Bé trai 9 tuổi nặng gần 100kg, mắc căn bệnh không chữa khỏi vì mẹ nuông chiều trong ăn uống

Ngày 11/07/2019 00:08 AM (GMT+7)

Vì chiều theo sở thích, người mẹ đã đáp ứng mọi nhu cầu ăn uống khiến cân nặng của con trai lên đến gần 100kg và vô tình khiến con mắc bệnh.

Bé trai 9 tuổi nặng gần 100kg, mắc căn bệnh không chữa khỏi vì mẹ nuông chiều trong ăn uống - 1

Con mắc bệnh vì bố mẹ nuông chiều trong ăn uống

Theo nhận định của các chuyên gia đầu ngành về đái tháo đường, hiện nay dù chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng số trẻ bị mắc đái tháo đường cả ở type 1 và type 2 đang có xu hướng gia tăng.

PGS Tạ Văn Bình – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Đái tháo đường Việt Nam cho biết, qua quá trình khám chữa bệnh ông đã gặp những trẻ mới 9 tuổi đã mắc đái tháo đường type 2. “Đây là trường hợp trẻ tuổi nhất mà tôi từng gặp và đang điều trị”, PGS Bình nói.

Theo chia sẻ của PGS Bình, trường hợp này là một bé trai mới 9 tuổi, ở Hà Nội. Từ khi sinh ra bé trai này đã được bố mẹ nuông chiều nhất là trong vấn đề ăn uống, sinh hoạt. Bất cứ khi trẻ thích ăn đồ gì là bố mẹ chiều theo thứ đó, do đặc tính của trẻ nên đa số loại đồ ăn, thức uống ưa thích của bé trai này là bánh kẹo, nước ngọt, đồ ăn nhanh...

Bé trai 9 tuổi nặng gần 100kg, mắc căn bệnh không chữa khỏi vì mẹ nuông chiều trong ăn uống - 2

Ăn nhiều đồ ăn nhanh, thức ăn nhiều năng lượng dẫn đến thừa cân, béo phì và gây nguy cơ mắc tiểu đường.

Mẹ cháu bé chia sẻ với bác sĩ rằng, khi được 2 tuổi con chị đã được 20kg và cân nặng thì tăng lên theo từng năm. Đến thời điểm phát hiện ra bệnh (9 tuổi) thì cân nặng đã gần 100kg. Về sinh hoạt hàng ngày cháu rất ít vận động, chỉ ở nhà với bà và mỗi khi học bài cháu đều có đủ các loại đồ ăn bên cạnh.

Thời gian gần đây, khi thấy con có dấu hiệu mệt mỏi, người đuối sức... gia đình mới đưa con đi khám. Trực tiếp khám cho bé trai này, PGS Bình cho biết thời điểm tiếp nhận trẻ và cho thử đường huyết (lúc đói) lên tới 15 mmol/l. Ngay sau đó cháu bé được chẩn đoán mắc tiểu đường type 2 và thực hiện chế độ ăn kiêng, giảm cân, kết hợp với tập luyện thể dục thể thao.

Theo PGS Bình, suốt quá trình điều trị, trẻ phải được theo dõi đường huyết hàng ngày. Duy trì cân nặng hợp lý, tránh tăng cân. Sau mấy năm điều trị và theo dõi, hiện trẻ đã không phải tiêm insulin hỗ trợ. Việc điều trị và theo dõi biến chứng cho bé sẽ phải kéo dài suốt đời.

Từ trường hợp bệnh nhi trên, PGS Bình cảnh báo một vấn đề đang rất đáng báo động chính là việc nuôi con theo sở thích của trẻ và tâm lý sợ con còi hơn các bạn cùng trang lứa nên tập trung “vỗ béo” bằng mọi giá, từ đó dẫn đến hệ lụy khủng khiếp đến sức khỏe.

Bé trai 9 tuổi nặng gần 100kg, mắc căn bệnh không chữa khỏi vì mẹ nuông chiều trong ăn uống - 3

Người trẻ mắc tiểu đường type 2 chủ yếu là những trường hợp thừa cân béo phì.

Dinh dưỡng không hợp lý là nguyên nhân dẫn đến đái tháo đường

TS.BS Lê Quang Toàn, trưởng khoa Đái tháo đường (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho biết nguyên nhân gây đái tháo đường type 1 và type 2 là do tác động của yếu tố di truyền và thói quen sinh hoạt trong đời sống hàng ngày gây nên.

Về yếu tố di truyền, nếu một đứa trẻ sinh ra từ bố và mẹ mắc đái tháo đường thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn từ 7 – 20 lần so với đứa trẻ sinh ra từ bố hoặc mẹ bình thường.

Bé trai 9 tuổi nặng gần 100kg, mắc căn bệnh không chữa khỏi vì mẹ nuông chiều trong ăn uống - 4

TS Toàn nhấn mạnh đến yếu tố di truyền và dinh dưỡng khiến trẻ mắc đái tháo đường.

Tuy nhiên, số lượng trẻ em sinh ra từ bố mẹ bị đái tháo đường chỉ chiếm 10%, còn 90% là xuất hiện rải rác trong dân số, nguyên nhân là do yếu tố gen (10%), số còn lại là do nhiều yếu tố tác động đến. “Dù chưa có nghiên cứu chính thức nào, nhưng nhiều giả thiết cũng đưa ra mối liên quan trẻ mắc bệnh sởi, quai bị, rubella với đái tháo đường”, TS Toàn thông tin.

Về nguyên nhân do tác động bởi đời sống hàng ngày, TS Toàn nhấn mạnh đến yếu tố dinh dưỡng. Theo đó, ở Việt Nam đái tháo đường type 2 hay xuất hiện ở những trẻ thừa cân, béo phì, ít vận động thể lực. Nếu như trước đây (trước 2013), tỉ lệ thừa cân, béo phì chỉ chiếm trung bình chưa đến 5% (một số thành phố lớn có tỉ lệ cao hơn) thì hiện nay con số này đã tăng lên đáng kể.

Tỉ lệ thừa cân béo, béo phì ở trẻ tăng lên cũng đồng nghĩa với việc nhiều trẻ có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Chính vì lý do đó, việc kiểm tra sức khỏe khi có yếu tố nguy cơ như: trẻ sinh ra từ bố mẹ mắc tiểu đường, trẻ sinh ra từ mẹ mẹ bị tiểu đường thai kỳ hoặc trẻ có bị thừa cân, béo phì ...có ý nghĩa quan trong trong việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời căn bệnh này.

Căn bệnh nếu mắc là điều trị suốt đời đang tấn công trẻ nhỏ nhưng nhiều mẹ vẫn chủ quan
Nhiều người vẫn nghĩ, tiểu đường là căn bệnh chỉ có người trưởng thành mới mắc phải, tuy nhiên hiện nay số trẻ mắc tiểu đường đang ngày càng có xu...
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh tiểu đường.