Một người mẹ đã cảnh báo về những nguy hiểm tiềm ẩn của sữa bò sau khi con gái suýt chết vì uống quá nhiều.
Sữa là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe, nhiều bậc phụ huynh rất tin dùng sữa trong việc chăm sóc trẻ. Mặc dù tốt nhưng sữa cũng cần được sử dụng vừa phải mới phát huy tác dụng, nếu quá lạm dụng có thể vô tình gây hại cho con trẻ.
Cô Anastacia Gencarelli đến từ từ Ontario, Canada đã suýt hại chết cô con gái Mia, 2 tuổi chỉ vì thói quen cho con uống quá nhiều sữa mỗi ngày. Gencarelli nhớ lại hồi đầu tháng 11, con gái Mia bình thường khỏe mạnh nhưng đột nhiên ăn uống không ngon, da xanh xao và có biểu hiện lờ đờ, khó thở.
Cô bé Mia bị thiếu máu và chảy máu trong nghiêm trọng do uống quá nhiều sữa bò.
Các triệu chứng của Mia khiến các bác sĩ tin rằng em bị nhiễm trùng nên đã được kê đơn thuốc kháng sinh và cho về nhà. Sau 1 tuần dùng thuốc, Gencarelli nhận thấy tình trạng của con gái không được cải thiện mà thậm chí ngày càng tệ hơn. Với bản năng làm mẹ, Gencarelli tin rằng con gái có một vấn đề khác nên đã quyết định đi khám một lần nữa.
Lần này, các bác sĩ cho biết Mia đã bị thiếu máu do thiếu sắt và chảy máu trong. Các bác sĩ tiết lộ Mia đã mất 3/4 lượng máu do chảy máu trong nội tạng. Các bác sĩ cũng phát hiện nguyên nhân gây ra vấn đề của bé gái là do uống quá nhiều sữa bò. Gencarelli cho biết mỗi ngày cô cho con gái uống 4-6 chai sữa bò.
Cô bé Mia sau đó cần phải truyền máu toàn phần và được bổ sung thêm sắt để phục hồi mức độ khoáng chất trong cơ thể. Các bác sĩ cũng khuyên cô Gencarelli hạn chế cho con gái uống sữa, chỉ nên uống hai chai sữa bò mỗi ngày.
Mỗi ngày cô bé được mẹ cho uống 4-6 chai bò sữa.
Sau sự việc, bà mẹ 2 con vô cùng hối hận, cô đã quyết định chia sẻ sự việc lên mạng xã hội để cảnh tỉnh mọi người. Cô viết: "Đêm qua là đêm đáng sợ nhất trong cuộc đời làm cha mẹ của tôi. Tôi đã quyết định chia sẻ những gì chúng tôi đã trải qua để hy vọng các gia đình không lặp lại những sai lầm như chúng tôi.
Đừng cho trẻ uống quá nhiều sữa bò. Sữa bò dư thừa thực sự sẽ tước đi sắt trong cơ thể bạn - sắt là thứ tạo ra máu, không sắt đồng nghĩa với việc không có máu. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra và bạn cần phải biết trước khi quá muộn. Đây là điều mà 90% người bình thường không biết và chỉ có bác sĩ/y tá mới hiểu rõ và biết cách xử lý."
Thiếu máu do thiếu sắt là gì?
Thiếu máu là khi số lượng hồng cầu ít hơn bình thường. Thiếu máu do thiếu sắt là tình trạng thiếu máu do thiếu sắt trong cơ thể. Sắt rất quan trọng trong việc hình thành haemoglobin. Hàm lượng sắt giảm cũng làm cho haemoglobin trong máu giảm xuống.
Mục đích chính của haemoglobin là mang oxy đi khắp cơ thể. Nếu cơ thể không nhận đủ oxy, các triệu chứng sau có thể xảy ra: Mệt mỏi, yếu đuối và thiếu năng lượng. Nếu thiếu máu trở nên nghiêm trọng hơn, nó có thể trở nên đe dọa tính mạng.
Điều gì gây ra thiếu máu thiếu sắt?
Uống quá nhiều sữa bò sẽ ngăn chặn khả năng hấp thụ chất sắt của cơ thể và gây ra một lượng nhỏ máu mất từ ruột. (Ảnh minh họa)
Thiếu máu do thiếu sắt là dạng thiếu máu phổ biến nhất. Khoảng 20% phụ nữ và 3% nam giới bị thiếu sắt. Sắt có mặt trong nhiều loại thực phẩm mà chúng ta ăn, chẳng hạn như thịt đỏ, cá và rau xanh.
Nếu chế độ ăn uống của một người không chứa đủ các loại thực phẩm này, họ có thể bị thiếu máu do thiếu sắt. Tình trạng này cũng có thể do uống quá nhiều sữa bò. Điều này là do sữa bò ngăn chặn khả năng hấp thụ chất sắt của cơ thể và gây ra một lượng nhỏ máu mất từ ruột.
Thiếu sắt cũng có thể phát triển do mất máu trong thời gian dài như có thể xảy ra ở một số phụ nữ trong kì kinh nguyệt bị mất máu nhiều nhưng không được cung cấp sắt đầy đủ.
Một số trẻ bị thiếu máu nhẹ hoàn toàn không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của người thiếu máu do thiếu sắt bao gồm da nhợt nhạt, thiếu năng lượng và khó thở.
Những thực phẩm giàu chất sắt
Phương pháp điều trị phổ biến nhất là dùng một viên thuốc sắt hoặc sắt dạng lỏng để uống. Có nhiều cách để tăng lượng sắt trong chế độ ăn uống cũng như dùng thuốc. Thực phẩm giàu chất sắt bao gồm:
- Thịt
- Đậu và đậu lăng
- Trứng
- Cá
- Quả mơ, mận và nho khô
- Lá rau xanh
- Cháo bột yến mạch
- Cá ngừ