Sau khi được người thân đưa đến bệnh viện thăm khám, bác sĩ cũng vô cùng bất ngờ vì không thể nghĩ rằng một sinh viên lại có ý thức chăm sóc bản thân kém đến vậy.
TS.BS Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu - Nam học (Bệnh viện E) cho biết, mới đây khoa vừa tiếp nhận và điều trị cho một nam sinh viên đang theo học tại quận Cầu Giấy đến khám vì bị đi tiểu đau, tiểu buốt.
Theo chia sẻ của nam sinh này, từ nhỏ dương vật của bệnh nhân đã bị phồng, sau này khi cơ thể càng phát triển thì xuất hiện nhiều đợt đái buốt, bao quy đầu có nhiều hạt mềm, trắng ở dưới da…
Dù bản thân phát hiện những bất thường nhưng nam sinh không đi khám và điều trị mà chịu đựng trong nhiều năm. Sau khi đỗ đại học và theo học tại Hà Nội, nam sinh có bạn gái và rất ái ngại về tình trạng của mình.
Sau một đợt đái buốt kéo dài, nam sinh vô cùng lo lắng và lên mạng tìm hiểu, sau đó mới chia sẻ với bố và được bố đưa đến Bệnh viện thăm khám.
Chủ quan với triệu chứng ở bao quy đầu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và sức khỏe sinh sản. Ảnh minh họa.
Tại bệnh viện, sau khi khám, TS.BS Nguyễn Đình Liên vô cùng bất ngờ khi tình trạng bệnh nhân khá nặng, có nhiều cặn nước tiểu, sỏi niệu đạo, hẹp bao quy đầu… “Điều đáng nói là bệnh nhân đã ngoài 20 tuổi, là sinh viên nhưng ý thức chăm sóc bản thân chưa tốt. Dù các triệu chứng có đã lâu nhưng cố chịu đựng khiến tình trạng càng trầm trọng hơn”, TS Liên cho hay.
Theo TS Liên, sau khi có kết quả chẩn đoán, các bác sĩ tiến hành vệ sinh, điều trị nội khoa và hướng dẫn người bệnh vệ sinh đúng cách. “Với tình trạng trên của bệnh nhân, nếu để kéo dài nguy cơ dẫn đến ung thư dương vật là rất lớn, khi đó việc điều trị sẽ phức tạp và ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, tinh thần”, vị chuyên gia này cảnh báo.
TS Nguyễn Đình Liên cho biết, bình thường đầu dương vật (quy đầu) được bao phủ bởi lớp da được gọi là bao quy đầu. Bao quy đầu dính vào dương vật ở nơi tiếp giáp giữa thân và đầu dương vật nhưng không dính với đầu dương vật.
Hầu hết trẻ khi mới sinh ra có hiện tượng dính bao quy đầu vào quy đầu và chúng ta không thể kéo bao quy đầu lên được. Người ta gọi là hẹp bao quy đầu sinh lý và tình trạng này dường như không ảnh hưởng gì. Khi trẻ lớn, bao quy đầu sẽ tách dần khỏi quy đầu và chúng ta có thể dễ dàng kéo lên, thông thường quá trình tách này sẽ hoàn chỉnh khi trẻ 4-5 tuổi.
Tuy nhiên, nếu tình trạng hẹp bao quy đầu không xử lý, điều trị sẽ để lại những biến chứng như tiểu khó, nhiễm trùng, viêm quy đầu,…làm tăng nguy cơ ung thư "cậu nhỏ". Ngoài ra, như trường hợp nam thanh niên trên, do cặn tiểu lắng đọng trong bao quy đầu lâu nên đã tạo sỏi nhỏ.
Để phòng bệnh, TS Liên cho rằng cần phải chăm sóc vùng bao quy đầu ngay từ lúc nhỏ, trong đó vệ sinh vùng bao quy đầu là rất cần thiết. Một số trường hợp cần phải cắt bao quy đầu khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và thực hiện ở nơi đủ điều kiện. Ngoài ra, nam giới khi có bất cứ triệu chứng hay bất thường gì ở vùng kín, nên đi khám ở các cơ sở y tế có chuyên khoa tiết niệu - nam học.
Cuối cùng, TS Nguyễn Đình Liên cho rằng, để học sinh, sinh viên có thêm kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe học đường, nhà trường và bệnh viện cần kết hợp có các buổi dạy ngoại khóa, cung cấp kiến thức y học phổ thông cho các em.