Thỉnh thoảng thưởng thức đồ ăn nhanh thì không sao nhưng nếu bạn biến nó trở thành chế độ ăn chính của bạn thì không chỉ khiến bạn có nguy cơ béo phì, mà còn có thể khiến bạn bị mù.
Mới đây, một phụ nữ 25 tuổi đến từ Norwich, Anh có tên Jade Youngman đã được các chuyên gia y tế cảnh báo rằng cô có thể được chẩn đoán mắc bệnh thần kinh thị giác và bị mù nếu tiếp tục chỉ ăn pizza, khoai tây chiên, gà rán và mì ống mà không ăn các thực phẩm lành mạnh khác.
Khi được các bác sĩ khuyên nên thêm các thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao hơn vào chế độ ăn uống của, Youngman nói rằng cô không thể ăn trái cây và rau quả, và đã không làm như vậy trong 22 năm qua của cuộc đời. "Nếu ai đó đặt một đĩa trái cây hoặc rau củ trước mặt tôi, nó giống như việc đặt một đĩa chất thải trước mặt tôi vậy", Youngman nói.
Người phụ nữ 25 tuổi suốt 22 năm chỉ ăn các đồ ăn nhanh, không ăn rau quả. (Ảnh minh họa)
Theo Business Insider Malaysia, người phụ nữ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn thu nạp thực phẩm hạn chế (Avoidant/restrictive food intake disorder (ARFID)) gây ra nỗi ám ảnh cực độ về các loại thực phẩm nên mỗi khi nhìn thấy những thực phẩm không muốn ăn, cô sẽ lo lắng và buồn nôn. Những người mắc các chứng rối loạn này có xu hướng quay trở lại với các loại thực phẩm an toàn của họ, thường là những thực phẩm nhạt nhẽo, chế biến và ít vitamin.
Tuy nhiên, Youngman không phải là người đầu tiên bị mù do thiếu vitamin và dinh dưỡng. Hai thanh thiếu niên khác đến từ Anh được cho là đã mất thị lực do chứng rối loạn hiếm gặp là bệnh lý thần kinh thị giác.
Trong một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Y tế Iowa, người ta thấy rằng các dây thần kinh thị giác có nguy cơ bị tổn thương cao khi cơ thể thiếu chất dinh dưỡng như axit folic và vitamin B. Những vitamin này chỉ có thể được tìm thấy trong trái cây và rau giúp duy trì các tế bào khỏe mạnh.
Điều cực kỳ nguy hiểm về tình trạng này là không thể điều trị. Điều này có nghĩa là một khi các dây thần kinh thị giác của bạn bị hỏng, chúng không bao giờ có thể được sửa chữa. Ngoài ra, mù lòa không phải là hậu quả duy nhất của việc giới hạn bản thân trong chế độ ăn kiêng chủ yếu bao gồm thức ăn nhanh. Tiêu thụ quá nhiều thức ăn nhanh cũng có thể dẫn đến bệnh tim, tiểu đường và béo phì.
Chế độ ăn thiếu dinh dưỡng và vitamin có thể gây mù lòa vĩnh viễn. (Ảnh minh họa)
Chứng rối loạn thu nạp thực phẩm là gì?
Rối loạn thu nạp thực phẩm hạn chế/né tránh (ARFID) là triệu chứng rối loạn trong chế độ ăn uống với đặc điểm là hấp thụ rất ít thức ăn hoặc không muốn ăn một số loại thực phẩm nhất định. Đây là một hội chứng tương đối mới vừa được các chuyên gia phát hiện ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ đã bị biếng ăn trước đó và là triệu chứng hiếm gặp hoặc ít được nghiên cứu.
Người mắc phải triệu chứng ARFID sẽ gặp nhiều vấn đề ăn uống như không muốn tiếp xúc với một số loại thực phẩm nhất định hoặc tránh ăn nhiều loại thức ăn cùng một lúc. Kết quả là họ sẽ không có khả năng hấp thụ đủ lượng calo và các chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn hàng ngày. Điều này có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, chậm phát triển và những vấn đề về cân nặng.
Ngoài những biến chứng kể trên, những người bị ARFID cũng có nguy cơ cao gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hằng ngày như khó khăn trong học tập hay tham gia các hoạt động ngoại khóa vì điều kiện sức khỏe không tốt. Họ cũng có thể gặp rắc rối trong việc tham gia các hoạt động xã hội, chẳng hạn khó dùng bữa và khó duy trì các mối quan hệ với bạn bè.
ARFID thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ và có thể kéo dài đến lúc trưởng thành. Ban đầu nó tương tự như chứng kén ăn – triệu chứng khá phổ biến của trẻ nhỏ. Ví dụ, nhiều trẻ em từ chối ăn rau củ và thức ăn dạng lỏng. Tuy nhiên, chứng biếng ăn thường biến mất trong vòng vài tháng mà không để lại những vấn đề liên quan đến sự tăng trưởng hoặc phát triển của trẻ.
Một người có khả năng bị chứng rối loạn thu nạp thực phẩm ARFID nếu:
- Có vấn đề ăn uống không phải do chứng rối loạn tiêu hóa hoặc các căn bệnh khác;
- Có vấn đề ăn uống không phải do thiếu lương thực và do thức ăn;
- Có vấn đề ăn uống không liên quan đến rối loạn ăn uống như chán ăn tâm lý;
- Không đủ số cân nặng chuẩn theo từng độ tuổi;
- Không thể tăng cân hoặc đã sụt một lượng cân nặng đáng kể trong vòng một tháng.