Người phụ nữ bị đưa nhầm vào viện tâm thần vì dấu hiệu này, hóa ra mắc căn bệnh đáng sợ do ăn thịt lợn sai cách

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 14/07/2023 11:45 AM (GMT+7)

Bị chẩn đoán nhầm là mắc bệnh tâm thần, người phụ nữ ở Lào Cai dần dần trở nên lơ ngơ thật vì tác dụng phụ của thuốc, cho tới khi được xác định đúng bệnh và chữa trị đúng cách.

Chị Giàng Thị Lý (35 tuổi, ở Lào Cai) sau những cơn đau đầu dữ dội đã được người thân đưa đi khám ở nhiều nơi, và cuối cùng được đưa tới một bệnh viện tâm thần ở Hà Nội. Tại đây, bệnh nhân được điều trị bằng các loại thuốc đặc hiệu nhưng không đỡ, thậm chí còn xuất hiện nhiều biến chứng do tác dụng phụ của thuốc.

Tiếp đó, bệnh nhân được hội chẩn, với sự tham gia của chuyên gia về ký sinh trùng. Qua khai thác tiền sử gia đình và thói quen ăn uống của bệnh nhân, các bác sĩ chỉ định xét nghiệm để loại trừ các bệnh liên quan đến ký sinh trùng. Kết quả đúng như dự đoán, bệnh nhân dương tính với sán lợn và được chuyển về Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng trung ương điều trị.

Hình ảnh sán làm tổ trong não một người phụ nữ mới được phát hiện gần đây.

Hình ảnh sán làm tổ trong não một người phụ nữ mới được phát hiện gần đây. 

TS.BS Trần Huy Thọ - PGĐ Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết, bệnh nhân từng thường xuyên ăn thịt tái sống, tiết canh. Chính cách ăn không hợp vệ sinh này là nguyên nhân nhiễm sán lợn. “Khi tiếp nhận, chúng tôi tiến hành chụp chiếu để đánh giá mức độ thì phát hiện não bệnh nhân lỗ rỗ như mắt sàng, có rất nhiều nang sán ở trong não. Đây chính là lý do khiến bệnh nhân đau đầu rồi bị chẩn đoán nhầm mắc tâm thần", bác sĩ Thọ cho biết. 

Bác sĩ kể lại, thời gian đầu điều trị tại Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng trung ương, bệnh nhân không được tỉnh táo do tác dụng của việc dùng thuốc điều trị tâm thần trước đó. Có lần, bệnh nhân trốn ra ngoài khiến cả viện toán loạn đi tìm, phải báo cho cả người thân và công an phối hợp tìm kiếm. Sau đó 1-2 ngày, một bác sĩ tại viện khi đi trên đường Nguyễn Trãi đã phát hiện bệnh nhân đang lang thang, tay cầm túi cơm thừa được cho. Bệnh nhân đã được đưa về viện tiếp tục điều trị và sau một liệu trình thì các triệu chứng thuyên giảm hẳn. Kết quả những lần khám sau cho thấy bệnh nhân đã hết sán, cơ thể hồi phục hoàn toàn. 

Bác sĩ Thọ khuyên mọi người không nên ăn thịt tái, sống để tránh nguy cơ nhiễm sán. (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Thọ khuyên mọi người không nên ăn thịt tái, sống để tránh nguy cơ nhiễm sán. (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Trần Huy Thọ cho biết, các bệnh do ký sinh trùng gây ra thường ít được để ý nên dễ bị chẩn đoán và điều trị nhầm, từ đó gây ra những hệ lụy cho sức khỏe người bệnh. Do vậy, việc nâng cao nhận thức cho người dân trong phòng bệnh, cập nhật cả cho cán bộ y tế là rất quan trọng. “Với nhiều trường hợp tổn thương gan, não có chỉ định phẫu thuật, tốt nhất trước khi thực hiện nên xét nghiệm để loại trừ nguyên nhân giun sán. Bởi không ít trường hợp phẫu thuật não, cắt gan mới biết là do sán làm tổ chứ không phải ung thư hay khối u”, bác sĩ Thọ nói.

Chia sẻ về bệnh sán lợn mà nữ bệnh nhân trên mắc phải, bác sĩ Thọ cho biết, đây là loại ký sinh trùng thường gặp do thói quen ăn thịt tái, sống, tiết canh… Khi những ấu trùng sán lợn đi vào cơ thể, chúng theo hệ tiêu hóa, theo máu đi khắp nơi và ký sinh ở bất kỳ bộ phận nào và gây tổn thương. Trong đó não và các tổ chức cơ thường hay bị ký sinh nhất.

Do vậy, theo các chuyên gia, để phòng bệnh, chúng ta cần ăn chín uống sôi, không ăn tiết canh, thịt lợn bệnh, thịt lợn tái sống. Khi có dấu hiệu nghi ngờ, cộng thêm tiền sử ăn đồ tái sống thì nên nghĩ đến bệnh do ký sinh trùng và đi khám.

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Phát hiện trường hợp đầu tiên mắc bệnh vi khuẩn ăn thịt người ở Đắk Nông
Sau khi ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh Whitmore, còn được gọi là vi khuẩn "ăn thịt người", ngành Y tế tỉnh Đắk Nông đã triển khai các biện pháp giám sát.

Bệnh phụ khoa

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh ly kỳ