Cha mẹ nên tìm hiểu, quan sát con và có biện pháp ngăn chặn để tránh dậy thì quá sớm.
Một bà mẹ Trung Quốc cho biết, do dịch COVID-19, con trai lớp 3 (8 tuổi) của chị chủ yếu ở nhà từ đầu năm. Chế độ dinh dưỡng tốt, được cha mẹ chăm sóc khiến cậu bé mập mạp hơn. Vài ngày gần đây, người mẹ phát hiện giọng cậu bé hơi ồm ồm. Ban đầu, chị nghĩ con cảm cúm. Tuy nhiên, sau đó chị phát hiện ra cằm con có một vài sợi râu lún phún mọc. Khi đưa con đi khám, chị được bác sĩ cho biết là con đang dậy thì. Đây được đánh giá là một trường hợp dậy thì sớm.
Cần lưu tâm tới trẻ ở giai đoạn chớm dậy thì. (Ảnh minh họa).
Giáo sư Trình Hân Nhiên thuộc Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em Thành Đô (Trung Quốc) cho biết, hiện nay nhiều bé trai 9 -10 tuổi bắt đầu thay đổi giọng nói, yết hầu nhô lên, râu dài ra, kích thước dương vật, tinh hoàn tăng trưởng, màu sắc nếp gấp da bìu đậm hơn, trẻ mọc lông nách, lông chân nhiều hơn. Nhiều bé trai tuổi này đã cương cứng dương vật, thậm chí cơ thể đã sản xuất tinh trùng. Đây đều là các dấu hiệu dậy thì sớm ở trẻ nam. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ nếu không lưu tâm có thể không nhận ra điều đó.
Khác với các bé gái gần gũi cha mẹ, hoặc do đặc tính giới khiến bé gái được quan tâm hơn về tâm sinh lý, bé trai thường ngại ngùng, che giấu bằng việc tự mình thay, giặt quần áo, khiến bố mẹ khó phát hiện ra. Giáo sư Trình Hân Nhiên khuyên các bậc cha mẹ "nên tinh tế để ý các dấu hiệu của trẻ, nhằm phát hiện dấu hiệu con dậy thì sớm".
Vậy làm thế nào để phát hiện ra trẻ dậy thì sớm? Theo vị giáo sư, có ba điểm cần lưu ý, đó là:
Yếu tố chiều cao, cân nặng: Bé trai thường dậy thì ở độ tuổi 12-15 tuổi, tuy nhiên hiện nay nhiều trường hợp 8-9 tuổi đã bắt đầu phát triển. Khi trẻ dậy thì quá sớm, trẻ dễ có nguy cơ bị lùn. Theo các chuyên gia, bé trai dậy thì sớm có thể bị lùn khoảng 12-20 cm so với các bạn đồng trang lứa dậy thì muộn hơn, trong khi với bé gái, con số này là 8-10 cm.
Để bám sát sự phát triển của trẻ, cha mẹ nên lưu tâm đến kết quả khám sức khỏe định kỳ tại trường học, bao gồm các thông số cân nặng, chiều cao. Đừng bàng quan nếu chiều cao của trẻ không đạt chuẩn, hoặc cao vượt mức. Trong trường hợp trẻ cao vọt lên so với các bạn đồng trang lứa và "bị" cô xếp xuống cuối hàng, thậm chí cao vọt lên 6-8 cm chỉ trong khoảng 1 năm, đây là dấu hiệu trẻ đang dậy thì.
Yếu tố cân nặng: Đây là một trong những yếu tố được xem xét đến trong việc đánh giá quá trình dậy thì của trẻ. Nhiều gia đình cho con ăn uống dinh dưỡng tốt, trẻ lại ham ăn, khiến cân nặng tăng nhanh, điều này cũng có thể liên quan đến việc trẻ dậy thì sớm.
Trẻ trai và gái có độ tuổi dậy thì khác nhau. (Ảnh minh họa).
Xem xét sự phát triển các bộ phận cơ thể:
Thông thường, bé gái 10 tuổi bắt đầu có ngực, 12-14 tuổi có thể có kinh nguyệt. Với bé trai, 10 tuổi có thể giọng nói đã thay đổi, lông nách mọc, dương vật thay đổi kích thước... Tuy nhiên, nếu trẻ có các dấu hiệu này trước các mốc tuổi trên, tức là trẻ dậy thì sớm. Cha mẹ nên tinh ý quan sát để nắm được tình trạng của trẻ. Trong trường hợp nhận thấy dấu hiệu rõ rệt, nên đưa bé đến các bệnh viện nhi khoa, hoặc khoa nội tiết trẻ em để được thăm khám và đánh giá chuyên môn, từ đó có hướng hỗ trợ trẻ.
Yếu tố tâm sinh lý:
Giai đoạn dậy thì đánh dấu sự chuyển mình của trẻ. Nếu trẻ trước đây quấn quýt bố mẹ, thì sau giai đoạn này, chúng bắt đầu trở nên độc lập hơn, dễ tách bản thân ra khỏi gia đình và thu vào thế giới riêng. Trẻ cũng quan tâm đến hình ảnh của bản thân, tò mò về giới tính, thích làm đẹp, chăm chút cho ngoại hình... hơn. Cha mẹ cần hết sức tinh tế và khéo léo trong giai đoạn này để ứng xử với trẻ, tránh gây ra cho con sự xấu hổ, ngại ngần. Bạn nên đưa ra cho trẻ lời khuyên, chia sẻ với trẻ những kinh nghiệm để tự chăm sóc bản thân, hoặc mua sách báo để trẻ đọc và tự tìm hiểu.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo các cha mẹ nên chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe trẻ theo kim tự tháp thực phẩm, hạn chế tối đa đường và dầu, ăn ít đồ ăn vặt... Mùa xuân và hè là giai đoạn quan trọng để phát triển thể chất, chiều cao, vì thế bạn nên cho trẻ tăng cường vận động, tập thể dục, cơ thể khỏe khoắn hơn.