1/8 chiếc bánh trung thu, nhưng nếu ai thèm và ăn thêm 1/4 chiếc bánh nướng thì cần giảm 1/3 bát cơm, 30g thịt nửa nạc, nửa mỡ. Hay nếu ăn thêm 1/4 chiếc bánh dẻo thì cần bớt đi 1/3 bát cơm và 30g thịt nạc.
Nếu không cắt giảm thực phẩm nạp vào thì cần vận động để tiêu hao năng lượng, ví dụ khi ăn thêm 1/4 chiếc bánh trung thu thì cần lau nhà 1 giờ hoặc đi bộ chậm 45 phút, đi bộ nhanh chừng 35 phút hoặc đi xe đạp 25 phút, bơi 25 phút để có thể tiêu hao hết năng lượng trong 1/4 chiếc bánh đó.
Ngoài ra, khi ăn bánh trung thu cần kết hợp thêm với trà xanh, trà bạc hà để có thể thúc đẩy quá trình chuyển hóa đường trong cơ thể và giảm bớt độ ngọt. Hơn nữa, bánh trung thu nên ăn vào buổi sáng hoặc buổi trưa sẽ tốt hơn buổi tối vì buổi tối ít vận động, càng làm tăng nguy cơ béo phì. Không nên ăn bánh trung thu vào lúc đói hoặc sau bữa cơm, sau 7h tối.
Khi ăn bánh trung thu mọi người cần lưu ý thời điểm ăn và số lượng ăn để không ảnh hưởng sức khỏe. Ảnh minh họa.
Dưới đây là 6 lưu ý cần nhớ khi sử dụng bánh trung thu an toàn cho sức khỏe:
1. Về hạn sử dụng: sản phẩm phải có ngày sản xuất và hạn sử dụng, tốt nhất nên sử dụng sản phẩm mới xuất xưởng càng sớm càng tốt.
2. Về nhãn mác: Sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng gồm có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng và bảo quản,...
3. Về chất lượng: Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không có mùi khác lạ. Không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
4. Về thành phần dinh dưỡng: Nên đọc thành phần dinh dưỡng để biết các thông tin về năng lượng, chất béo, chất bột đường,... có trong 1 bánh hay trong 100g bánh.
5. Về số lượng sử dụng: nên ăn miếng nhỏ, ăn ít; đặc biệt cần tham khảo ý kiến của bác sĩ đối với các người bệnh đái tháo đường, tim mạch, thừa cân-béo phì và đang mắc các bệnh mạn tính khác.
6. Tốt nhất, nên đi khám tư vấn dinh dưỡng để có thể vừa ăn được bánh trung thu cùng gia đình, bạn bè mà không lo tăng cân hay rối loạn chuyển hoá nhé.