Bé gái đang chơi bỗng ngã lịm, ngừng thở, mẹ chỉ làm một việc cứu con thoát “cửa tử”

Ngày 19/11/2021 11:44 AM (GMT+7)

Đang nấu cơm, chị Lưu Kiều Trang nghe tiếng bé Bắp (19 tháng tuổi) khóc thét bất thường khi chơi với anh trên phòng khách. Chị vội chạy tới thì thấy con đã tím tái, ngã lịm. 

Sự việc xảy ra ngày 17/11 nhưng tới hôm nay, khi kể lại, chị Lưu Kiều Trang ở Văn Chấn (Yên Bái) vẫn “tim đập chân run”. 

Chị Trang cho biết, lúc đó là hơn 17h chiều, chị bận nấu cơm dưới bếp, để cậu con trai lớn là bé Tôm (4 tuổi) ngồi chơi vẽ màu với em Bắp. 

Trong lúc tô màu, bé Bắp cắn một mẩu bút sáp màu rồi ngậm trong miệng. Thấy vậy, anh Tôm lấy tay cố móc mẩu bút từ miệng em ra nhưng không được. Sau đó, Tôm thấy em biểu hiện lạ, liền ôm em thì Bắp đã ngã lịm xuống sàn.

“Khi đó đang dở tay ở bếp, mình nghe tiếng con khóc rất lạ, chỉ gào một tiếng rồi yên, sau đó gào thêm 2 tiếng là im bặt. Vội vàng chạy lên luôn, chỉ kịp nghe Tôm nói “em Bắp nuốt mẩu bút sáp” là mình bế thốc con, cho đầu thấp xuống để tránh dị vật không tụt sâu vào trong, rồi vừa bế con ra cổng, vừa liên tục vỗ vào lưng bé, đồng thời hô thất thanh để hàng xóm sang trợ giúp. Rất may, vừa ra đến cổng thì mẩu bút sáp rơi ra”, chị Kiều Trang kể lại. 

Chị cho biết, sau đó, bé Bắp khóc một tràng dài, mặt mũi dần hồng hào trở lại. Chị bế con, dỗ dành thêm 30 phút cho bé đỡ sợ. Từ tối đó, Bắp đã ăn cơm và chơi đùa bình thường với anh. 

Người mẹ trẻ chia sẻ, mọi việc diễn ra quá nhanh, chỉ trong vòng vài phút nên hầu như chị hành động theo bản năng người mẹ và những gì nhớ được sau khi xem một số hướng dẫn về cách xử lý dị vật cho trẻ, chứ không suy nghĩ nhiều. 

“Cách nhà mình 100m có một phòng khám tai mũi họng, mình định bụng xử trí cho con ở nhà không được sẽ bế ngay tới đó, vì biết rằng khi hóc dị vật, chỉ mấy giây thôi là con có thể ngừng tim”, chị bày tỏ. 

Cấp cứu dị vật đường thở: kỹ thuật vỗ lưng và ấn ngực. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

Cấp cứu dị vật đường thở: kỹ thuật vỗ lưng và ấn ngực. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

Trải qua những giây phút thót tim, chị Kiều Trang chia sẻ, thực sự tình huống này có thể xảy ra với bất cứ gia đình nào vì trẻ con nghịch ngợm và muốn thử mọi thứ nên bố mẹ nào cũng cần cảnh giác, theo sát con và học cách xử trí hóc dị vật.

Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, dị vật đường thở là tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ 1-3 tuổi do các bé thường tò mò, thích cho vào miệng những vật cầm chơi.

Cách xử trí: Khi nghĩ tới con bị dị vật đường thở, phải nhanh chóng xử trí để tránh trẻ bị ngạt thở.

- Nếu trẻ tỉnh táo, không khó thở, không tím tái và vẫn có thể ho tốt thì nên khuyến khích trẻ ho để tống dị vật ra ngoài.

- Nếu trẻ khó thở, tím tái, ho yếu thì ngay lập tức tiến hành thực hiện động tác vỗ lưng và ấn ngực. Đặt trẻ dọc theo tay người cấp cứu cho trẻ nằm sấp đầu thấp đồng thời tiến hành vỗ lưng 5 lần và nếu dị vật vẫn không bật ra ngoài được thì lật ngược cho trẻ nằm ngửa đầu thấp và ấn ngực trẻ 5 lần cho đến khi di vật được đẩy ra ngoài.

- Tránh móc dị vật nếu không quan sát được rõ vì có thể làm dị vật xâm nhập sâu hơn vào đường thở và làm cho trẻ suy hô hấp nặng hơn.

Hóc dị vật là một tai nạn nguy hiểm thường gặp ở trẻ nhỏ. Do đó, phụ huynh cần trông chừng con cẩn thận, để những vật có kích thước nhỏ xa tầm tay của trẻ, đồng thời nắm được phương pháp sơ cứu khi con không may bị hóc.

Bé gái 3 tuổi bị hóc đậu phộng nhưng chẩn đoán nhầm là viêm phổi
Thấy con liên tục ho khò khè, mẹ của bé gái 3 tuổi tại Đức Hòa, Long An đưa con đi khám nhiều nơi và được chẩn đoán là viêm phổi, theo dõi suyễn.

Tai nạn trẻ em

Linh Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Chuối xanh có giá trị dinh dưỡng rất đặc biệt. Với hàm lượng chất xơ và tinh bột kháng cao, chuối xanh không chỉ giúp cải thiện hệ tiêu hóa...

Tin bài cùng chủ đề Tai nạn trẻ em