Thời tiết hanh khô khiến nhiều trẻ bị viêm mũi, ngạt mũi nên không ít phụ huynh dùng loại “bảo bối” giúp thông mũi nhanh chóng. Tuy nhiên, việc làm này lại tiềm ẩn nguy cơ rất lớn với sức khỏe.
Chảy máu mũi vì thói quen thường làm khi bị ngạt
Thời tiết se lạnh và hanh khô dễ dẫn tới tình trạng viêm đường hô hấp trên với hai triệu chứng khô mũi và ngạt mũi, nhất là với trẻ nhỏ. Dù gây bất tiện trong sinh hoạt nhưng khô mũi không phải bệnh lý, đây chỉ là triệu chứng do thời tiết gây ra và có tính thời điểm.
Khi trẻ bị khô, ngạt hay chảy nước mũi, phụ huynh thường xử lý bằng cách nhỏ các loại dung dịch từ nước muối sinh lý, xịt kháng khuẩn, đến dùng thuốc, thậm chí gồm cả thành phần kháng sinh, corticoid... Các chuyên gia cảnh báo, việc tự ý dùng các loại thuốc xịt mũi không có chỉ dẫn của bác sĩ vô cùng nguy hiểm, thậm chí gây ra những biến chứng nặng nề mà ít người nghĩ tới.
Bác sĩ Trần Văn Đồng (Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết vừa tiếp nhận một cháu bé 5 tuổi được đưa tới khám vì bị chảy máu mũi.
Tự ý dùng các loại thuốc xịt mũi dài ngày rất nguy hiểm, dễ gây ra nhiều phản ứng phụ. Ảnh minh họa.
Khi bác sĩ Đồng thăm khám và hỏi tiền sử dùng thuốc trước đó thì được biết, do thay đổi thời tiết nên trẻ sổ mũi nhiều, thấy vậy bà cháu mua lọ thuốc nhỏ mũi về sử dụng. Dùng được vài lần thì trẻ đỡ nhưng vài ngày sau tình trạng nghẹt mũi diễn ra nặng hơn. Do đó, bà cháu bé tiếp tục mua lọ xịt mũi khác được quảng cáo là “nhạy hơn” và xịt hết 2 lọ trong vòng 2 tuần nhưng tình trạng không thuyên giảm. Đến khi thấy cháu chảy máu mũi, gia đình mới vội vàng đưa đến viện thăm khám và xử lý.
Bác sĩ Đồng cho biết, việc xử lý chảy máu cho bệnh nhi không quá phức tạp, điều đáng cảnh báo là việc tùy tiện dùng thuốc xịt, nhỏ mũi của các phụ huynh với trẻ. Với trường hợp bệnh nhi trên, cả hai loại thuốc tuy khác nhau về tên gọi nhưng đều có thành phần là thuốc co mạch máu, nên làm giảm sự sung huyết rất nhanh và nhạy.
Tuy nhiên, nếu lạm dụng kéo thể gây phải ứng ngược, càng nghẹt mũi hơn. “Khi thấy trẻ càng nghẹt, phụ huynh lại càng xịt dẫn tới càng co mạch và gây giảm tưới máu, không tốt cho mũi, làm tổn thương mũi, dẫn tới chảy máu”, bác sĩ Đồng cảnh báo.
Suy tuyến thượng thận vì tự ý dùng thuốc nhỏ mũi
Từ trường hợp trên, bác sĩ Đồng cho rằng phụ huynh không nên tự ý dùng thuốc, trước khi sử dụng nên có sự tư vấn của bác sĩ, đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng và tùy loại thuốc có thời gian dùng và ngừng nghỉ khác nhau. Ngoài ra, chính người bán thuốc cũng nên hỏi kỹ tiền sử dùng thuốc của người bệnh để có tư vấn hợp lý nhất.
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Sơn - Phó trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy thăm khám cho trẻ bị suy tuyến thượng thận do dùng thuốc có corticoid dài ngày.
Ngoài vấn đề chảy máu khi dùng thuốc nhỏ mũi, nhiều trẻ còn bị biến chứng nặng nề khi sử dụng một số loại thuốc xịt chứa corticoid. Điển hình như trường hợp bé gái N.T.H 10 tuổi ở Quảng Ninh, đi khám do bị viêm mũi, ngạt mũi dài ngày, đến viện bác sĩ phát hiện trẻ bị suy tuyến thượng thận. Trước đó, mỗi lần trẻ bị ngạt mũi, gia đình mua loại thuốc nhỏ mũi ngoài hiệu thuốc giúp thông đường thở nhanh về sử dụng.
Bác sĩ Nguyễn Thị Sơn - Phó trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), cho biết bé H đến viện với gường mặt tròn, đỏ, sưng húp, chân tay rậm lông. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện bệnh nhi bị suy tuyến thượng thận do dùng thuốc xịt tai mũi họng có corticoid dài ngày không theo hướng dẫn.
Không chỉ với các loại thuốc nhỏ, thuốc xịt mũi mà ngay cả với nước muối sinh lý, bác sĩ Sơn cũng khuyến cáo không nên tùy tiện sử dụng, nhất là việc dùng nhiều lần trong ngày. Bởi việc làm này sẽ khiến mũi mất đi dịch tiết tự nhiên, mất đi lớp bảo vệ niêm mạc, dễ gây kích ứng mũi, ảnh hưởng tới niêm mạc mũi, khô mũi, thậm chí dễ gây viêm nhiễm mạn tính.
Bác sĩ Sơn khuyến cáo, việc sử dụng thuốc dù dạng xịt hay nhỏ cũng cần phải có ý kiến bác sĩ, cha mẹ cần tăng cường chế độ dinh dưỡng và giữ môi trường sống xung quanh trẻ sạch sẽ, thoáng mát vào mùa hè, kín gió, ấm vào mùa đông.
Có thể dùng máy tạo hơi ẩm không khí giúp trẻ giảm khô mũi, giảm cơn khò khè trong mùa đông. Khi thời tiết hanh khô, lạnh đi ra ngoài cần phải che kín các lỗ tự nhiên như tai, mũi, miệng và kín cổ để tránh cảm, nhiễm lạnh, viêm mũi…
Tin liên quan
Thời tiết khó chịu rất dễ bị viêm tai mũi họng, nhất là trẻ nhỏ. BSCKII Lê Đình Hưng - Trưởng khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện E) sẽ hướng dẫn...
Tết với mọi người là giây phút đoàn viên, sum họp bên gia đình. Nhưng với những đứa trẻ không may mắc ung thư, Tết chỉ là thời gian tạm nghỉ...
Đang mang thai ở tuần thứ 24 thì bị cúm, do chủ quan nên khi vào viện thai phụ đã có biểu hiện nặng và tử vong sau 2 tuần điều trị.
Theo các bác sĩ, chỉ cần nhập viện và không phẫu thuật trễ từ 1-2 tuần, bé trai có nguy cơ cao bị mù mắt.
Tin bài cùng chủ đề Viêm mũi dị ứng
Thời tiết hanh khô khiến nhiều trẻ bị viêm mũi, ngạt mũi nên không ít phụ huynh dùng loại “bảo bối” giúp thông mũi nhanh chóng. Tuy nhiên, việc làm này lại tiềm ẩn nguy cơ rất lớn với sức...