Việc đứng bằng một chân giữ thăng bằng trong 20 giây không phải là cách nhận biết dấu hiệu đột quỵ, vì thế mọi người không quá lo lắng khi không giữ được thăng bằng trong vòng 20 giây.
Những ngày vừa qua thông tin nghệ sĩ Chí Tài qua đời vì đột quỵ khiến nhiều người hâm mộ bàng hoàng, xót thương. Cùng thời điểm đó trên mạng xã hội chia sẻ về thử thách của cố nghệ sĩ này về việc nếu giữ thăng bằng cơ thể không tới 20 giây sẽ tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ. Trong đoạn video chia sẻ, nghệ sĩ Chí Tài không đứng giữ thăng bằng được 20 giây.
Trước thông tin trên, đã có không ít người cũng đã thử tham gia thử thách này xem bản thân có tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ hay không. Thực tế, đột quỵ không còn là điều quá xa lạ đối với mọi người, thậm chí đột quỵ hiện còn ngày càng gia tăng và trẻ hóa.
Cố nghệ sĩ Chí Tài từng tham gia thử thách đứng một chân giữ thăng bằng.
Tuy nhiên, việc thử thách đứng một chân giữ thăng bàng có thể biết được nguy cơ đột quỵ, các chuyên gia Việt Nam đều cho rằng điều này là không chính xác. Bởi việc giữ được thăng bằng bao lâu không thể biết được nguy cơ đột quỵ của bản thân.
GS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam cho biết, việc nhắm mắt, đứng một chân để giữ thăng bằng trong vòng 20 giây không phải là dấu hiệu nhận biết nguy cơ đột quỵ. “Đây chỉ là một nghiên cứu tại Nhật Bản, đột quỵ có rất nhiều nguyên nhân, việc đứng một chân giữ thăng bằng trong vòng 20 giây không có giá trị trong chẩn đoán nguy cơ đột quỵ”, GS Thông cho biết.
Được biết, nghiên cứu đứng giữ thăng bằng một chân được nghiên cứu ở Nhật Bản trong một nhóm người nhỏ (1400 người) ở độ tuổi trên 67 tuổi. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc giữ thăng bằng với một chân không quá 20 giây có liên quan đến việc suy giảm nhận thức và các tổn thương ở não không triệu chứng do tổn thương mạch máu nhỏ.
GS Nguyễn Văn Thông cho rằng, thử thách đứng thăng bằng 20 giây không thể nhận biết nguy cơ đột quỵ.
Tuy nhiên, các tổn thương do mạch máu nhỏ này chưa thể xem là đột quỵ mà chỉ phản ánh tình trạng xơ vữa mạch máu nhỏ, rất thường gặp ở những người trên 60 tuổi nhất là có kèm theo bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp.
PGS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ cho biết, nguyên nhân đột quỵ liên quan đến nhiều yếu tố như bệnh tăng huyết áp, bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, béo phì, tăng mỡ máu, hút thuốc, lối sống ít vận động, không lành mạnh, làm việc căng thẳng…
Trong đó, tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây nên đột quỵ ở cả người trẻ và người cao tuổi. PGS Tôn cũng cho rằng, các dấu hiệu đột quỵ có thể nhận biết được đó là xuất hiện cảm giác tê hoặc yếu ở mặt, tay chân; đột ngột không nói được, giọng nói bị méo; chóng mặt, không thể vận động theo ý muốn…
Không chỉ người cao tuổi, hiện không ít người trẻ được phát hiện mắc đột quỵ.
Vị chuyên gia này cho biết thêm, theo thống kê có khoảng 1/3 các ca đột quỵ nhẹ, thoáng qua do thiếu máu não. Đây là tình trạng ngừng tạm thời việc cung cấp máu lên não. Các dấu hiệu như mất thị lực đột ngột, yếu một cánh tay hoặc chân trong ít phút có thể xuất hiện do các cơn thiếu máu não thoáng qua.
Sau đó khả năng vận động có thể sớm trở lại, điều này tạo nên cảm giác chủ quan cho người bệnh, tuy nhiên sẽ rất nguy hiểm nếu bỏ qua. Đây thường là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh lý đột quỵ não, mọi người tuyệt đối không nên chủ quan.