Tuy không phản ánh được toàn diện cơ thể, nhưng vẻ ngoài khuôn mặt lại có thể phản ánh sức khỏe bên trong của chúng ta, đưa ra những báo hiệu chẳng lành thông qua làn da, mái tóc và đôi mắt.
BẮT BỆNH QUA DA
Da bị phát ban đỏ
Mẩn đỏ có nhiều nguyên nhân nhưng nếu bạn bị phát ban kèm các triệu chứng như sau: ngứa ngáy, phát ban rát trên da đầu, mưng tấy lên và khi gãi thì bị loét, phát ban có thể xuất hiện trên các bộ phận khác của cơ thể như da đầu, vai, mông, đầu gối hoặc khuỷu tay thì đây có thể là viêm da herpetiformis - một triệu chứng của bệnh Celiac.
Lời khuyên: Nên nói chuyện với bác sĩ để có chuẩn đoán chính xác bởi rất có thể nó sẽ liên quan đến bệnh Celiac nghiêm trọng hơn.
Vàng da
Vàng da hoặc lòng trắng của mắt bị vàng là triệu chứng của một vài chứng bệnh khác nhau có liên quan tới gan. Bệnh vàng da xuất hiện khi có quá nhiều bilirubin (một chất màu vàng cam có trong hồng cầu) mà gan không thể lọc một cách hiệu quả được.
Lời khuyên: Đi khám và gặp bác sĩ, họ sẽ xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ bilirubin và chức năng gan đồng thời xem xét lịch sử bệnh án của bạn
Da đỏ, nổi mẩn ở giữa mặt, mũi
Rosacea (chứng đỏ mặt) là chứng bệnh làm da bị đỏ ở các vùng mũi, cằm, má, trán thường xuất hiện ở người có da sáng màu. Không thực sự rõ nguyên nhân gây ra chứng bệnh này, có thể do yếu tố di truyền, dị ứng với môi trường hoặc các sản phẩm kem bôi, thức ăn…. Bệnh không thực sự nguy hiểm nhưng có thể gây khó chịu nếu xuất hiện ở mí mắt.
Lời khuyên: Bác sĩ có thể kê toa kháng sinh để trị bệnh rosacea. Những thứ khác bạn có thể làm để ngăn ngừa các lần phát bệnh trong tương lai bao gồm: luôn luôn mang kem chống nắng; hạn chế thức ăn cay và đồ uống có cồn; sử dụng các sản phẩm chăm sóc da và mỹ phẩm không chứa dầu được thiết kế dành cho da nhạy cảm.
Lông dư thừa
Việc mọc lông/tóc thường phụ thuộc vào nguồn gốc dân tộc và do yếu tố gen di truyền. Nhưng nếu lông mọc thừa ở trên mặt hoặc ở các bộ phận khác trên cơ thể thì rất có khả năng là triệu chứng của bệnh buồng trứng đa nang (PCOS), kháng insulin hoặc béo phì.
Lời khuyên: Lông mọc thừa không chỉ là triệu chứng duy nhất của bệnh buồng trứng đa nang, bạn nên để ý cả các dấu hiệu về mụn trứng cá, chu kỳ kinh nguyệt. Tốt nhất nên gặp bác sĩ tư vấn vì hội chứng buồng trứng đa nang không hề đơn giản. Điều bạn có thể làm để cải thiện tình hình là duy trì chế độ ăn uống, cân nặng phù và tập thể dục thường xuyên.
Nốt ruồi, tàn nhang lạ
Nếu bạn đột nhiên có nốt ruồi hoặc tàn nhang trên mặt hay chúng bỗng thay đổi về kích cỡ, màu sắc hoặc hình dạng thì rất có khả năng là đó dấu hiệu của ung thư da.
Lời khuyên: Hãy đến bệnh viện kiểm tra ngay bởi ung thư sẽ dễ điều trị hơn nếu phát hiện sớm.
BẮT BỆNH QUA MẮT
Mắt đỏ và khó chịu
Mắt chúng ta có thể đỏ vì nhiều lí do bao gồm từ việc nhìn vào màn hình quá lâu cho đến việc bị dị ứng. Bệnh gây ra đỏ mắt thường là những bệnh không quá nghiêm trọng và tự khỏi trong vài ngày, ví dụ như bệnh đau mắt đỏ hoặc là lẹo mắt. Ngoài ra trường hợp phức tạp hơn có thể là dấu hiệu của nhiễm sán kí sinh hoặc nhiễm trùng nặng thì đều cần phải có điều trị y tế cụ thể.
Lời khuyên: Đau mắt đỏ, thường là do vi khuẩn, virus gây ra nên nó có tính lây nhiễm, vì vậy nếu bạn đang bị mắc phải thì nên nhớ luôn rửa tay sạch và không được dùng chung khăn mặt với người khác. Dùng khăn chườm mát để giảm độ khó chịu nếu cần.
Lưu ý nếu bạn bị đau nặng, mắt bị nhạy cảm với ánh sáng hoặc bị thay đổi về thị lực thì cần phải gặp bác sĩ ngay vì đó có thể là dấu hiệu của bệnh phức tạp.
Mắt giật, nháy
Mắt tự giật, nháy là một biệu hiện khá bình thường vì nguyên nhân thường do mệt mỏi, căng thẳng, do hút thuốc, tiêu thụ quá nhiều chất cồn và caffein hoặc đơn giản là mắt bị vướng cộm. Ngoài ra đây còn có thể là tác dụng phụ của một vài loại thuốc. Tuy nhiên vẫn có một vài chứng bệnh liên quan đến hệ thần kinh và não bộ mà việc giật, nháy mắt là một triệu chứng.
Lời khuyên: Mắt giật, nháy thường tự khỏi sau một thời gian nếu bạn khắc phục được những vấn đề gây ra nó như căng thẳng, thiếu ngủ và sử dụng đồ uống có cồn, caffein. Nếu bạn vẫn lo và có những biểu hiện khác (như giật, rung ở các nơi khác trên cơ thể) hoặc là không có sự thuyên giảm triệu chứng sau vài tuần thì hay đi gặp bác sĩ.
Quầng thâm xung quanh mắt
Quầng thâm (hoặc có thể là bọng ở dưới mắt) thường không phải dấu hiệu gì nghiêm trọng ngoài việc bị thiếu ngủ hoặc vấn đề tuổi tác. Ngoài ra, chúng cũng có thể xảy ra do các thay đổi sắc tố, dị ứng hoặc viêm da.
Lời khuyên: Mặc dù có rất nhiều mỹ phẩm, sản phẩm được tạo ra để trị nhưng cách tốt hơn cả vẫn là ngủ đủ giấc. Gặp bác sĩ nếu mắt bạn bị sưng to hoặc vết thâm có màu lạ.
Mắt sưng/lồi
Chứng lồi mắt có thể là vấn đề về hormone phổ biến ở phụ nữ. Đặc biệt là khi chúng có các triệu chứng đi kèm như: cảm giác cộm mắt, căng và đau trong mắt, đỏ và mắt sưng. Nếu không được điều trị, nó có thể dẫn đến các vấn đề về tim.
Lời khuyên: Gặp bác sĩ để được kiểm tra hàm lượng hormone tuyến giáp. Bệnh này có thể chữa được bằng thuốc và các biện pháp điều trị.
BẮT BỆNH QUA MIỆNG
Môi khô
Môi bạn có thể bị khô, nứt nẻ khó chịu trong thời tiết khô nóng do mất nước và tiếp xúc với ánh nắng. Điều này cũng xảy ra tương tự vào mùa đông khi thời tiết khô và lạnh. Thông thường đây không phải triệu chứng của bệnh ngoài việc chỉ ra cơ thể bạn có thể đang thiếu nước.
Lời khuyên: Sử dụng son dưỡng ẩm, nên là loại có tác dụng chống nắng khi ra ngoài. Tránh những loại son dưỡng có bạc hà vì nó còn gây khó chịu hơn. Cố gắng tránh liếm môi và nhớ uống nước đầy đủ.
Lợi nhức hoặc chảy máu
Nếu lợi bạn sưng nhức hoặc dễ bị chảy máu thì nó có thể là một dấu hiệu của viêm lợi hoặc nghiêm trọng hơn là viêm nha chu. Vấn đề này khá nghiêm trọng vì viêm lợi có thể gây rụng răng và ngoài ra đã có những nghiên cứu cho thấy việc sức khỏe răng miệng kém còn dẫn đến vấn đề về tim mạch và tiểu đường.
Lời khuyên: Gặp nha sĩ và khám răng miệng thường xuyên. Viêm lợi có thể chữa được nếu vệ sinh răng miệng kỹ càng. Viêm nha chu thì có thể phức tạp và cần liệu pháp chữa trị phức tạp hơn.