Hiện ngày càng có nhiều người trẻ tuổi bị đột quỵ, chính việc chủ quan không điều trị kịp thời là nguyên nhân khiến nhiều người tử vong hoặc để lại biến chứng nặng nề.
Tối ngày 29/12, thông tin ca sĩ Vân Quang Long (tên thật là Lê Quang Hiển, quê Đồng Tháp) qua đời vì đột quỵ khiến nhiều người hâm mộ bàng hoàng. Thông tin trên báo chí, ca sĩ Quách Tuấn Du chia sẻ: "Tôi vừa nhận được tin từ bầu Đệ bên Mỹ. Anh ấy kể cách đây vài tiếng Vân Quang Long đi ăn với gia đình về, thấy mệt nhưng vẫn đi tắm, không ngờ ra đi ngay sau đó".
Ca sĩ Vân Quang Long năm nay 41 tuổi, được biết đến là cựu thành viên nhóm 1088 cùng Điền Thái Toàn, Nhất Thiên Bảo, Nhật Tinh Anh và Ưng Hoàng Phúc. Khi nhóm tan rã, Vân Quang Long vẫn hoạt động nghệ thuật với vai trò của một ca sĩ solo. Anh sở hữu nhiều ca khúc đình đám như: Bởi tin lời thề, Thế giới không hoàn hảo... và là thần tượng của không ít người cuối những năm 90, đầu những năm 2000.
Ca sĩ Vân Quang Long qua đời khi còn rất trẻ do đột quỵ.
Trước ca sĩ Vân Quang Long, nghệ sĩ hài Chí Tài cũng mới qua đời vì đột quỵ khiến không ít người xót xa. Các chuyên gia cho biết, đột quỵ có thể xảy ra với bất kể ai, đặc biệt là những người có nguy cơ cao như mắc các bệnh tim mạch, huyết áp. Điều đáng nói, tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ hiện ngày càng gia tăng, thậm chí có những trường hợp mới chỉ hơn 20 tuổi đã bị đột quỵ.
PGS.TS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, tại Bệnh viện Bạch Mai bệnh nhân trẻ bị đột quỵ chiếm gần 10% số bệnh nhân đột quỵ nói chung tại Trung tâm. Đây là con số không nhỏ và có xu hướng ngày càng gia tăng.
Điều đáng cảnh báo là số người trẻ dù có dấu hiệu của bệnh đột quỵ nhưng lại chủ quan và luôn có suy nghĩ, trẻ không thể bị đột quỵ, nên khi đến viện đã làm mất đi cơ hội vàng để phục hồi và để lại hệ lụy đáng tiếc về sức khỏe, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Về nguyên nhân khiến người trẻ mắc bệnh đột quỵ, PGS Mai Duy Tôn cho biết người trẻ tuổi mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, tăng mỡ máu, hút thuốc, lối sống ít vận động, không lành mạnh, làm việc căng thẳng… dễ mắc bệnh đột quỵ.
Để nhận biết dấu hiệu đột quỵ ở người trẻ, PGS Mai Duy Tôn khuyến cáo, khi xuất hiện các triệu chứng sau, những người trẻ tuổi cần nghĩ đến bệnh đột quỵ. Đó là:
- Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể - nửa người).
- Đột ngột không nói được, giọng nói bị méo hoặc bệnh nhân bị nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói.
- Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt; đột ngột đau đầu dữ dội.
- Chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn…
“Khi xuất hiện triệu chứng trên, thậm chí không rõ ràng cần lập tức gọi cấp cứu 115, vận chuyển an toàn tới bệnh viện gần nhất tìm cơ hội điều trị trong "giờ vàng" để cứu não. "Giờ vàng" để cứu người bệnh là từ 3-6 giờ đầu sau khi khởi phát cơn đột quỵ”, PGS Tôn nói.
Khi có các dấu hiệu trên cần phải nhanh chóng gọi cấp cứu để đưa đến bệnh viện.
Đối với việc tắm muộn hay tắm khi mệt mỏi, các chuyên gia cho rằng đây không phải là nguyên nhân gây đột quỵ, nhưng lại là yếu tố nguy cơ làm tình trạng đột quỵ trở nên nhanh chóng hơn.
TS Võ Tường Kha - Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết, việc tắm khuya, tắm ngay sau khi tập thể dục thể thao hay hoạt động thể lực nặng là không nên. Bởi việc làm này sẽ làm cho tình trạng co mạch tuần hoàn ngoại vi tăng lên, làm cho lưu lượng tuần hoàn trung tâm tăng lên, gây co mạch tăng huyết áp dễ dẫn đến đột tử.
“Nguyên nhân đột tử thông thường liên quan đến các bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, hoạt động tim tăng lên, hoạt động não tăng lên nhưng ô xy thiếu nên dẫn đến đột tử. Hoặc thiếu oxy ở các tổ chức khác cũng gây nên tình trạng nguy hiểm sức khỏe.
Vì thế nếu có các bệnh tim, mạch, phổi mãn tính tiềm tàng dễ tái phát, gây đột tử khi trúng lạnh khi tập thể dục thể thao thời tiết lạnh hoặc tắm ngay sau khi tập thể dục thể thao, tắm muộn”, TS Võ Tường Kha cho hay.