Bé gái 4 tuổi nôn ra máu, nguyên nhân do ăn canh cua được chế biến sai cách

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 02/08/2020 14:08 PM (GMT+7)

Do người thân thường xuyên bắt được cua núi mang về nấu canh, nhưng nấu chưa kỹ nên bé gái khi ăn phải đã bị sán lá phổi tấn công.

Khoa Nhi, Bệnh viện (BV) Phổi Trung ương mới đây tiếp nhận một bệnh nhi 4 tuổi, ở Vị Xuyên, Hà Giang vào viện với tính trạng khó thở, ho, ăn hay nôn, thỉnh thoảng nôn ra máu. Tại đây, bố của bệnh nhi cho biết, hàng ngày, người thân mỗi khi đi rừng lại xuống suối bắt cua, sau đó mang về nấu canh cho cả nhà ăn.

Qua thăm khám lâm sàng, đặc biệt là bệnh nhi ở vùng có dịch tễ và người nhà cho bé ăn cua suối nấu canh… Ngoài ra, dịch màng phổi của bệnh nhi sau khi chọc hút có màu trắng cục, nhiều vẩn nên các bác sĩ nghi vấn cháu bé bị sán lá phổi.

ThS.BS Nguyễn Thị Hằng, Phó trưởng Khoa Nhi, BV Phổi Trung ương cho biết, sau khi tiến hành xét nghiệm các bác sĩ đã tìm thấy trứng sán trong dịch màng phổi của bệnh nhi. Bác sĩ Hằng cho biết, sán lá phổi là một trong những nguyên nhân gây viêm màng phổi với biểu hiện tràn dịch màng phổi một hoặc hai bên phổi. Nếu phát hiện ở giai đoạn muộn sẽ để lại ổ cặn màng phổi.

Với trường hợp của bệnh nhi trên, rất may mắn được phát hiện kịp thời và điều trị đúng phác đồ gồm sử dụng thuốc tẩy sán và phẫu thuật nội soi làm sạch màng phổi nên tình trạng sớm ổn định.

Bé gái 4 tuổi nôn ra máu, nguyên nhân do ăn canh cua được chế biến sai cách - 1

Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhi mắc sán lá phổi.

Theo bác sĩ Hằng, trong năm vừa qua riêng khoa Nhi - BV Phổi Trung ương có khoảng 10 bệnh nhân mắc sán lá phổi, trong đó tập trung nhiều ở 1 số tỉnh như Lai Châu, Tuyên Quang… Thậm chí, có trường hợp cả nhà mắc sán lá phổi bao gồm bố, mẹ và 2 con.

Bệnh nhi nhỏ nhất được chẩn đoán sán lá phổi ở khoa Nhi – BV Phổi Trung ương là 2 tuổi. Điểm chung của tất cả các bệnh nhi được chẩn đoán bệnh sán lá phổi là đều có tiền sử ăn cua suối nướng hoặc nấu canh và đến từ các vùng dịch tễ có tỷ lệ lưu hành bệnh sán lá phổi cao.

BS Hằng cảnh báo nếu trong gia đình từng có người nhiễm sán lá phổi, những thành viên trong gia đình nên đi kiểm tra xét nghiệm tìm sán. Bởi đây là căn bệnh do sử dụng thức ăn được nấu chưa chín, nếu một thành viên gia đình đã nhiễm bệnh những thành viên trong gia đình khác cũng có nguy cơ mắc theo.

Bác sĩ Hằng khuyến cáo người dân, đặc biệt là những người sống ở vùng núi, nơi có dịch tễ lưu hành, nên ăn chín, uống sôi, không ăn đồ sống. Nếu ở các vùng dịch tễ lưu hành, người dân nên đi kiểm tra định kỳ tìm sán. Quan trọng nhất, cần thay đổi thói quen như thích ăn đồ tái, tập quán sinh hoạt ăn đồ tôm, cua (đá) nướng, nấu không kỹ, không nên cho trẻ ăn đồ sống (gỏi), cần ăn thực phẩm đã được nấu chín để phòng bệnh sán lá phổi.

Nếu người dân thấy có các triệu chứng như ho, khó thở, đau ngực, người hay có thói quen ăn đồ tái, chưa chín kỹ, ăn cá, tôm, cua nước ngọt nướng, tái hoặc nấu chưa kỹ cần đi khám tìm sán.

Theo bác sĩ Hằng, ở những người nhiễm sán lá phổi, khi chọc dịch màng phổi thường có màu trắng đục, đây là đặc điểm trưng của sán. Bệnh nhân cần được chỉ định tìm trứng sán lá phổi trong các bệnh phẩm như phân, dịch màng phổi….  Ngoài ra, cần kết hợp với yếu tố dịch tễ để tránh nhầm lẫn với các bệnh khác.

Canh cua đồng bổ mát nhưng đại kỵ với những thực phẩm này, nếu cố tình ăn dễ ngộ độc
Mùa hè nhiều người thường nấu canh cua ăn giải nhiệt, nhưng nếu không chú ý trong khâu chế biến sẽ dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sán lợn