Các nhà nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh) cảnh báo rằng con bạn sẽ dần bị hạn chế các kỹ năng giao tiếp và xã hội, chậm chạp như một zombie nếu dành quá nhiều thời gian trước màn hình.
Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Oxford, ngày càng nhiều "trẻ em zombie" xuất hiện ở đất nước này. Chúng là những em bé dành thời gian trước màn hình gần 5 giờ mỗi ngày và dần ù lì, thờ ơ trước cuộc sống thực như một zombie – xác sống, một hình tượng kinh dị từng gây bão trong làng điện ảnh.
Trẻ sẽ bị "zombie" hóa nếu bạn để chúng nghiện các thiết bị công nghệ - ảnh: SHUTTERSTOCK
Nhóm nghiên cứu thống kê rằng mỗi trẻ em ở Anh chi tiêu trung bình từ 3 giờ đến 4 giờ 45 phút mỗi ngày cho màn hình, tranh thủ ngay cả khi chúng đang ở trường, khi đang học, giao tiếp, ăn uống hay chơi thể thao.
Càng sống với màn hình nhiều, trẻ càng dễ bị mất ngủ, béo phì, trở thành nạn nhân của các trò bắt nạt trên mạng. Trong đời sống hàng ngày, nhóm trẻ này cũng thường ù lì, mệt mỏi hơn vì các lý do trên, đồng thời mất đi các kỹ năng xã hội do thiếu các mối quan hệ và tình huống giao tiếp trực tiếp.
Nghiên cứu cũng chỉ ra trong năm 2000-2001, dữ liệu từ cuộc điều tra quốc gia về sử dụng thời gian ở Anh cho thấy trẻ 8-18 tuổi sử dụng trung bình 59 phút mỗi ngày cho màn hình. Thật đáng lo ngại khi con số này tăng gần 5 lần chỉ trong 15 năm.
Tính ra, một đứa trẻ hiện đại có thể mất đến một phần ba cuộc sống (trừ lúc ngủ) cho công nghệ.
Các chuyên gia cũng cảnh báo về "cơn cáu giận công nghệ" ở trẻ. Khi bị từ chối hoặc hạn chế sử dụng các thiết bị, nhiều đứa trẻ trở nên nóng giận, hỗn một cách bất thường so với tính cách vốn có. Thiết bị công nghệ khi đó trở thành một cơn nghiện nguy hiểm.
Vì vậy, nếu bạn không có biện pháp triệt để, bạn sẽ thấy con bạn ngày càng thờ ơ với mọi thứ, tính khí thất thường, sợ hãi và mất kết nối với xã hội, luôn mệt mỏi vật vờ không khác một zombie. Việc học tập, sức khỏe và các hoạt động sống khác đương nhiên bị ảnh hưởng.
Trước đó, một nghiên cứu ở Mỹ cũng chỉ ra rằng 5 giờ mỗi ngày cho các thiết bị công nghệ sẽ làm gia tăng nguy cơ trầm cảm ở thanh thiếu niên lên đến 71%.