Nhiều người nghĩ rằng những người sống thọ hẳn phải có một lối sống rất nghiêm khắc và nhiều tiêu chuẩn nhưng cụ ông ở Nhật Bản lại chẳng hề ăn uống kiêng khem gì vẫn sống rất thọ.
Mika Cribbs là nhà sáng tạo nội dung và nhà thiết kế đồ họa ở Los Angeles (Mỹ). Mùa hè vừa qua, cô đến thăm ông nội 95 tuổi của mình ở Osaka, Nhật Bản. Điều khiến cô ngạc nhiên là dù ông nội tuổi tác đã cao nhưng vẫn rất minh mẫn, sức khỏe cực kỳ tốt.
Ông của Mika là một bác sĩ tim mạch người Nhật đã nghỉ hưu và có một lối sống tuyệt vời khiến chính cô cũng phải ngưỡng mộ. Sau một thời gian dài ở cùng ông, Mika nhận ra ông có những thói quen sống rất tích cực nên có thể sống lâu, khỏe mạnh và hạnh phúc đến vậy.
Dưới đây là bài viết của Mika chia sẻ về 8 điều mà cô nhận thấy ông không bao giờ ngừng thực hiện.
1. Đi dạo vào sáng sớm
Ông Reizo, 95 tuổi bắt đầu mỗi ngày bằng việc đi dạo quanh Osaka.
Ông bà tôi là những người dậy sớm. 5 giờ sáng, họ đã bắt đầu đi dạo. Họ thường đi bộ từ 30 phút đến một giờ và đi ít nhất 7.000 bước.
2. Tập luyện thể dục thể thao
Sau khi đi bộ, ông luôn có thói quen tập luyện thể dục bằng cách giãn cơ, sau đó thực hiện một loạt các bài tập rèn luyện sức mạnh và giữ thăng bằng.
Ông luôn cẩn thận lựa chọn các bài tập khác nhau mỗi ngày dựa trên khả năng và nhu cầu của bản thân để đảm bảo duy trì hoạt động mà không làm cơ thể căng thẳng.
3. Kết nối với những người thân yêu trên mạng xã hội.
Sau khi hoàn thành việc tập luyện, ông sẽ lấy máy tính xách tay ra và đăng nhập vào Facebook, Instagram. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sự cô lập về mặt xã hội của người lớn tuổi dẫn đến tỷ lệ cô đơn cao, đặc biệt là ở nam giới.
Dù ông tôi đã có bà để nâng cao sức khỏe tinh thần nhưng ông vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với mọi người trong cộng đồng của mình, bao gồm cả các cháu của ông ở Mỹ nhờ có mạng xã hội.
Ông Reizo luôn duy trì kết nối với con cháu cho dù ở nước Mỹ xa xôi.
4. Viết blog
Kể từ năm 2014, hầu như mỗi ngày ông đều dành vài phút để viết những suy nghĩ, kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc của mình trên blog. Hiện tại, blog của ông đã có hơn 1.000 bài viết.
Chúng ta rất dễ mất đi động lực khi không nhìn thấy kết quả ngayd lập tức, nhưng blog của ông tôi là đỉnh cao của việc chỉ dành vài phút viết nhưng đã kéo dài suốt nhiều năm. Đó là một lời nhắc nhở hữu ích về giá trị của những hành động nhỏ và nhất quán.
5. Sáng tạo nghệ thuật.
Ông nội tôi không chỉ là một bác sĩ mà còn là một nghệ sĩ. Hàng ngày ông đều ngồi vẽ chân dung của mình. Khi cẩn thận phác thảo từng đường nét, sắc thái và chi tiết, ông như hiểu rõ hơn về bản thân.
Trong một thế giới mà chúng ta thường xuyên vội vã, việc nhìn thấy ông dành thời gian để sống chậm lại và hướng nội đã thúc đẩy tôi làm điều tương tự.
Việc tự họa giúp ông có thời gian yên tĩnh để suy ngẫm về những gì đang diễn ra trong đầu và trái tim mình.
6. Dành thời gian cho những sở thích mới
Trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, ông tôi bắt đầu làm vườn sau khi nhìn thấy những loài hoa và cây cối trong lúc đi dạo. Và theo gợi ý của bà tôi, ông bắt đầu chơi sáo recorder, một loại nhạc cụ bằng gỗ, vì ông nghĩ rằng nó sẽ giúp ích cho việc thở và nuốt của mình.
Ông có quan điểm không bao giờ là quá muộn để học các kỹ năng mới. Tôi thích cách ông luôn cởi mở và thích phiêu lưu, luôn tìm kiếm những trải nghiệm mới lạ để khơi dậy trí tò mò của mình - và không bao giờ sợ thất bại.
7. Ngủ nhiều giấc ngắn trong ngày
Sau tất cả các hoạt động đó, ông sẽ nghỉ ngơi và nạp năng lượng nhiều lần mỗi ngày bằng cách ngủ. Ông thường ngủ khoảng 30 phút vào lúc 8 hoặc 9 giờ sáng và buổi chiều sẽ ngủ thêm một chút khi đang đọc sách. Sự tự nhận thức về việc biết khi nào nên nghỉ ngơi là yếu tố chính góp phần kéo dài tuổi thọ của ông.
8. Ăn uống thoải mái
Ông tôi cực kỳ năng động nhưng ông cũng thực sự yêu thích những thú vui trong cuộc sống, bao gồm thưởng thức thịt đỏ, pho mát và uống rượu vang hảo hạng. Tuy nhiên, bà tôi luôn có nhiều loại rau trong các bữa ăn kiểu Nhật do bà nấu tại nhà cho ông.
Trong khi các tiêu chuẩn phương Tây có thể coi một số lựa chọn chế độ ăn uống của ông là không lành mạnh, thì sức khỏe đặc biệt của ông ở tuổi 95 là minh chứng cho thực tế rằng có nhiều yếu tố khác nhau góp phần kéo dài tuổi thọ và sự cân bằng có lẽ là quan trọng nhất.
Vợ chồng ông Reizo kết hôn năm 1958 và cùng nhau bước vào tuổi già khỏe mạnh.
Ở Nhật Bản có một khái niệm gọi là “ikigai” hay "sống có mục đích”. Không có một bộ hướng dẫn chính xác nào để có được sức khỏe và hạnh phúc tốt. Điều quan trọng nhất là tìm ra mục đích bạn thức dậy mỗi ngày là gì, và giống như ông tôi, theo đuổi con đường đó với sự quan tâm, chủ động và niềm vui.