Tự làm món ăn giải nhiệt hàng tháng, người phụ nữ Hải Dương bỗng ngã quỵ rồi phát hiện não có vấn đề

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 13/04/2023 09:49 AM (GMT+7)

Hàng tháng, người phụ nữ quê Hải Dương vẫn thường xuyên tự làm món ăn này với mong muốn giải nhiệt cơ thể, không ngờ sau đó phải nhập viện điều trị.

Bà Nguyễn Thị Oanh (58 tuổi, ở Hải Dương) trong lần tới Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Hà Nội) tái khám mới đây đã được các bác sĩ đề nghị ở lại điều trị do bà có dấu hiệu bị phù não. 

Trước đó, hồi Tết âm lịch, khi đang ở nhà, bà Oanh đột nhiên ngã quỵ, xa xẩm mặt mày, kèm đau đầu dữ dội. Bà được gia đình đưa vào bệnh viện tỉnh điều trị 7 ngày rồi chuyển lên Hà Nội. Người phụ nữ này được chẩn đoán bị sán lợn làm tổ trên não và được chuyển tới BV Đặng Văn Ngữ.

Tại đây, bà Oanh phải điều trị nội trú nhiều ngày, bệnh tình thuyên giảm nên được cho về nhà tiếp tục uống thuốc theo đơn và hẹn tái khám định kỳ. Bà Oanh cho biết vô cùng bất ngờ khi biết tin bị sán trong não vì bà ăn uống rất sạch sẽ, đồ ăn đều tự tay làm hết.

“Tôi hay bị nóng trong người nên có mua tiết canh lợn về ăn cho mát, giải nhiệt cơ thể. Tiết canh đều do tay tôi tự đánh chứ không phải mua sẵn, tôi cứ nghĩ mình làm sạch, an toàn, không ngờ trong đó lại có sán”, bà Oanh chia sẻ.

Việc ăn tiết canh để mát và giải nhiệt là hoàn toàn sai lầm, nguy cơ gây hại cho sức khỏe rất lớn. (Ảnh minh họa)

Việc ăn tiết canh để mát và giải nhiệt là hoàn toàn sai lầm, nguy cơ gây hại cho sức khỏe rất lớn. (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Phan Thị Thu Phương - Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, người điều trị cho nữ bệnh nhân này cho biết những trường hợp như bà Oanh khá nhiều. Đa số khi bị sán lên não mọi người đều nhầm lẫn triệu chứng tai biến, đột quỵ nên tìm nhiều cách chữa chạy. Thậm chí có bệnh nhân đến khi bị liệt nửa người và có nhiều di chứng kèm theo mới biết mình bị nhiễm sán.

Trước thông tin cho rằng ăn tiết canh để giải nhiệt cơ thể, TS.BS Trần Huy Thọ - Phó giám đốc BV Đặng Văn Ngữ cho biết điều này không chính xác. Bất cứ loại tiết canh nào cũng có nguy cơ gây nhiễm ký sinh trùng, ngoài ra với tiết canh lợn còn dễ bị nhiễm khuẩn liên cầu, do vậy tuyệt đối không ăn tiết canh nói riêng và các đồ tái sống nói chung.

Đặc biệt, không ít người quan niệm rằng ăn các loại lợn sạch do tự tay mình nuôi, không ăn cám, thả rông lâu năm sẽ an toàn, điều này cũng không chính xác. Bởi các loại lợn thả rông rất dễ nhiễm giun sán, do vậy khi ăn tiết canh hay thịt lợn tái sống này, nguy cơ mắc càng cao hơn. 

Bác sĩ Thọ khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn đồ tái sống với bất cứ thực phẩm nào, ngoài ra khi có các biểu hiện nghi ngờ nhiễm giun sán, nhất là đang sống trong vùng dịch tễ hay có người nhiễm giun sán cần đi khám để phát hiện và điều trị kịp thời. 

"Bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhiễm các loại ký sinh trùng có tổn thương ở não. Những bệnh nhân này có điểm chung là từng đi khám ở các cơ sở y tế nhưng không được chẩn đoán ra bệnh. 

Thậm chí có nhiều người nghĩ mình mắc bệnh động kinh, tai biến, tâm thần nên đã điều trị ở bệnh viện tâm thần nhiều năm. Hay có trường hợp còn mổ não, cắt gan sau đó mới biết bị mắc ký sinh trùng, giun sán. Do vậy, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ hạn chế được các di chứng cũng như giảm được kinh phí chạy chữa nhiều nơi”, bác sĩ Thọ cho hay.

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Máu người đàn ông đổi màu vì hay ăn món khoái khẩu, thích loại đồ uống vạn người mê
Sau một thời gian dài duy trì thói quen ăn uống không lành mạnh, người đàn ông vào viện trong tình trạng huyết tương trắng như sữa, không thể đo được...

Các vấn đề sức khỏe khác

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Nên ăn nhiều rau xanh, củ quả để bảo vệ trái tim, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Rau củ là nguồn cung cấp kali, magie tự nhiên rất quan...

Tin bài cùng chủ đề Sán lợn