Bé trai 4 tuổi chưa nói sõi vì thường xuyên được "nịnh" ăn, hễ quấy khóc là phụ huynh cho xem điện thoại

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 17/02/2025 16:28 PM (GMT+7)

Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ nếu phát hiện sớm và can thiệp kịp thời sẽ mang lại hiệu quả rất khả quan, ngược lại nếu chủ quan không đưa trẻ đi khám sớm sẽ ảnh hưởng lớn đến tương lai trẻ.

Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ vì tiếp cận tivi, điện thoại sớm

Ths.BS Đỗ Thùy Dung (Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, mới tiếp nhận một bé trai 4 tuổi, đến khám do bị chậm nói. Theo chia sẻ của gia đình, bé là con thứ nhất trong gia đình, sinh non ở tuần 36, với cân nặng 2,6kg.

Hiện bé đang sống cùng bố mẹ và ông bà, tuy nhiên thời gian sống chủ yếu với ông bà vì mẹ làm công nhân, bố đi làm ăn xa. Gia đình cũng thừa nhận, trẻ tiếp xúc với thiết bị điện tử (tivi và điện thoại) từ sớm, cụ thể khi ăn, ngồi chơi hay quấy khóc là lại được dỗ dành bằng cách cho xem tivi, điện thoại.

Khi trẻ được 15 tháng mới biết đi, nhưng chưa nói được từ nào. Trẻ 2 tuổi nói được ít từ đơn, chưa nói được từ ghép, vốn từ hạn chế và đôi khi không nói gì trong một thời gian dài. Thậm chí, có thời điểm trẻ nói nhưng không rõ nghĩa, không hiểu trẻ đang nói gì và thường xuyên nói bị sót âm.

Việc trẻ tiếp cận với thiết bị điện tử sớm, thời gian tiếp cận lâu sẽ tăng nguy cơ rối loạn phát triển ngôn ngữ. Ảnh minh họa.

Việc trẻ tiếp cận với thiết bị điện tử sớm, thời gian tiếp cận lâu sẽ tăng nguy cơ rối loạn phát triển ngôn ngữ. Ảnh minh họa. 

Trong cuộc sống hàng ngày, trẻ vẫn tương tác cùng ông bà và bố mẹ, chơi đồ chơi đa dạng, có chơi cùng bạn, anh lớn tuổi hơn, có thể ngồi lâu để chơi, biết vẫy tay chào, gật lắc, biết cáu giận hoặc ăn vạ khóc lóc khi không được đáp ứng nhu cầu.

Trẻ nhớ và chỉ được màu sắc, con vật đúng khi được dạy, nhưng không tự nói khi được hỏi lại, tự xúc cơm, ra hiệu khi buồn đi vệ sinh, sai được việc đơn giản. Tuy nhiên, do 4 tuổi nhưng thấy con chậm ngôn ngữ hơn các bạn nên mẹ đưa đi khám và kiểm tra.

Qua thăm khám, kiểm tra và đánh giá tâm lý, tâm thần các bác sĩ chẩn đoán sơ bộ cần phải theo dõi rối loạn ngôn ngữ diễn đạt. Chẩn đoán phân biệt trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ, chậm phát triển tâm thần, rối loạn tặng động giảm chú ý. Hiện trẻ đang được trị liệu ngôn ngữ và can thiệp tâm lý như giáo dục tư vấn gia đình, quản lý hành vi.

Không can thiệp sớm sẽ ảnh hưởng đến tương lai của trẻ

TS.BS Vũ Sơn Tùng, Trưởng phòng Sức khỏe tâm thần trẻ em và vị thành niên (Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ em là một tình trạng chậm trễ trong việc đạt được mốc phát triển về ngôn ngữ. Trẻ có thể gặp khó khăn trong việc hiểu lời nói, phản ứng lại với lời nói của người khác, chậm nói, không ghép được các từ thành câu, vốn từ ít, diễn đạt câu vụng về. “Thông thường, một trẻ được coi là chậm nói khi tới 2 tuổi vẫn chưa nói được khoảng 50 từ đơn hoặc chưa nói được từ ghép (câu 2 từ)”, bác sĩ Tùng cho hay.

Theo bác sĩ Tùng, nguyên nhân chậm phát triển ngôn ngữ của trẻ thường là do bất thường giải phẫu, giác quan; bị tổn thương hệ thần kinh trung ương; rối loạn phổ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ; thiếu hụt sự chăm sóc và bỏ bê từ gia đình….

Bác sĩ Tùng cho biết, trẻ 2 tuổi không nói được 50 từ đơn hoặc không nói được từ ghép thì được cho là bị chậm nói.

Bác sĩ Tùng cho biết, trẻ 2 tuổi không nói được 50 từ đơn hoặc không nói được từ ghép thì được cho là bị chậm nói. 

Ngoài ra, bác sĩ Tùng cũng chỉ ra, một số yếu tố nguy cơ dẫn tới chậm phát triển ngôn ngữ của trẻ, đó là: Yếu tố gia đình; xem tivi, điện thoại quá nhiều hơn 2 giờ/ngày ở trẻ từ 1-3 tuổi cũng làm tăng nguy cơ chậm nói; Trẻ nam có tỷ lệ mắc các rối loạn ngôn ngữ cao hơn đáng kể so với nữ…

Một số biểu hiện chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhỏ, bố mẹ cần đặc biệt lưu ý như sau:

- 0-6 tháng tuổi: Trẻ không giao tiếp bằng mắt với những người xung quanh. Không nhìn theo hay có bất kỳ phản ứng gì khi được gọi tên. Khi nghe âm thanh từ các đồ vật, trẻ không có phản ứng quay về hướng các đồ vật đó.

- 6-12 tháng tuổi: Trẻ không hứng thú, không phản ứng khi chơi ú òa hoặc những trò chơi tương tự. Không giao tiếp với mọi người xung quanh bằng từ ngữ, âm thanh, cử chỉ, thậm chí khi trẻ cần giúp đỡ như chỉ tay hoặc vẫy tay tạm biệt, Có vấn đề trong việc bắt chước âm thanh.

- 12-18 tháng tuổi: Trẻ không đáp lại khi được gọi tên hay không có những phản hồi trước các câu hỏi quen thuộc hàng ngày. Trẻ không nói được khoảng vài từ đơn.

- 2 tuổi: Trẻ không thể nói khoảng 50 từ đơn khác nhau, không thể ghép 2 – 3 từ đơn. Trẻ chỉ có thể lặp lại từ của người khác mà không thể tự nói ra từ mình muốn không thể làm theo những chỉ dẫn đơn giản. Trẻ cũng không phản ứng hay đáp lại những yêu cầu, câu hỏi thường ngày.

- 3 tuổi: Trẻ không thể kết hợp từ thành cụm từ, tạo câu dài như “Mẹ giúp con với”; không đáp lại những yêu cầu hay trả lời những câu hỏi dài; không tự đặt câu hỏi; không sử dụng được ít nhất 200 từ; Không yêu cầu mọi thứ theo tên, mọi người xung quanh không hiểu được trẻ nói.

Việc can thiệp trẻ chậm nói càng sớm sẽ càng đạt hiệu quả cao. Ảnh minh họa.

Việc can thiệp trẻ chậm nói càng sớm sẽ càng đạt hiệu quả cao. Ảnh minh họa. 

Bác sĩ Tùng cảnh báo, trẻ chậm phát triển ngôn ngữ nếu không được can thiệp sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và tương lai sau này. Điển hình như có đến hơn 60% trẻ em bị chậm nói và ngôn ngữ không bắt kịp hoàn toàn với các bạn cùng lứa tuổi, gặp khó khăn về đọc và đánh vần cao gấp 6 lần và khó khăn về tính toán cao gấp 4 lần.

Sau này trẻ sẽ thiếu kỹ năng giao tiếp, cô lập xã hội, tự ti và lo lắng trong các tình huống. Khó khăn trong việc kết bạn và duy trì các mối quan hệ, trẻ có thể gặp khó khăn trong đọc, viết và toán, kết quả học tập cũng bị ảnh hưởng. Những tác động này có thể kéo dài sang tuổi trưởng thành, và thể gặp vấn đề trong học tập và giao tiếp xã hội suốt đời …

Khi phát hiện bất thường về phát triển ngôn ngữ, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám càng sớm, càng tốt. Ở trẻ từ 0-3 tuổi có thể giúp cải thiện, sớm đạt các mốc phát triển ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp. Đồng thời giảm bớt các vấn đề liên quan đến cảm xúc và nhận thức, xã hội…

Việc can thiệp sớm sẽ tăng khả năng học tập và phát triển kỹ năng, giảm tỷ lệ mắc các khuyết tật học tập về đọc, viết, toán học lên đến 25% so với những trẻ không được hỗ trợ kịp thời. Đồng thời, giúp trẻ tăng cơ hội hòa nhập cộng đồng, cải thiện hành vi và tiết kiệm chi phí cho gia đình”, bác sĩ Tùng cho biết.

Gạo trắng và gạo lứt loại nào tốt hơn? Cứ 10 người thì có đến 9 người trả lời sai
Gạo là lương thực được sử dụng để cung cấp tinh bột cho cơ thể, quá trình sử dụng nhiều người đặt câu hỏi: Giữa gạo trắng và gạo lứt loại nào tốt, nên...

Trắc nghiệm Sức khỏe

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]17/02/2025 15:18 PM(GMT+7)

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức sức khỏe