Ca nghi nhiễm đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 ngày 17/2/2021 nhưng chưa được Bộ Y tế công bố.
Ngày 19/2, ông Phạm Văn Nam – Chủ tịch UBND xã Đồng Than (Yên Mỹ, Hưng Yên) cho biết, sau khi nhận được báo cáo nhanh của phòng y tế huyện về trường hợp nghi nhiễm COVID-19 của anh P.H.N (ở khu đô thị Việt Mỹ, Lai Cách, Cẩm Giàng, Hải Dương) là công nhân Công ty THNHH Fuji Bakelite Việt Nam ở khu công nghiệp Thăng Long II, Yên Mỹ, Hưng Yên, chính quyền địa phương đã rà soát được người tiếp xúc gần với anh N. là anh B.V.L., SN 1993, ở xã Đồng Than (Yên Mỹ, Hưng Yên).
Anh L. được xác định là F1 của anh N., làm cùng công ty với anh N. Hai người này ngồi với nhau có hút thuốc lào, chung một điếu cày. Sau khi công ty nhận được thông tin trường hợp tiếp xúc gần với anh N. ở Hải Dương trở thành F0 nên đã cho anh N. và anh L. nghỉ làm để tự cách ly tại nhà.
“Khi được nghỉ làm trở về địa phương, anh L. không tự giác khai báo, cố tình giấu dù chúng tôi tuyên truyền, vận động trên loa phát thanh nhiều lần. Đến khi chúng tôi nhận được thông tin của huyện gửi về mới biết được anh L. có tiếp xúc gần với anh N. nên đã cho người xuống rà soát, khai báo y tế và đưa đi cách ly tập trung từ hôm qua”, ông Nam nói.
Ông Nam cho biết thêm hiện chưa có kết quả xét nghiệm của anh L. Trong ngày hôm nay chính quyền sẽ tiếp tục rà soát các trường hợp liên quan tới anh L.
Liên quan tới ca nghi nhiễm làm việc tại Công ty TNHH Fuji Bakelite Việt Nam, ngày 18/2, UBND tỉnh Hưng Yên có Công văn hỏa tốc số 313/UBND-KGVX về việc khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch có nội dung như sau:
UBND tỉnh nhận được Báo cáo số 107/BC-BCĐ ngày 18/2/2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Yên Mỹ về ca nghi nhiễm (đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 ngày 17.2.2021 nhưng chưa được Bộ Y tế công bố, sau đây gọi là F0) là nhân viên Công ty TNHH Fuji Bakelite Việt Nam tại Khu Công nghiệp Thăng Long II.
Để nhanh chóng rà soát, xác minh và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch đối với tất cả các đối tượng có nguy cơ trên địa bàn tỉnh liên quan đến trường hợp trên, tuyệt đối không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu:
UBND huyện Yên Mỹ chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, các cơ quan, đơn vị có liên quan và Công ty TNHH Fuji Bakelite Việt Nam: Khẩn trương rà soát, xác minh F1, F2, F3 đối với trường hợp F0 trên; Tổ chức cách ly và quản lý chặt chẽ các đối tượng theo quy định. Thực hiện ngay việc khử trùng, tiêu độc tại tất cả các địa điểm có nguy cơ. Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức lấy mẫu xét nghiệm ngay tất cả các F1, F2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Chuẩn bị sẵn sàng các phương án phong tỏa cách ly, đảm bảo hậu cần và an ninh trật tự trên địa bàn khi cần thiết.
Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức lấy mẫu xét nghiệm ngay các trường hợp F1, F2.
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Hưng Yên, Báo Hưng Yên và hệ thống truyền thanh cơ sở tích cực thông tin đề nghị người lao động, người dân có tiếp xúc với F0 hoặc đến Công ty TNHH Fuji Bakelite Việt Nam vào ngày 1.2.2021 chủ động liên hệ với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch, thực hiện khai báo y tế và các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chủ động, bình tĩnh phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Theo Dân Việt
Dự kiến ngày 26/2 sẽ tiêm mũi thử nghiệm đầu tiên giai đoạn 2 vaccine Nano Covax
Giai đoạn 2 dự kiến sẽ triển khai tại 2 địa điểm gồm: Học viện Quân y (tại Hà Nội) và Viện Pasteur TP HCM (thực hiện tại tỉnh Long An).
Ông Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, trong giai đoạn 1, vaccine phòng COVID-19 có tên Nano Covax do Công ty Nanogen sản xuất cho kết quả an toàn.
Với 3 liều tiêm: 25mcg, 50mcg và 75mcg, vaccine cho thấy đều sinh miễn dịch tốt; trong đó, tỷ lệ có đáp ứng sinh miễn dịch (tức là có khả năng bảo vệ người tiêm không bị nhiễm SARS-CoV-2) lên đến 90%. Liều tối ưu là những người được tiêm ở mức liều 75mcg.
Nano Covax là vaccine phòng COVID-19 "made in Vietnam" đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép thử nghiệm lâm sàng.
Vaccine Nano Covax đã hoàn thành giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng
Trước đó, từ 17/12/2020, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine Nano Covax đã được Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) triển khai, hiện đã hoàn thành. Các tình nguyện viên sau tiêm hầu hết đều có sức khoẻ ổn định, một số ít trường hợp có biểu hiện đau tại vị trí tiêm, sốt nhẹ nhưng đều hết sau 1-2 ngày.
Cũng theo ông Quang, giai đoạn 2 việc thử nghiệm vaccine Nano Covax sẽ được triển khai tại 2 địa điểm để việc tiếp nhận người tiêm tình nguyện được nhanh hơn, gồm: Học viện Quân y (tại Hà Nội) và Viện Pasteur TP HCM thực hiện tại tỉnh Long An.
Giai đoạn 2 sẽ tiêm thử nghiệm cho trên 560 người tình nguyện từ 18 đến 65 tuổi. Dự kiến, ngày 26/2 sẽ tiêm mũi thử nghiệm giai đoạn 2 đầu tiên.
Trong giai đoạn 2, vaccine sẽ chỉ tiêm 2 nhóm người tình nguyện với 2 liều 50mcg và 75mcg.
Với tốc độ triển khai như hiện nay, theo ông Quang, cần khoảng 2 tháng để hoàn thành nghiên cứu thử nghiệm giai đoạn 2. Như vậy, khoảng cuối tháng 4/2021 sẽ đánh giá chính xác hơn nữa liều tiêm tối ưu.
Trong giai đoạn 3 của thử nghiệm lâm sàng, vaccine COVID-19 đã có thể tiêm cho những người có nguy cơ cao như: nhân viên cảng hàng không, tiếp viên, các lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch. Ông Quang cho hay điều này giống như vaccine phòng COVID-19 của Nga, sau việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 đã được cấp phép, tiêm rộng rãi cho người dân.
Hội đồng của Bộ Y tế sẽ tiếp tục họp trước khi đưa ra quyết định cho vaccine Nano Covax được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.
Theo Gia đình và xã hội
Tháng 5-2021, có thể tiêm vắc-xin Covid-19 của Việt Nam
Với tiến độ nghiên cứu, thử nghiệm nhanh như hiện nay, có thể đến tháng 5-2021, các loại vắc-xin Covid-19 do Việt Nam sản xuất sẽ được tiêm rộng rãi trong cộng đồng nước ta
Sau hơn 2 tuần dịch Covid-19 bùng phát, đến nay hầu hết các ổ dịch lớn đã được khống chế. Tuy nhiên, một số ổ dịch vẫn còn phức tạp, nhiều ca Covid-19 tại cộng đồng chưa rõ nguồn lây, có nguy cơ dịch bùng phát bất cứ lúc nào.
Hiệu quả đến 90%
Chiều 18-2, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị nghiên cứu phát triển vắc-xin về việc tìm nguồn kinh phí cho triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng (TNLS) vắc-xin Covid-19 của Việt Nam sản xuất do 2 đơn vị thuộc Bộ Y tế, là Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC); Công ty Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) thực hiện. Ước tính, mỗi đơn vị cần khoảng 30 tỉ đồng cho các nghiên cứu TNLS trong 3 giai đoạn. Nguồn kinh phí sẽ được hỗ trợ từ ngân sách và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Liên quan đến kết quả TNLS vắc-xin Covid-19 Nano Covax do Công ty Nanogen (TP HCM) nghiên cứu, phát triển, TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), cho biết trong giai đoạn 1, vắc-xin cho kết quả an toàn. Với 3 liều tiêm: 25 mcg, 50 mcg và 75 mcg, đều sinh miễn dịch tốt, trong đó tỉ lệ có đáp ứng sinh miễn dịch (có khả năng bảo vệ người tiêm không bị nhiễm virus SARS-CoV-2) lên đến 90%. Liều tối ưu là những người được tiêm ở mức liều 75 mcg. Sáng 19-2, Hội đồng của Bộ Y tế sẽ có cuộc họp cuối trước khi đưa ra quyết định chấp thuận cho TNLS giai đoạn 2 vắc-xin Nano Covax.
Theo TS Nguyễn Ngô Quang, Nanogen có năng lực sản xuất 70 triệu liều/năm. Còn IVAC nếu được đầu tư, cũng đạt khoảng 30 triệu liều/năm. Bên cạnh nguồn vắc-xin nhập khẩu, trong nước cũng đang đẩy nhanh tiến độ TNLS. Công nghệ sản xuất vắc-xin của chúng ta cập nhật thế giới, vắc-xin an toàn. Với tốc độ triển khai như hiện nay, chúng ta cần khoảng 2 tháng để hoàn thành nghiên cứu TNLS giai đoạn 2. Như vậy, khoảng tháng 4 sẽ hoàn thành, đánh giá chính xác hơn nữa liều tiêm tối ưu. Có thể sang tháng 5 năm nay, trong giai đoạn 3 của TNLS, vắc-xin Covid-19 đã có thể tiêm rộng rãi trong cộng đồng.
Kiểm tra y tế tại vùng dịch huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương vào ngày 18-2. Ảnh: TUẤN DŨNG
12/13 tỉnh, TP đã kiểm soát được dịch
Bộ Y tế cho biết từ 27-1 đến nay, cả nước ghi nhận 755 ca Covid-19 trong cộng đồng tại 13 tỉnh - thành, trong đó Hải Dương là địa phương ghi nhận số ca mắc lớn nhất với 575 ca, Quảng Ninh (60), Gia Lai (27), Hà Nội (35), Bắc Ninh (5), Bắc Giang (2), TP HCM (36), Hòa Bình (2), Hà Giang (1), Điện Biên (3), Bình Dương (6), Hải Phòng (1), Hưng Yên (2). Tổng số tích lũy trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 của Việt Nam là 2.347 người, trong đó có 1.448 ca do lây nhiễm trong nước.
Theo Bộ Y tế, sau hơn 2 tuần dịch Covid-19 bùng phát, đến nay dịch cơ bản đã được kiểm soát tại 12/13 tỉnh - TP, các ổ dịch trong cộng đồng đang có xu hướng giảm ca mắc trong ngày. Các ổ dịch tại các TP lớn như tại Hà Nội, TP HCM đã được kiểm soát với các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt. Riêng tình hình dịch tại Hải Dương vẫn còn phức tạp, có khả năng còn kéo dài khi số lượng ca mắc chưa giảm, đặc biệt tại huyện Cẩm Giàng với các cụm khu công nghiệp số lượng công nhân lớn (60.000 người). Nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng vẫn luôn thường trực do đã có các trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây, đặc biệt khi người dân từ các địa phương trở lại làm việc. Trước tình hình dịch phức tạp, Bộ Y tế đã rút lực lượng tiền phương ở TP HCM về tăng chi viện cho Hải Dương.
Ngày 18-2, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại TP Chí Linh và huyện Cẩm Giàng của tỉnh Hải Dương, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết Hải Dương đã huy động nguồn lực nhanh chóng, nỗ lực và quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Việc xây dựng cơ sở cách ly tập trung nhanh chóng, thần tốc và giao trách nhiệm cho lực lượng quân đội là đúng đắn. Dịch Covid-19 ở Hải Dương dù phát sinh một số ca mới tại các khu cách ly nhưng cơ bản đã được kiểm soát.
Theo Người lao động