Dù gia đình có điều kiện kinh tế, hàng ngày cho con ăn toàn món ngon, đắt tiền nhưng khi đi khám, bác sĩ kết luận con bị thiếu sắt, thiếu máu khiến nhiều bố mẹ bất ngờ.
Con nhà giàu vẫn bị thiếu sắt nhưng bố mẹ không hề hay biết
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trong quá trình khám và tư vấn ông gặp khá nhiều trẻ bị thiếu máu do thiếu sắt, điều đáng nói là trong số đó không ít trẻ ở thành thị, gia đình có điều kiện.
Điển hình như trường hợp của cháu Nhất Nam (7 tuổi) là con trai duy nhất của vợ chồng chị Hồng Anh ở Khu đô thị Mỹ Đình II (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đến bệnh viện khám vì trẻ hay ốm vặt. Theo chia sẻ của chị Hồng Anh, trong quá trình nuôi dưỡng cháu Nam, vợ chồng chị chăm sóc rất đầy đủ, thậm chí chọn mua những thực phẩm đắt tiền, đồ nhập khẩu tốt nhất bồi dưỡng cho con.
Nhiều trẻ dù bố mẹ cho ăn nhiều món đắt tiền nhưng vẫn thiếu sắt. Ảnh minh họa.
Khi thấy con hay ốm vặt, chóng mặt và đau đầu, chị Hồng Anh đưa con đi khám. Tại bệnh viện, qua xét nghiệm, bác sĩ cho biết bé Nam bị thiếu máu do thiếu sắt. Kết quả này khiến chị Hồng Anh khá bất ngờ. “Hàng ngày cháu vẫn ăn tốt, cháo yến, tôm hùm,… rồi cơm rất đầy đủ, vậy mà không hiểu sao cháu vẫn bị thiếu sắt”, chị Hồng Anh chia sẻ.
PGS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, thực tế những trường hợp như bệnh nhi trên không hiếm gặp. Rất nhiều bố mẹ không hề biết con bị thiếu máu do thiếu sắt vì hàng ngày thường thấy con ăn nhiều, đa số là đồ bổ dưỡng, đắt tiền.
“Rất nhiều trẻ đến khám vì những lý do khác như chóng mặt, ốm vặt, đau bụng,… mới phát hiện bị thiếu sắt, còn thực tế bố mẹ không hề hay biết”, PGS Dũng chia sẻ.
Chế độ ăn không hợp lý khiến trẻ thiếu sắt
TS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, khi bị thiếu máu, nếu ở mức độ nhẹ, biểu hiện ở trẻ thường chỉ là da hơi xanh, niêm mạc, môi, vành mắt nhợt nhạt. Nếu tình trạng nặng hơn, da trẻ thường xanh nhiều. Trẻ lớn có thể cảm thấy mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt còn trẻ nhỏ thì không chịu chơi, quấy khóc kéo dài. Đặc biệt, nếu trẻ bị nặng còn có thể dẫn tới suy tim, khó thở, tim đập nhanh,….
Về nguyên nhân thường gặp, vị chuyên gia này cho rằng, có thể là do cơ thể đang bị bệnh như bị chảy máu đường tiêu hóa nhưng không phát hiện ra, chế độ ăn không hợp lý. Còn đối với trường hợp trẻ ăn nhiều, ăn đồ đắt tiền mà vẫn bị thiếu máu có thể do trẻ ăn nhưng không hấp thu được, hoặc ăn những thực phẩm có hàm lượng sắt ít.
Phòng thiếu sắt cho trẻ cần cho ăn đa dạng thực phẩm,
Để điều trị thiếu máu, tùy theo mức độ, trẻ sẽ được chỉ định truyền máu, bổ sung sắt đường uống cho phù hợp. Bên cạnh việc truyền máu, bổ sung sắt thì chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng có vai trò quan trọng giúp trẻ cải thiện sức khỏe và tình trạng bệnh.
Theo TS Hưng, đa dạng hóa bữa ăn là phương pháp tốt nhất để cải thiện các nguyên tố vi lượng của cơ thể trong đó có sắt. Ngoài ra, cần phải kết hợp các loại thực phẩm khác nhau làm cho bữa ăn cân đối hơn về giá trị và vi chất dinh dưỡng, đồng thời làm tăng hấp thu các chất dinh dưỡng.
Cần ưu tiên các thực phẩm giàu đạm, giàu sắt như: Thịt bò, gan động vật, trứng, ngao, sò, sữa, thực phẩm tăng cường sắt… Tăng cường nguồn thực phẩm có nguồn gốc thực vật như một số loại rau xanh, đậu đỗ, nấm... kết hợp thực phẩm giàu vitamin C, giàu acid folic như các loại rau có lá màu xanh thẫm, đậu quả, đậu hạt... Nên tăng cường hoa quả chín để cung cấp vitamin C, đồng thời tăng cường hấp thu sắt.
Ngoài ra, cần điều trị dứt điểm các bệnh nhiễm trùng, tẩy giun định kỳ, vệ sinh cá nhân và môi trường… Hạn chế sử dụng các chất gây ức chế hấp thu sắt như: Trà, cà phê, đậu đỗ cả vỏ, canxi, ăn chay…