Thấy bụng to lên, nhiều người gắng tập luyện giảm eo, bác sĩ nhắc đừng chủ quan để ung thư thành giai đoạn cuối

DIỆU THUẦN - Ngày 11/07/2024 13:59 PM (GMT+7)

Theo BS.CKII Nguyễn Văn Tiến, ung thư buồng trứng ở giai đoạn đầu phát triển âm thầm, các dấu hiệu không rõ nên nhiều người phát hiện ở giai đoạn muộn. Thực tế, bệnh này hoàn toàn có thể phòng ngừa và nhận biết sớm.

Thấy bụng 2 to bất thường, đừng chỉ nghĩ có bầu hay béo bụng

Ung thư buồng trứng là một trong những bệnh ung thư có tỷ lệ mắc và tử vong đứng thứ 2 sau ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Theo thống kê, mỗi năm nước ta có khoảng hơn 1.200 ca mắc mới, ở tuổi mãn kinh và nhiều trường hợp xảy ra ở phụ nữ trẻ tuổi. 

Theo BS.CKII Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Phụ khoa, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, ung thư buồng trứng còn được gọi là “sát thủ thầm lặng”, vì bệnh nhân ít có biểu hiện lâm sàng ở giai đoạn đầu. “Có khoảng 70% bệnh nhân đến bệnh viện ở giai đoạn trễ, với nhiều lý do khác nhau. Khi tôi hỏi họ tại sao lại để trễ vậy mới đi khám, mà không đến sớm hơn, đa số người bệnh đều trả lời rất đơn giản “tôi tưởng mình mập ra”, bác sĩ Tiến chia sẻ.

Bác sĩ Tiến đang khám cho 1 ca ung thư buồng trứng có vòng bụng to bất thường. Ảnh: BSCC.

Bác sĩ Tiến đang khám cho 1 ca ung thư buồng trứng có vòng bụng to bất thường. Ảnh: BSCC.

Bác sĩ Tiến cho biết, một dấu hiệu rất rõ của ung thư buồng trứng ở phụ nữ là người bệnh có vòng bụng to bất thường. “Các chị em khi thấy vùng bụng mình bỗng nhiên to lên, trong khi các vị trí khác bình thường thì cần loại trừ khả năng có bầu, hãy nghĩ đến bản thân đã mắc bệnh về gan hoặc ung thư buồng trứng, cần đi khám càng sớm càng tốt”, bác sĩ Tiến khuyến cáo.

Bác sĩ Tiến kể về trường hợp người phụ nữ tuổi trung niên đến khám vì thấy bất thường ở bụng dưới. Nữ bệnh nhân này trước đó thấy vòng bụng của mình to bất thường nên tưởng bị béo bụng, trong khi các vị trí khác lại bình thường. Chị cố gắng tập thể dục để giảm vòng bụng nhưng không được. Khi nghe bác sĩ thông báo đã mắc ung thư giai đoạn muộn, người phụ nữ đã rất hối hận vì chủ quan.

Hay trường hợp của cô gái 18 tuổi tên Lam thấy vòng bụng to lên mỗi ngày đã e ngại, sợ bạn bè, anh em và bố mẹ nghĩ mình “không đàng hoàng”. “Con đã mặc quần áo rộng, nịt bụng, tập các bài tập có tác dụng giảm vòng eo, mà không được”, Lam chia sẻ với bác sĩ Tiến. 

Khi vòng bụng to như người đang mang thai, Lam không thể che giấu được nữa mới chia sẻ các bất thường mình gặp với bố mẹ. Các kết quả xét nghiệm cho thấy, Lam mắc ung thư buồng trứng cũng ở giai đoạn muộn. “Đây là một trường hợp vô cùng đáng tiếc”, bác sĩ Tiến nói. 

Theo bác sĩ Tiến, vốn dĩ nhiều người mắc ung thư buồng trứng có suy nghĩ sai lầm như 2 bệnh nhân trên cũng là điều đáng thông cảm, vì bệnh này diễn tiến âm thầm, ở giai đoạn đầu không gây triệu chứng gì. Cho đến khi sang giai đoạn phát triển xâm lấn gây bướu to, gây tràn dịch trong ổ bụng, đau do chèn ép mới phát hiện thì đã là giai đoạn muộn. Lúc này, điều trị chỉ có tính cách đối phó, không hết bệnh mà trở nên rất tốn kém. 

Hình ảnh cho thấy người bị ung thư buồng trứng. Ảnh minh họa Bệnh viện K.

Hình ảnh cho thấy người bị ung thư buồng trứng. Ảnh minh họa Bệnh viện K.

Sử dụng thuốc tránh thai cũng là cách ngừa mắc ung thư buồng trứng

Theo bác sĩ Tiến, ung thư buồng trứng hiện nay vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác. Nhưng các nghiên cứu cho thấy, những yếu tố như di truyền, thời kỳ mãn kinh, ít sinh đẻ, kinh nguyệt không đều, sử dụng thuốc kích trứng, dùng liệu pháp thay thế hormone hậu mãn kinh, ung thư vú… có liên quan. 

“Ung thư buồng trứng nếu được phát hiện sớm sẽ có tỷ lệ sống cao. Các dấu hiệu ở giai đoạn sớm của bệnh thường là: cảm giác khó chịu, đau ở vùng bụng dưới, rối loạn tiêu hóa, thường xuyên đi tiểu, ăn kém, tăng hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân, chảy máu âm đạo bất thường, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, đau khi quan hệ… Tuy nhiên, các dấu hiệu này không rõ ràng, thường dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng của đường tiêu hóa. Do đó bệnh nhân thường không được chẩn đoán cho đến khi bệnh tiến triển rầm rộ”, bác sĩ Tiến chia sẻ.

Theo bác sĩ Tiến, ung thư buồng trứng hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng các cách sau: 

- Sử dụng thuốc tránh thai khi quan hệ tình dục hoặc chưa có ý định sinh con. "Thuốc tránh thai đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng tới 50% so với những phụ nữ chưa bao giờ sử dụng thuốc tránh thai", bác sĩ Tiến chia sẻ.

- Mang thai và cho con bú. Theo bác sĩ Tiến, đây là 2 yếu tố cũng có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư buồng trứng cho các chị em phụ nữ. Tuy nhiên, việc mang thai, sinh con cần nằm trong độ tuổi quy định là an toàn với sức khỏe. 

Bác sĩ Tiến đang phẫu thuật cho một bệnh nhân mắc ung thư. Ảnh: BSCC.

Bác sĩ Tiến đang phẫu thuật cho một bệnh nhân mắc ung thư. Ảnh: BSCC.

- Sớm làm xét nghiệm gen di truyền. Các nghiên cứu chỉ ra, người mắc ung thư buồng trứng còn do yếu tố di truyền từ 2 đột biến gen di truyền BRCA1 và BRCA2. Nếu trong gia đình có người mắc ung thư này sẽ di truyền cho con cháu. Vì vậy, phụ nữ có tiền sử gia đình mắc bệnh hoặc các yếu tố nguy cơ khác nên làm xét nghiệm di truyền để được theo dõi sức khỏe sớm, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh.

Bác sĩ Tiến lưu ý, thời gian qua, nhiều trường hợp phát hiện ung thư buồng trứng giai đoạn sớm do xét nghiệm gen di truyền, sau đó đưa ra quyết định phòng ngừa bằng cách cắt bỏ buồng trứng và ống dẫn trứng. Điều này giúp giảm đáng kể nguy cơ ung thư buồng trứng sau này nhưng lại có nhiều rủi ro, vì vậy cần phải trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi đưa ra quyết định.

- Ăn uống lành mạnh, vận động thường xuyên, có mối quan hệ an toàn, không sử dụng chất kích thích... cũng là các yếu tố giúp các chị em giảm nguy cơ mắc ung thư buồng trứng.

* Tên người bệnh đã thay đổi.

Loại ung thư này âm thầm tấn công ngày càng nhiều phụ nữ trẻ, dấu hiệu nhận biết dễ nhưng nhiều người bỏ qua
Ung thư cổ tử cung rất phổ biến ở phụ nữ, nhưng nhiều người chưa biết đúng và đầy đủ những dấu hiệu nhận biết và cách phòng bệnh. Bài trắc nghiệm dưới...

Ung thư cổ tử cung

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thuốc tránh thai