Cảm nhận được các y bác sĩ, nhất là bác sĩ Chính đã yêu thương, chăm sóc, hết lòng cứu chữa mình khi bị tai nạn giao thông, Nhi quyết tâm phải học ngành Y, để được làm công việc cứu người.
Vụ tai nạn khi đi học về của bé gái lớp 6 khiến ai cũng khóc khi nhớ lại
Những ngày qua, câu chuyện cô gái tên Nguyễn Anh Nhi (từng trải qua 27 ca phẫu thuật lớn nhỏ do bị xe tải cán qua bụng vào năm 2011 trên đường đi học về) trở thành bác sĩ tại Trung tâm huyết học - Truyền Máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa được nhiều người chia sẻ, bày tỏ sự ngưỡng mộ. Có người còn cho biết, đến giờ, họ vẫn còn nhớ câu chuyện mà Nhi phải trải qua.
Vụ tai nạn xảy ra khiến thành bụng của Nhi bị dập nát, mất nửa số tạng. Nghe báo tin, bố mẹ Nhi nhanh chóng đến hiện trường. Nhìn con gái thoi thóp nằm trên vũng máu, họ chết lặng. “Lúc ấy, chúng tôi chỉ mong có một phép màu sẽ đến với con”, chị Phạm Thị Ngọc - mẹ bác sĩ Nhi nhớ lại.
Bác sĩ Nhi khi bị tai nạn trước đây. Ảnh: BVCC.
Sau khi đến bệnh viện địa phương cấp cứu, Nhi nhanh chóng được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội). Các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhi bị dập và mất toàn bộ tổ chức thành bụng, đại tràng và ruột non tổn thương trên nhiều đoạn, mất rất nhiều máu trong ổ bụng.
Trực tiếp điều trị cho bệnh nhi, PGS.TS.BS Nguyễn Đức Chính, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn, đánh giá đây là ca không phải cực kỳ nguy hiểm nhưng phức tạp vì bệnh nhi gầy, nhỏ, có nhiều tổn thương cần xử lý cùng lúc. Điều này khiến các y bác sĩ trăn trở.
Cuối cùng, bác sĩ Chính và các đồng nghiệp vẫn quyết định phẫu thuật cứu bệnh nhi. Ca phẫu thuật đầu tiên cứu Nhi được thực hiện xuyên đêm để xử lý hàng loạt các vết thương, cắt toàn bộ đại tràng, một phần bàng quang, niệu quản... Sau phẫu thuật, sức khỏe Nhi hồi phục nhanh nhưng phải đặt miếng gạc thay thành bụng để che tạm các nội tạng.
Những ngày sau đó, thành bụng của Nhi bị hoại tử, phải cắt bỏ, bàng quang rò dịch, rò nước tiểu ra ổ bụng. Các bác sĩ phải thực hiện tổng cộng thêm 26 ca phẫu thuật lớn nhỏ nữa để cứu Nhi. Trong đó, ca khó nhất là phẫu thuật đưa ruột xuống nối ống hậu môn để Nhi không phải đeo hậu môn nhân tạo.
Nhi và bố mẹ chụp ảnh cũng các y bác sĩ trong khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn. Ảnh: BVCC.
Bác sĩ Chính cho biết, tất cả các ca phẫu thuật cho nhi đều khó khăn, phải tính toán kỹ từng đường kim mũi chỉ để đảm bảo không có sai sót xảy ra. Nhờ sự nỗ lực của các y bác sĩ, ý chí sống kiên cường của Nhi, tất cả đều thuận lợi.
“Mẹ luôn động viên tôi cố gắng sẽ được trời thương”
Trao đổi với chúng tôi, Nhi cho biết hiện sức khỏe đã ổn định, cô cũng đã tăng cân trở lại, chỉ thỉnh thoảng phải đi kiểm tra định kỳ theo chỉ định. “Tôi ăn uống bình thường, chỉ không thể chạy nhảy, hoạt động mạnh như người thường được. Dù sức khỏe có yếu hơn mọi người, tôi có thể cố gắng nhiều hơn nữa”, Nhi chia sẻ.
Kể về khoảng thời gian phải trải qua 27 ca phẫu thuật, Nhi cho biết, từ khi xảy ra tai nạn đến khi có sức khỏe như hiện nay, cô đã phải mất hơn 8 năm đi lại giữa Thanh Hóa và Hà Nội để thăm khám, phẫu thuật.
Suốt những năm đó, vợ chồng chị Ngọc phải nghỉ việc, thay phiên nhau chăm sóc, theo dõi sức khỏe của con. Chi phí điều trị cho các ca phẫu thuật khó của con lớn, trong khi thu nhập không đủ, họ phải đi vay của họ hàng, bạn bè để trang trải. Sau đó, hai vợ chồng phải làm việc cật lực để trả nợ, lo lắng cho con. Nhưng trong hành trình giúp con gái trở thành người khỏe mạnh, họ chưa bao giờ than vãn hay tỏ ra buồn, thiếu ý chí với con.
Nhi chụp ảnh cũng bố mẹ và em gái trong ngày nhận bằng tốt nghiệp ở trường Y. Ảnh: BSCC.
“Lần nào tôi tỉnh dậy sau ca phẫu thuật, bố mẹ cũng mỉm cười với tôi. Thấy tôi nhăn mặt vì đau, mẹ ôm tôi vào lòng, nói: “cố gắng lên con. Con cố gắng, ông trời thấy sẽ thương”. Bố mẹ còn hay nói: “con gái bị bệnh sẽ phải thiệt thòi hơn các bạn, nhưng bố mẹ sẽ yêu thương con nhiều hơn””, Nhi nhớ lại.
Quyết tâm vào trường Y vì biết ơn các y bác sĩ đã điều trị cho mình
Nhi cho biết, trong suốt những năm cô phải điều trị ở bệnh viện, ngoài bố mẹ, người thân còn có tình yêu thương, cứu chữa, chăm sóc của các y bác sĩ ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nhất là PGS.TS.BS Nguyễn Đức Chính. “Tôi như “con cưng” ở khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn”, Nhi kể.
Theo Nhi, bác sĩ Chính là một người không chỉ giỏi chuyên môn mà còn rất tốt, thường xuyên giúp đỡ, thăm hỏi cô. “Khi tôi đến ngày phải phẫu thuật, bác sĩ đã cùng các đồng nghiệp tính toán, lên phác đồ, hội chẩn rất kỹ, làm sao để ca mổ của tôi thành công mà không có biến chứng xảy ra nhất. Sau ca mổ, ngày nào bác ấy cũng đến giường bệnh của tôi động viên, hỏi thăm tình hình sức khỏe, ăn uống ra sao. Những ngày lễ Tết, Trung thu, Tết thiếu nhi nào bác cũng mua quà cho tôi”, Nhi chia sẻ và cho biết, chính những điều này đã thôi thúc cô nuôi ước mơ trở thành bác sĩ.
Bác sĩ Nhi (từ trái sang) trong lúc nhận bằng tốt nghiệp trường Y. Ảnh: BSCC.
Sau một năm điều trị bệnh, từ một bé gái có cân nặng hơn 30kg, Nhi chỉ còn 17kg, đi lại rất yếu, phải mang hậu môn nhân tạo, dây nhợ đầy mình nhưng Nhi vẫn muốn được đi học. Nhiều người khuyên vợ chồng chị Ngọc, con ốm yếu, nên để ở nhà. Nhưng nhìn thấy con gái buồn khi đã nghỉ học 1 năm, giờ sẽ phải học chậm hơn các bạn, vợ chồng chị không đành lòng. Họ quyết tâm đưa con trở lại trường, dù lòng rối bời và cả hai phải thay phiên nhau bế con đến trường, bế vào lớp học, canh thời gian giúp con xử lý hậu môn nhân tạo. “Hành trình giúp con đi học gian nan lắm, nhưng thấy con vui khi được đến trường là vợ chồng tôi quên hết”, chị Ngọc chia sẻ.
Như cảm nhận được những vất vả của bố mẹ, Nhi luôn đạt thành tích tốt trong việc học. Tháng 8/2019, cô nhận được kết quả trúng tuyển vào chuyên ngành Xét nghiệm, Đại học Y Hà Nội. Người đầu tiên cô báo tin là bố mẹ, kế đến là bác sĩ Chính. “Lúc đó, bác Chính nói với tôi, học Y vất vả, với sức khỏe của cháu thì càng vất vả hơn. Nhưng nếu chịu khó, chăm chỉ học thì điều gì cháu cũng chinh phục được”, Nhi nhớ lại. Chính câu nói này, kèm những lời động viên của bố mẹ, cũng như sự giúp đỡ của các thầy cô, bạn bè ở trường Y đã giúp Nhi hoàn thành tốt 4 năm đại học.
Cô cũng cho biết, việc lựa chọn chuyên ngành xét nghiệm mà mình đang theo cũng là nhờ những lần được trò chuyện, động viên của bác sĩ Chính. Bản thân cô cũng nhận ra, là bác sĩ không nhất thiết phải khám, cầm dao mổ hay ra y lệnh mà thực hiện khâu xét nghiệm máu, nước tiểu đúng, cho kết quả chính xác cũng giúp người bệnh được chẩn đoán đúng bệnh, điều trị đúng.
Hiện bác sĩ Nhi đã tăng cân, sức khỏe hoàn toàn bình thường. Ảnh: BSCC.
Năm 2023 Nhi được đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa thực hành và để được cấp chứng chỉ hành nghề. Hiện, cô đang cố gắng từng ngày, hoàn thành tốt công việc được giao để được tuyển vào bệnh viện làm việc chính thức. “Nếu được trở thành nhân viên chính thức, tôi sẽ cố gắng hết mình”, Nhi nói.
Nữ bác sĩ trẻ cũng dự tính, khoảng 2 năm nữa, khi công việc ổn định hơn sẽ tiếp tục học lên cao để có chuyên môn tốt, có thể giúp ích được cho nhiều người. “Tôi được như hôm nay là nhờ bố mẹ, các y bác sĩ, các thầy cô giáo và các bạn. Tôi sẽ cần phải làm việc chăm chỉ, sống vui vẻ, khỏe mạnh để đáp lại tình cảm đó”, Nhi nói bằng lòng biết ơn.