Các mẹ học ngay phương pháp sơ cứu trẻ bị hóc dị vật, đuối nước để con không chết oan

Ngày 26/07/2018 15:00 PM (GMT+7)

Việc sơ cứu trẻ bị hóc dị vật, đuối nước đúng cách ngay ở nhà hoặc ở cộng đồng sẽ làm giảm khả năng tử vong của trẻ khi bị tai nạn, tránh những di chứng về lâu dài.

Thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương liên tục tiếp nhận các bệnh nhi bị đuối nước, hóc dị vật nguy kịch đến tính mạng, thậm chí đã có trường hợp trẻ tử vong vì những tai nạn này.

Ths.BS Phạm Ngọc Toàn – Khoa Cấp cứu chống độc (BV Nhi Trung ương) cho biết, nguyên nhân của tình trạng trên đó chính là việc nhiều phụ huynh sơ cứu trẻ bị hóc dị vật, đuối nước sai cách khiến tình trạng của trẻ càng nặng thêm.

Clip: Hướng dẫn cách sơ cứu trẻ bị hóc dị vật đường thở.

Sơ cứu trẻ bị hóc dị vật đúng cách

Ths.BS Phạm Ngọc Toàn cho biết, khi trẻ bị hóc dị vật, thường trẻ hay ho. Nếu trường hợp trẻ tỉnh táo, ho được, cần khuyến khích trẻ ho, sau đó đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Nếu bệnh nhân tỉnh nhưng ho không hiệu quả thì cần vỗ lưng, ấn ngực. Trường hợp trẻ còn bé, đặt trẻ lên cánh tay, cho đầu chúi xuống sau đó vỗ lưng 5 lần xem dị vật có ra không, nếu không được thì lật ngược bệnh nhân lại rồi ấn tại vị trí ép ngực. Trẻ lớn hơn có thể đặt lên ghế và làm tương tự.

Trường hợp không ho được hoặc ho không hiệu quả, kiểm tra xem trẻ còn thở không, nếu không cần ép tim cấp cứu, mở thông đường thở, hà hơi thổi ngạt 5 lần.

Các mẹ học ngay phương pháp sơ cứu trẻ bị hóc dị vật, đuối nước để con không chết oan - 1

Ấn ngoài lồng ngực, vỗ lưng đúng cách khi trẻ bị hóc dị vật.

Sau đó cần gọi thêm 1 người hỗ trợ, 1 người hà hơi thổi ngạt, 1 người ép tim. Vị trí ép tim nằm 1/2 dưới xương ức.

Khi ép, đặt thẳng tay lên ngực, tỉ lệ 15 lần ép tim, 2 lần thổi ngạt. Sau 1 phút đánh giá lại xem thở hay chưa và xem đã có mạch hay chưa. Người lớn bắt mạch cảnh, trẻ con bắt ở cánh tay, mạch quay, mạch bẹn vì cổ trẻ ngắn hơn. Sau 10 giây kiểm tra, nếu vẫn không thấy mạch thì tiếp tục ép tim ngoài lồng ngực.

Trong lúc ép tim, cần duy trì nhịp 100 lần/phút, cố gắng ép sâu và mạnh, độ lún bằng khoảng 1/3 bề dày lồng ngực.

Clip: Hướng dẫn cách sơ cứu khi trẻ bị ngạt nước.

Đừng dốc ngược hoặc vác khi trẻ bị đuối nước

BS Toàn cho biết, rất nhiều trẻ bị đuối nước khi vớt lên bờ, người lớn thường dốc ngược hoặc vác, chạy nhằm cho nước ra ngoài. Đó là cách sơ cứu hoàn toàn sai lầm. Khi trẻ bị đuối nước, cần phải làm theo các bước sau:

Bước 1: Đưa nạn nhân ra khỏi nước. Khi cấp cứu nạn nhân ngay ở dưới nước cần phải nâng đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, có động tác để giúp cho nạn nhân trấn tĩnh và thở.

Bước 2: Đặt nạn nhân ở tư thế nằm ngửa trên mặt phẳng cứng. Gọi hỏi nạn nhân xem còn tỉnh táo hay không. Đồng thời, gọi người đến hỗ trợ cấp cứu.

Bước 3: Bắt mạch nạn nhân ở tay, cổ hoặc bẹn của nạn nhân, kiểm tra bệnh nhân còn thở hay không bằng cách áp tai vào miệng và quan sát lồng ngực..

Các mẹ học ngay phương pháp sơ cứu trẻ bị hóc dị vật, đuối nước để con không chết oan - 2

Hà hơi thổi ngạt, ép tim ngoài lồng ngực là phương pháp cứu trẻ khi bị đuối nước.

Bước 4: Dùng 2 tay chồng lên nhau đặt ngay vào vị trí một nửa dưới xương ức và ấn tim với tần số ép khoảng 100 lần/1 phút, đồng thời phải khai thông đường thở bằng cách dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi miệng nạn nhân và hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo với phương pháp miệng thổi miệng cho nạn nhân.

Nếu chỉ có một người tiến hành sơ cấp cứu, thì ấn tim ngoài lồng ngực 15 - 30 nhịp, sau đó hà hơi thổi ngạt 2 lần và tiếp tục lặp lại việc ấn tim ngoài lồng ngực với chu kỳ 15 - 30 lần ấn tim, 2 lần hà hơi thổi ngạt.

Nếu có hai người cấp cứu thì một người ấn tim ngoài lồng ngực, một người hà hơi thổi ngạt, kiên trì thực hiện cho đến khi nạn nhân hồi tỉnh trở lại hoặc cho đến khi nạn nhân được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Bước 5: Tiếp tục bắt mạch, nếu nạn nhân tỉnh lại, cho nạn nhân nằm nghiêng để đẩy nước và dị vật còn sót ra ngoài, sau đố chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục cấp cứu. Trường hợp nạn nhân chưa tỉnh, tiếp tục thực hiện các biện pháp hà hơi, ép tim ngoài lồng ngực trong lúc chờ các bộ y tế.

Nắm giữ được đúng cách sơ cứu trẻ bị hóc dị vật, đuối nước sẽ giúp bảo vệ tính mạng của trẻ, phòng được nhiều trường hợp đáng tiếc do sơ cứu sai cách.

Bé trai 2 tuổi sống thực vật vì hóc hạt nhãn khi vừa ăn, vừa cười đùa cùng người lớn
Khi đang ăn nhãn, cháu bé 2 tuổi bị chọc cười, sau đó bị sặc và hóc hạt nhãn. Do sơ cứu sai cách nên cháu bé rơi vào trạng thai hôn mê, sống thực vật.
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trẻ em chết đuối