Cây cúc tần là loài cây mọc hoang dại, thành từng khóm, bụi, có khi thành bờ rào ven bờ mương máng, ao chuôm. Những lợi ích với sức khỏe của loài cây này bắt nguồn từ những món ăn dân dã cho đến các bài thuốc Đông y trị nhiều bệnh thường gặp.
Cây cúc tần là gì?
Cây cúc tần có tên tiếng Anh là Pluchea indica, là một loài thực vật có hoa trong họ Aster, Asteraceae. Nó còn có tên gọi khác như cây từ bi, lức…
Đây là loại cây bụi phân nhánh cao tới 2 mét. Phiến lá hình bầu dục có răng là nhú nhưng không mỏng và thường có một lớp lông mịn. Các đầu hoa mọc thành cụm dày đặc ở nách lá và đầu cành. Những bông hoa màu tím hồng có dáng dài, nhô ra. Thân quả có chiều dài 1 mm, loại màu trắng dài khoảng 5 mm.
Nó có nguồn gốc từ các vùng thuộc châu Á và Úc, phổ biến ở quần đảo Thái Bình Dương. Cây thường mọc trong môi trường sống ven biển như đầm lầy, rừng ngập mặn.
Thành phần dinh dưỡng trong cúc tần
Các chất có trong cúc tần bao gồm axit chlorogenic và tinh dầu. Thành phần của lá tươi bao gồm protid (5,7%), vitamin C (15mg), lipid (1%), carotene (4,6mg), xenlulo (5,1), P (2,3%), Tro (2,3%), Ca (197mg%), Fe (5mg).
Tác dụng của cây cúc tần
Chữa đau nhức đầu do cảm lạnh: Dùng 2 nắm lá cúc tần, 1 nắm lá sả, 1 nắm là chanh sắc nước uống và xông cho đến khi mồ hôi ra sẽ nhanh chóng giảm cảm mạo, nhức đầu.
Chữa đau đau mỏi thắt lưng: Dùng lá cúc tần, cành non đem giã nát, cho thêm một ít rượu sao cho đến khi nóng lên rồi đắp lên chỗ đau ở hai bên thận, giữ yên trong vòng 15 – 20 phút cho đến khi bã khô. Thực hiện trong nhiều ngày.
Chữa chấn thương: Dùng lá cúc tần giã nát, đắp lên vết thương giúp mau chóng làm dịu cơn đau và nhanh khỏi.
Dùng rễ cúc tần 20g, rễ trinh nữ 20g, rễ bưởi bung 20g, lá đinh lăng 10g, cam thảo dây 10g sắc nước uống hằng ngày. Uống liên tục trong vòng 5 – 7 ngày.
Chữa căng thẳng: Dùng cúc tần 50g, hoa cúc trắng xé nhỏ 50g, đu đủ vừa chín tới 100g, óc lợn 100g. Cho cúc tần, hoa cúc trắng, đu đủ cùng với 1 lít nước vào nồi đun sôi. Sau đó, tiếp tục cho óc lợn vào đun thêm 20 phút nữa, cho đến khi chín nhừ, có thể ăn là được. Nên chia thành 2 lần ăn/ ngày, ăn nóng trước bữa cơm liên tục trong 1 tuần liền.
Chữa ho do viêm khí quản: Dùng 3 nắm lá cúc tần già rửa sạch, băm nhỏ, 2 nắm gạo, nửa lạng thịt lợn băm nhuyễn, 2 – 3 lát gừng tươi đem hầm thành cháo cho chín nhừ. Ăn nóng khi bụng còn đói, ăn liên tục trong vòng 3 ngày, mỗi ngày 3 lần như bữa ăn chính để dứt điểm cơn ho.
Chữa viêm họng, viêm mũi, ho: Dùng cỏ xước, lá cúc tần, hoa ngũ sắc tím (hoa cứt lợn) theo tỉ lệ 1:1:1 cho thêm một ít nước lạnh (tốt nhất là nước mưa) đem đun sôi vài phát rồi cho trẻ uống thay nước, uống nhiều lần trong ngày sẽ giảm ho hiệu quả. Trong trường hợp trẻ sốt cao, các mẹ cũng có thể cho thêm lá diếp cá.
Chữa bệnh trĩ: Dùng lá cúc tần, lá sung, lá lốt, lá ngải cứu, mỗi thứ một nắm kết hợp thêm vài lát nghệ đem rửa sạch rồi đun với nước cho đến khi cô đặc lại. Sau đó, lấy nước này xông hậu môn khoảng 15 phút cho đến khi nước còn âm ấm thì ngâm trực tiếp thêm 10 – 15 phút nữa. Nên dùng bài thuốc này liên tục trong 2 – 3 lần/ tuần.
Chữa lao lực nặng, thổ huyết: Dùng 150g thân, cành, lá cúc tần xắt nhỏ khoảng 2cm, 20g cua đồng giã nát (bỏ vỏ, yếm, chỉ lấy phần thịt) với 30ml nước vắt lấy nước cốt. Sau đó, cho thêm 1/2 muỗng muối uống 3 lần sáng, trưa, chiều trong 5 ngày sẽ dứt thổ huyết.
Chữa hen: Dùng một bó cúc tần như bó rau muống, dựng vào chỗ mát. Sau đó bẻ cả ngọn, lá non, lá già rửa sạch, ngâm với nước muối pha loãng rồi đem giã nát, cho một bát nước lọc vào lọc lấy nước cốt, bỏ phần xác. Dùng nước này uống liên tục trong vòng 100 ngày cho đến khi bệnh có dấu hiệu thuyên giảm.
Món ngon từ cúc tần
Ngoài công dụng hữu hiệu khi là dược liệu tham gia vào những bài thuốc hay, cúc tần còn được sử dụng phổ biến trong đời sống ẩm thực. Nó góp phần làm cho món ăn thêm hương vị cũng như gia tăng giá trị điều trị bệnh như một bài thuốc chữa trị hiệu nghiệm.
Bánh nếp cúc tần
Nguyên liệu để bạn có món ăn “chắc dạ” này là bột gạo nếp, lá cúc tần, muối, đậu xanh, thịt nạc, mộc nhĩ, hành hoa.
Thao tác chế biến bạn thực hiện như sau: lá cúc tần một nắm rửa sạch, giã nhuyễn đem trộn cùng bột gạo nếp, muối tinh rồi vật bột cho dẻo, nặn thành từng viên hình tròn, cho nhân vào giữa, bọc lại.
Nhân bánh có 2 loại ngọt (có đường) và mặn (có thịt). Bánh có thể để dạng tròn hoặc dẹt.
Cá kho lá cúc tần
Đây là món ăn khá quen thuộc tại nông thôn. Mùi lá cúc tần khi kho với cá dậy lên hương vị ấm áp thôn quê. Khi kho cá bạn nên chọn những lá cúc tần có độ già vừa phải, xếp một lượt xuống dưới để tạo mùi vị cũng như tránh làm cháy cá. Thưởng thức miếng cá kèm chút lá cúc tần sẽ tạo nên hương vị rất riêng.
Cháo thịt lợn lá cúc tần
Món ăn thực sự thích hợp cho những người mới ốm dậy, khó ăn, cơ thể mệt mỏi, người sau phẫu thuật. Nguyên liệu cần có là lá cúc tần (loại già), gạo, thịt lợn nạc băm nhuyễn, gừng tươi. Lá cúc tần rửa sạch, băm nhỏ. Tất cả cho vào nồi nấu thành cháo để nhỏ lửa cho cháo nhừ rồi nêm gia vị là bạn có thể dùng ngay (nên dùng khi cháo còn nóng).