Khi trẻ bị viêm da cơ địa, nếu không biết chăm sóc trẻ dễ bị nhiễm trùng và gây nên nhiều hệ lụy đối với sức khỏe.
Viêm da cơ địa dễ biến chứng nhiễm trùng nguy hiểm
Những ngày gần đây thời tiết Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung đang chìm trong giá rét. Với điều kiện thời tiết như vậy, các bà mẹ có con nhỏ bị viêm da cơ địa sẽ vô cùng vất vả trong việc chăm sóc. Bởi nếu chăm sóc sai cách trẻ rất dễ bị biến chứng và để lại những hậu quả nặng nề.
Điển hình như trường hợp của chị Thu Hoài (ở Cầu Giấy, Hà Nội), từ khi trời trở lạnh cơ thể đứa con gái gần 1 tuổi của chị đỏ như “tôm luộc” vì bị viêm da cơ địa, đặc biệt là những vùng da hở như tay chân, mặt, cổ…
Theo chia sẻ của người mẹ này, cả gia đình quay cuồng do đêm con gái mất ngủ vì ngứa ngáy. Thậm chí chị và chồng phải mỗi ngày phải xin nghỉ nửa buổi để về trông con. Dù đã đưa con đi khám, nhưng bác sĩ chỉ cho thuốc về nhà và hướng dẫn cách chăm sóc chứ không phải nằm viện.
Chia sẻ về vấn đề này, điều dưỡng Phạm Thị Thu Trang (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, viêm da cơ địa còn gọi là bệnh chàm thể tạng, eczema. Đây là bệnh da phổ biến trong thời kỳ thơ ấu của trẻ. Triệu chứng điển hình của bệnh là các thương tổn da khô kèm theo ngứa và hay tái phát.
Theo điều dưỡng Trang, khi trẻ bị viêm da cơ địa thường có phát ban đỏ, khô trên mặt, trên da đầu, cánh tay và chân hoặc sau tai. Ban thường rất ngứa và có thể khiến trẻ mất ngủ vào ban đêm.
Ở trẻ mới biết đi và trẻ lớn hơn, ban thường ở vùng da quanh đầu gối, cổ tay, khuỷu tay và mắt cá chân. Trong một số trường hợp ban có thể xuất hiện ở toàn bộ cơ thể của trẻ.
Bệnh viêm da cơ địa chủ yếu liên quan đến yếu tố gia đình và yếu tố dị ứng. Trẻ thường có nguy cơ mắc bệnh này nhiều hơn khi trong gia đình hoặc bản thân trẻ mắc các bệnh như hen phế quản hoặc viêm mũi dị ứng.
Theo hướng dẫn của điều dưỡng Trang, khi trẻ bị viêm da cơ địa phụ huynh cần cải thiện triệu chứng bệnh như: giảm ngứa, giảm viêm. Bên cạnh đó cần dưỡng ẩm cho da, tái tạo nước cho da, bảo vệ da, cũng như phòng và điều trị nhiễm trùng (nếu có).
Không quản lý tốt việc gãi ngứa trẻ rất dễ bị nhiễm trùng khi viêm da cơ địa.
Một vấn đề cần hết sức lưu ý khi trẻ bị viêm da cơ địa, đó chính là việc kiểm soát ngứa cho trẻ. Khi ngứa trẻ thường gãi làm cho bệnh trở nên nặng hơn và có thể gây nhiễm trùng. Vì vậy để giảm ngứa có thể áp dụng một số cách làm sau:
– Sử dụng băng ướt hoặc đắp ẩm cho vùng da tổn thương.
– Khi trẻ ngứa và gãi nhiều có thể đánh lạc hướng của trẻ như chơi trò chơi.
– Giữ tay của trẻ sạch sẽ và cắt móng tay thường xuyên.
– Sử dụng thuốc cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Cách chăm sóc làm giảm khó chịu khi trẻ bị viêm da cơ địa
Ngoài vấn đề giảm ngứa cho trẻ khi bị viêm da cơ địa, chăm sóc trẻ khi bị mắc căn bệnh này cũng vô cùng quan trọng. Điều dưỡng Trang cho biết, việc sử dụng phương pháp băng ướt khi bị viêm da cơ địa đạt hiệu quả rất tốt và thường chỉ cần từ 3-5 ngày là có thể có kết quả.
Chăm sóc trẻ bằng phương pháp băng ướt mang lại hiệu quả khi bị viêm da cơ địa.
Điều dưỡng Trang hướng dẫn, phụ huynh có thể thực hiện băng ướt cho trẻ vài lần mỗi ngày tùy thuộc vào mức độ nặng của da và thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Làm ướt khăn (hoặc băng dạng ống hoặc quần áo) trong chậu nước ấm có pha dung dịch làm ẩm cho da (pha theo tỉ lệ được bác sĩ hướng dẫn).
Bước 2: Bôi cortisone hoặc các loại thuốc theo chỉ định của bác sỹ vào những vùng da khô, sần đỏ.
Bước 3: Bôi kem dưỡng ẩm toàn thân.
Bước 4: Băng ướt hoặc đắp ẩm tùy theo vị trí tổn thương da.
– Ở vùng mặt: Làm ướt khăm mềm với nước mát sau đó áp vào mặt vùng da khô và sần đỏ trong 5-10 phút.
– Ở vùng đầu: Làm ướt một chiếc khăn tam giác hoặc mũ cotton mềm với nước mát rồi trùm lên đầu trẻ trong vòng 5-10 phút.
– Ở vùng tay, chân: Dùng băng dạng ống mềm (giống như một chiếc tất được hở 2 đầu) hoặc khăn mềm được làm ướt bằng nước mát sau đó đeo (quấn) vào vùng da khô, sần đỏ ở tay, chân.
Sau đó đeo một lớp băng dạng ống khô (hoặc quấn khăn khô) phía bên ngoài. Khi nào băng (khăn) khô thì tháo ra, bôi kem dưỡng ẩm và mặc đồ lại cho trẻ như bình thường.
– Ở vùng lưng, ngực, bụng: Dùng một chiếc áo cotton mềm được làm ướt với nước sau đó mặc lên người cho trẻ và mặc một lớp áo khô phía bên ngoài cho trẻ. Khi nào áo khô (thường khoảng 1- 2 giờ) thì cởi ra, bôi kem dưỡng ẩm và mặc đồ lại cho trẻ.
Khi trẻ bị viêm da cơ địa, điều dưỡng Trang lưu ý, không nên tắm cho trẻ bằng nước quá nóng sẽ làm da trẻ bị khô và ngứa nhiều hơn. Nên tắm hằng ngày và sử dụng sữa tắm thay thế xà phòng (xà phòng làm da bị khô hơn).
Cho trẻ ngâm mình trong chậu tắm hoặc bồn tắm có pha sữa tắm trong 15-30 phút để tăng cường cấp ẩm cho da. Nên tắm cho trẻ 2 giờ trước khi ngủ để giúp trẻ ngủ ngon hơn. Một số trường hợp trẻ bị viêm da cơ địa bội nhiễm có thể cho trẻ tắm bằng nước muối sinh lý 0,9% hoặc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.