Bé trai 3 ngày tăng 4kg khi uống thứ này, bác sĩ cảnh báo cha mẹ: Chỉ chậm một chút là con suy thận

DIỆU THUẦN - Ngày 29/04/2024 11:40 AM (GMT+7)

Thời tiết nắng nóng gay gắt khiến bé Quân bị ho, sốt và viêm họng nên gia đình tự mua thuốc hạ sốt cho uống. Sau đó, bé bị phù toàn thân, tiểu ra máu, huyết áp tăng.

Con bị bệnh thận nhưng cha mẹ không biết

Thận là cơ quan chịu trách nhiệm lọc máu, đào thải độc tố, chất cặn bã ra khỏi cơ thể qua quá trình bài tiết nước tiểu. Khi cơ quan này bị tổn thương, chức năng thận sẽ suy giảm, dẫn tới ứ trệ các chất độc, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Tổn thương thận kéo dài nếu không được điều trị có thể dẫn tới suy thận, phải lọc máu hoặc ghép thận để duy trì sự sống.

Việc cho trẻ uống thuốc tây không kê đơn cũng là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị các bệnh về thận. Ảnh minh họa.

Việc cho trẻ uống thuốc tây không kê đơn cũng là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị các bệnh về thận. Ảnh minh họa.

Ngoài yếu tố di truyền, hệ thống miễn dịch không bình thường thì các thói quen như nhịn tiểu, lười vận động, ít uống nước, ăn mặn và lạm dụng thuốc tây không kê đơn… cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị bệnh thận.

Trước đây, bé Nguyễn Anh Quân (12 tuổi, ở Nha Trang, Khánh Hòa) có sức khỏe bình thường. 3 tuần trước, thời tiết nắng nóng thất thường khiến bé bị ho, sốt và viêm họng nên được gia đình tự mua thuốc hạ sốt cho uống. Sau khi uống 1 liều thuốc, bé trai hết sốt, người khỏe, chỉ ho nhẹ và vẫn đi học được.

Khoảng tuần trước, thấy mặt con trai hơi sưng, tiểu ít, phù toàn thân, từ cân nặng 51kg, sau khi uống thuốc 3 ngày, bé Quân tăng lên 55kg, gia đình lo lắng, đưa con đến khoa Nhi một bệnh viện tư tại TP.HCM khám.

BS.CKII Nguyễn Thị Minh Hiền, khoa Nhi cho biết bệnh nhi nhập viện trong tình trạng thở dốc, phù nhanh toàn thân, tiểu máu, huyết áp 150/90 mmHG (bình thường dưới 120/80mmHG). Kết quả chụp X-quang ghi nhận, tràn dịch màng phổi, tổn thương phổi kẽ lan tỏa. Xét nghiệm nước tiểu cho thấy tiểu máu và tiểu đạm ngưỡng thận hư. Từ các kết quả này, bác sĩ Hiền chẩn đoán, bé Quân bị viêm cầu thận cấp hậu nhiễm liên cầu trùng.

Viêm cầu thận xảy ra khi các cầu thận bị tổn thương, thận gặp nhiều khó khăn trong việc loại bỏ chất thải và chất lỏng ra khỏi cơ thể, dẫn đến tăng cân, phù. Ở trường hợp bé Quân do không được phát hiện sớm dẫn đến biến chứng tăng huyết áp, gây khó thở, phù phổi cấp. Tình trạng tăng huyết áp do viêm cầu thận cấp nếu không kiểm soát có thể dẫn co giật, tăng áp lực nội sọ, đột quỵ, xuất huyết não.

Bé Quân khi đang điều trị ở bệnh viện. Ảnh: BVCC.

Bé Quân khi đang điều trị ở bệnh viện. Ảnh: BVCC.

Bệnh nhi được nhập viện, điều trị hạ huyết áp ức chế kênh calcium, hạn chế tối đa muối trong khẩu phần ăn. Đến ngày thứ 4 điều trị, huyết áp kiểm soát, hết phù, cân nặng bé trở về mốc bình thường. Chỉ số xét nghiệm máu không ghi nhận tổn thương thận tiến triển. Bệnh nhi được xuất viện sau 5 ngày điều trị. Về nhà bé tiếp tục uống thuốc, theo dõi cân nặng hàng ngày, tình trạng phù, lượng nước tiểu, huyết áp và tái khám sau một tuần. 

Căn bệnh dễ khiến trẻ bị suy thận

Theo BS.CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) người bình thường có 2 quả thận, trong đó có nhiều cầu thận nhỏ để lọc máu đi qua thành nước tiểu dẫn vào các ống thận rồi thải ra bể thận, niệu quản, bọng đái ra ngoài. Viêm cầu thận cấp là tình trạng viêm cấp tính các cầu thận gây ra sau khi trẻ bị nhiễm trùng cổ họng hoặc da do các vi khuẩn, virus gây ra, phổ biến nhất là vi khuẩn liên cầu. Ngoài ra, trẻ gặp các vấn đề về miễn dịch như ban xuất huyết henoch-schonlein hay lupus cũng có thể mắc bệnh này.

Đối với các trường hợp mãn tính, bệnh có thể gây ra bởi các yếu tố di truyền. Tuy nhiên, trong một số trường hợp trẻ bị viêm cầu thận mãn tính không xác định được nguyên nhân gây bệnh. Bệnh thường xảy ra ở trẻ 3-8 tuổi, nam nhiều hơn nữ. Trước đó 2 tuần, trẻ có thể bị nhiễm trùng da, hoặc sốt đau họng trước đó 1 tuần.

Trẻ bị sốt là một trong các dấu hiệu của bệnh viêm cầu thận cấp. Ảnh minh họa.

Trẻ bị sốt là một trong các dấu hiệu của bệnh viêm cầu thận cấp. Ảnh minh họa.

Biểu hiện thường thấy khi trẻ mắc bệnh này là phù, khởi phát đầu tiên thường ở mí mắt, mặt, rồi tới toàn thân, tứ chi. “Có khi phù kín đáo, trẻ thấy nặng mặt hoặc mang giày dép thấy chật”, bác sĩ Tiến chia sẻ. Biểu hiện khác là trẻ tiểu ít, có thể tiểu đỏ (tiểu ra máu toàn dòng). Trường hợp nặng hơn, trẻ than mệt, khó thở, nhức đầu nôn ói, hay co giật do cao huyết áp.

Bác sĩ Tiến khuyến cáo, khi trẻ mắc bệnh này cần phải điều trị sớm để tránh nặng hơn dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng chức năng thận. Sau điều trị trẻ cần ăn lạt, ăn thức ăn lỏng và dễ tiêu, uống thuốc theo đơn của bác sĩ và cần được theo dõi cân nặng, huyết áp.Để phòng bệnh cho con, cha mẹ cần:

- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng giúp con nâng cao thể trạng.

- Tích cực điều trị các ổ nhiễm trùng sớm nhất là tai mũi họng, viêm mủ da.

- Rửa tay thường xuyên, vệ sinh cá nhân, nhất là vệ sinh răng miệng và da hàng ngày.

- Nâng cao thể trạng, sức đề kháng.

- Tránh nhiễm lạnh khi thời tiết thay đổi.

* Tên bệnh nhi trong bài đã được thay đổi. 

Cậu bé suốt 9 năm là học sinh giỏi bỗng trượt dốc, biết nguyên nhân cha mẹ hối hận vì nhiều lần mắng oan con
Từ một học sinh giỏi nhiều năm liền, Nam dần học kém, học không tập trung làm cha mẹ buồn lòng. Cha mẹ nam sinh ban đầu không hề biết con trai đang...

Các bệnh ở trẻ em

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh thận