Trong lúc đang ăn kẹo rau câu, bé 11 tháng tuổi đã bị sặc và tím tái toàn thân…
Ngày 23/7, khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhi 11 tháng tuổi trong tình trạng hôn mê do hóc kẹo rau câu.
Theo lời kể của gia đình, trong lúc đang ăn kẹo rau câu, bé đã bị sặc và tím tái toàn thân. Gia đình liền đưa bé đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Quãng đường di chuyển mất 20 phút.
Đến phòng cấp cứu, bé đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu, ngưng tim, ngưng thở. Các bác sĩ tiến hành hồi sức tim phổi cho bé nhưng không thành công. Lúc này, đồng tử 2 bên của bé đã giãn, không có phản xạ thần kinh.
Theo nguyện vọng gia đình, bé được chuyển lên khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán tình trạng bé đã quá nặng, không thể cứu chữa.
Bé trai 11 tháng tuổi bị hóc thạch rau câu
Trước đó (2/4), một bé trai 10 tháng tuổi tại Bà Rịa – Vũng Tàu cũng nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 2 trong trình trạng khó thở, khàn tiếng do bị sặc cháo lươn.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ nghi ngờ dị vật đường thở nên tiến hành nội soi cho cho bé. Trong quá trình nội soi, bác sĩ đã phát hiện dị vật là 1 đốt xương lươn nằm ngay dưới dây thanh âm và đã tiến hành gắp thành công dị vật. Bé trai may mắn được cứu chữa kịp thời.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết những trường hợp trên là tai nạn rất thường gặp nhưng có thể để lại hậu quả rất thương tâm. Vì vậy phụ huynh cần đặc biệt lưu ý khi lựa chọn và chế biến thức ăn cho trẻ cũng như các loại đồ chơi trong nhà.
Đối với thức ăn của trẻ nên được cắt nhỏ theo chiều dài, trong lúc ăn tuyệt đối không để trẻ đùa giỡn chạy nhảy... Trường hợp xảy ra tai nạn, hãy tiến hành sơ cứu, đồng thời đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất.
Sơ cứu nhanh khi trẻ bị hóc dị vật
Xem thêm: Hướng dẫn cách sơ cứu nhanh khi trẻ bị hóc.
Khi trẻ bị hóc dị vật, phụ huynh tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ. Bởi trong nhiều trường hợp sẽ khiến dị vật đi vào sâu hơn, trầy xước họng gây sưng tấy, trẻ càng khó thở hơn.
- Nếu trẻ vẫn tỉnh táo, hồng hào, không khó thở, vẫn khóc được nói được thì giữ nguyên tư thế ngồi, nhanh chóng mang đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra, nếu đúng dị vật đường thở sẽ lấy ra.
- Nếu trẻ có biểu hiện tím tái, khó thở nặng, ngưng thở, không khóc được, không nói được thì sau khi gọi xe cấp cứu, cần phải tiến hành thủ thuật can thiệp kịp thời trong thời gian đợi xe tới.
Hai thủ thuật sơ cứu nhanh cha mẹ nào cũng cần biết
1. Với trẻ dưới 2 tuổi, dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực
- Cho trẻ nằm sấp trên cánh tay trái của người sơ cứu, đầu hướng xuống đất. Lưu ý giữ chắc để cổ và đầu trẻ khỏi bị tuột. Dùng gót bàn tay phải vỗ mạnh 5 cái vào vùng lưng giữa 2 xương bả vai của trẻ.
- Kiểm tra xem bé đã thở, khóc lại chưa, nếu chưa tiếp tục lặp lại động tác này cho đến khi xe cấp cứu tới.
Cách sơ cứu khi trẻ bị hóc dị vật
2. Với trẻ trên 2 tuổi, có thể dùng biện pháp ép bụng (phương pháp Heimlich)
- Trường hợp trẻ còn tỉnh
Để cho trẻ đứng. Người sơ cứu đứng phía sau lưng hoặc quỳ gối, choàng 2 tay ra phía trước ngang thắt lưng. Một tay nắm thành nắm đấm, một tay chồng lên tay còn lại, đặt ngay vào vị trí ở vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên 5 cái thật mạnh liên tiếp. Nếu chưa hóc dị vật ra thì có thể lặp lại biện pháp này từ 6 đến 10 lần.
- Trường hợp hôn mê, bất tỉnh
Đặt trẻ nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, tựa hai chân hai bên đùi trẻ. Nắm 2 bàn tay thành nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh từ dưới lên trên 5 cái liên tiếp.
Trong tình huống bệnh nhi hôn mê và không thở được thì trước tiên phải bắt đầu bằng hà hơi thổi ngạt 2 cái. Nếu dị vật vẫn chưa ra, trẻ vẫn chưa thở được thì cần thì kết hợp vừa hà hơi thổi ngạt vừa dùng tay ấn, cho đến khi dị vật văng ra hoặc bệnh nhân khóc, thở được, hồng hào hơn.