Trong lúc làm cá thấy cháu gái chỉ vào mật cá và hỏi có ăn được không, người bà đã lỡ miệng đùa rằng có thể ăn được. Kết quả khiến cháu gái phải nhập viện cấp cứu.
Khoảng 9 giờ sáng ngày 2/10, bà của cô bé Xiaoqin đã mua một con cá và chuẩn bị về nhà nấu cơm cho gia đình. Khi chuẩn bị bữa ăn tối, người cháu đã chỉ tay vào mật cá và hỏi bà liệu có thể ăn được không. Người bà khi ấy đã nói đùa với cháu gái rằng: “Thứ này cũng có thể ăn đấy”. Thế nhưng người bà không ngờ rằng sau khi nghe câu nói đùa ấy, Xiaoqin đã nhanh tay lấy túi mật cá cho vào miệng ăn.
Chẳng bao lâu sau, Xiaoqin bắt đầu có một số triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa... Điều này khiến gia đình sợ hãi và ngay lập tức đưa cô bé đến bệnh viện gần đó để giải cứu.
Cô bé Xiaoqin (7 tuổi) bị ngộ độc mật cá sau khi nghe bà nói rằng mật cá có thể ăn được.
Sau khi bác sĩ kiểm tra phát hiện chức năng gan của Xiaoqin tăng cao bất thường và cô bé đã được gửi đến khoa ICU (săn sóc tích cực) của Bệnh viện Nhi đồng Giang Tây, Trung Quốc để điều trị khẩn cấp.
Bác sĩ Zhu Yourong, trưởng khoa ICU chẩn đoán cô bé Xiaoqin ngộ độc túi mật cá, suy gan và rối loạn chức năng đa cơ quan. Kết quả này khiến bà của Xiaoqin hối hận. Bà không ngờ chỉ một câu nói đùa đã khiến cháu gái phải chịu tổn hại lớn đến như vậy. "Tôi chỉ nói đùa với cháu gái của mình rằng món này có thể ăn được. Nhưng tôi không ngờ rằng con bé tin và ngay lập tức lấy cho vào miệng ăn. Kết quả là bị đầu độc. Tôi thực sự hối hận!", người bà vừa nói vừa khóc.
Đối với Xiaoqin đây chỉ là tai nạn bất ngờ này nhưng các bác sĩ cho biết việc ngộ độc mật cá xảy ra không ít. Bởi nhiều người tin rằng ăn mật cá có tác dụng giải nhiệt, giải độc, tốt cho thị lực,... nên nhiều người còn ăn sống hoặc uống mật cá với rượu.
Sau một thời gian điều trị, cô bé Xiaoqin đã may mắn qua khỏi.
Thực tế hầu hết mật của các loài cá nước ngọt mà chúng ta thường ăn là độc, chẳng hạn như cá trích, cá trắm cỏ... Chất độc ở mật cá là cyprinol, chỉ có ở mật, gan và tụy của cá nước ngọt chứ không có ở thịt cá. Đó là chất độc có thể gây tổn thương cho nhiều cơ quan, gan và thận là khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất.
Hơn nữa, các chất độc hại này đặc biệt chịu được nhiệt độ cao và không sợ rượu. Do đó, cho dù nấu chín hay uống cùng với rượu bia, việc ăn mật cá đều có thể gây ngộ độc.
Dấu hiệu ngộ độc mật cá
Các dấu hiệu ngộ độc gồm: buồn nôn nhẹ, nôn mửa, tiêu chảy, tổn thương gan nặng, suy thận cấp và thậm chí tử vong.
Các biểu hiện ngộ độc thường xuất hiện 1-2 giờ sau khi nuốt mật (chậm nhất là 1 ngày). Bệnh nhân đau dữ dội từng cơn ở khắp bụng hoặc xung quanh rốn, buồn nôn, tiêu chảy (một số trường hợp nôn và đi ngoài ra máu), có thể trụy tim mạch do mất nước và điện giải.
Ngoài ra, người bị ngộ độc mật cá còn có thể có các biểu hiện: hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, vùng thận và 2 bên đốt sống thắt lưng đau nhức như bị bóp chặt, tiểu ít, nước tiểu sẫm màu.
Sau 1-3 ngày, bệnh bước vào giai đoạn toàn phát. Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất, tỷ lệ tử vong rất cao. Người bệnh không đi tiểu được hoặc tiểu rất ít (dưới 300 ml/ngày), nước tiểu có màu phớt hồng. Các biểu hiện rối loạn tiêu hóa (đau bụng, nôn, tiêu chảy) có thể giảm bớt hoặc tăng lên (nếu có nôn hoặc đại tiện ra máu thì rất nguy hiểm). Nhiều người bị rối loạn nhịp tim và khó thở. Giai đoạn toàn phát kéo dài 5-7 ngày; nếu vượt qua được, bệnh nhân sẽ hồi phục.
Khi có các biểu hiện ngộ độc mật cá nên ngay lập tức tới bệnh viện.
Khi có các dấu hiệu ngộ độc mật cá kể trên, bệnh nhân phải được đưa ngay đến các trung tâm hồi sức cấp cứu. Tại bệnh viện, họ sẽ được điều trị nội khoa và chạy thận nhân tạo. Trong quá trình điều trị, các bác sĩ sẽ thường xuyên theo dõi và kiểm soát các chỉ số như: lượng nước tiểu, hàm lượng urê, creatinin và điện giải trong máu.
Các bác sĩ khuyên rằng, những người đã uống mật cá trắm mà chưa có biểu hiện ngộ độc cũng nên đến bệnh viện để kiểm tra.