Mới đây một bé gái 2 tuổi ở Mỹ vào viện sau khi thấy đầy hơi, táo bón đã phát hiện bị ung thư buồng trứng. Để con không gặp phải trường hợp tương tự, cha mẹ không nên bỏ qua những dấu hiệu nguy hiểm này.
Ung thư buồng trứng là một căn bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao trong các loại bệnh ung thư. Thường thì mọi người vẫn nghĩ, ung thư buồng trứng chỉ gặp phải ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản hoặc những người bước vào thời kỳ mãn kinh mà không để ý đến những trường hợp bé gái.
Mới đây, theo Fox News cặp vợ chồng Michael Xydias và Meagan Xyias (Mỹ) sau khi đưa con gái đi khám vì thấy bé bị đầy hơi, táo bón đã phát hiện những khối u trong cơ thể bé. Các bác sỹ chẩn đoán con bị ung thư buồng trứng giai đoạn 3.
Bé gái được phát hiện ung thư buồng trứng khi mới có 2 tuổi. ảnh FWK
Trên thế giới, các bé gái được phát hiện mắc ung thư buồng trứng ở giai đoạn muộn cũng đã ghi nhận không ít các trường hợp. Tại các bệnh viện chuyên khoa ung bướu ở nước ta, những năm gần đây cũng thường xuyên phải tiếp nhận bệnh nhân trẻ em mắc ung thư buồng trứng dần tăng lên.
Cách đây không lâu, bệnh viện Ung bướu TP HCM đã tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp bé gái 10 tuổi ở Phú Yên. Theo người nhà kể, bụng của bé mỗi lúc một to nhưng cân thì sụt nên gia đình đưa đi khám. Các xét nghiệm chuyên sâu cho kết quả bé bị ung thư buồng trứng. Do khối u ác tính, bác sĩ quyết định cắt bỏ tử cung và buồng trứng của bệnh nhân, sau đó điều trị hóa trị. Thậm chí trường hợp bé Đ.T.H.N (Nam Định) mắc ung thư túi noãn hoàng (ung thư buồng trứng) mắc từ lúc 20 tháng tuổi. Khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn vì có u ở trung thất.
Các bác sỹ của bệnh viện Ung bướu TP HCM cho rằng, ở trẻ nhỏ vẫn có thể bị ung thư buồng trứng vì đây là dạng ung thư tế bào mầm, mặc dù tỷ lệ này không nhiều. Điều đáng nói là những triệu chứng của bệnh ung thư buồng trứng ở trẻ em thường không rõ ràng nên dễ bị bỏ qua. Bệnh thường dễ nhầm lẫn với các căn bệnh ở đường tiêu hóa. Hiện phần lớn các bé khi phát hiện thường tình cờ, đã ở giai đoạn nặng, khối u lớn gây chèn ép đến các bộ phận khác trong cơ thể. Thậm chí có trường hợp khối u bị vỡ gây chảy máu nguy hiểm đến tính mạng.
Theo GS Mai Trọng Khoa - Giám đốc Trung tâm ung bướu y học hạt nhân (BV Bạch Mai), u tế bào mầm bắt nguồn từ các tế bào sản sinh ra trứng hoặc tinh trùng. Kết quả là hầu hết các u tế bào mầm ảnh hưởng tới buồng trứng hoặc tinh hoàn nhưng có thể ở các khu vực khác như cổ, ngực, bụng, xương sống, xương chậu hoặc não. Chúng có thể là ung thư hoặc không. Các khối u ác tính có khả năng phát triển và lan tới các bộ phận khác của cơ thể. Còn các u lành tính tuy không lan tràn nhưng cũng sẽ có thể gây ra các triệu chứng vì sự chèn ép vào mô gần kề và các cấu trúc của cơ thể.
Các chuyên gia y tế cho rằng, đa số khối u xuất hiện tại buồng trứng đều được phát hiện là ung thư lành tính nhưng để quá muộn thì lành tính cũng có thể trở nên nguy hiểm. Do đó, việc phát hiện và điều trị sớm bệnh vô cùng quan trọng. Càng phát hiện sớm khả năng điều trị khỏi càng cao, đồng thời sẽ giảm các biến chứng, di căn và không ảnh hưởng nhiều đến quá trình sinh nở sau này. Phương pháp điều trị hiện vẫn là phẫu thuật và hoá trị.
Để tránh cho trẻ nhỏ gặp phải nguy hiểm, các bậc cha mẹ cũng cần quan tâm đến khi thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường như thường xuyên gặp hiện tượng đau bụng không rõ nguyên nhân, bất thường về đại tiện và tiểu tiện, bụng to lên bất thường. Những bé gái có kinh nguyệt rồi cần xem có thay đổi bất thường về chu kỳ kinh nguyệt không… để đưa trẻ sớm đến cơ sở y tế thăm khám, điều trị kịp thời.