Chỉ đi từ bếp tới phòng khách, cô gái bỗng dưng bị méo mồm, liệt mặt

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 07/11/2022 14:30 PM (GMT+7)

Có những thói quen sinh hoạt tưởng chừng như vô hại, cộng thêm với sự thay đổi thất thường của thời tiết, nhiệt độ khiến không ít người bị méo mồm, trợn mắt phải nhập viện điều trị.

Chưa rét đậm đã có nhiều bệnh nhân bị liệt mặt do lạnh

Khoảng 1 tháng nay, thời tiết Hà Nội thay đổi khá thất thường, nhiệt độ ban đêm, sáng sớm và ban ngày chênh lệch khá nhiều. Chính điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, sinh hoạt của người dân. Ngoài những căn bệnh thường gặp về đường hô hấp, tình trạng liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, hay dân gian còn gọi là phong hàn, diễn ra khá nhiều.

Ths.BS Dương Văn Tâm (Trưởng khoa Liệt vận động và Ngôn ngữ, Bệnh viện Châm cứu Trung ương) cho biết, gần đây khoa tiếp nhận một số trường hợp đến khám và điều trị vì bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, tuy nhiên mức độ không quá nghiêm trọng. Nhóm bệnh nhân đến đa số là bị nhiễm lạnh do đi tập thể dục buổi sáng hoặc đi lại ngoài môi trường lạnh lâu, nhất là buổi tối. “Đa số các bệnh nhân ở mức độ nhẹ nên sau khi được điều trị, tư vấn cách phòng tránh đều hồi phục nhanh chóng”, bác sĩ Tâm chia sẻ.

Bác sĩ Tâm cho biết, đa số các trường hợp liệt mặt do bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên là do chủ quan trong sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: Lê Phương.

Bác sĩ Tâm cho biết, đa số các trường hợp liệt mặt do bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên là do chủ quan trong sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: Lê Phương.

Bác sĩ Nguyễn Hải Anh, Phó khoa Y dược học cổ truyền Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình cho biết, từ đầu tháng 10 tới nay tại khoa tiếp nhận nhiều người bị liệt mặt do liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên. Đa số các bệnh nhân còn khá trẻ và bị liệt mặt bởi những nguyên nhân rất đơn giản, hoàn toàn có thể phòng tránh.

Trường hợp đầu tiên là một phụ nữ 28 tuổi, ở thành phố Hoà Bình, đi từ phòng khách đang bật điều hoà lạnh sang phòng bếp không có điều hoà. Sau khi từ bếp trở lại phòng khách, chị thấy có hiện tượng tê mặt, miệng méo lệch sang một bên nên đã vào viện khám, điều trị. Theo bác sĩ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự thay đổi nhiệt độ đột ngột (đi từ bếp không có điều hòa, lên phòng khách có điều hòa), đây cũng là thói quen rất nhiều người gặp phải, nhất là gia đình sử dụng điều hòa và thường để ở nhiệt độ lạnh sâu.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nam 36 tuổi, về nhà khi trời tối muộn. Vừa bước vào nhà, anh thấy mặt mình tê bì, miệng méo, một bên mắt không nhắm kín được. 

Một bệnh nhân nữ khác ở huyện Lương Sơn, 37 tuổi, xuất hiện tình trạng méo miệng, tê bì, mất cảm giác một bên mặt sau khi ngủ dậy nên vội vàng đi khám. Khi tới viện, bệnh nhân vô cùng hoảng hốt, sợ bị tai biến. Tuy nhiên, qua kiểm tra, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm lạnh dẫn đến liệt mặt.

Bệnh không nguy hiểm tính mạng nhưng đừng chủ quan

Bác sĩ Hải Anh cho biết, theo thống kê thì có đến 80% các trường hợp nhập viện điều trị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên đều có nguyên nhân chủ yếu do nhiễm lạnh hoặc thay đổi thời tiết đột ngột sang lạnh. Tuy nhiên, cũng có thể do một số nguyên nhân khác như chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, u não, u dây thần kinh… Vì vậy, khi có biểu hiện bất thường, nên đi khám sớm để tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Kết hợp châm cứu, bấm huyệt điều trị cho bệnh nhân liệt mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình. Ảnh: BVCC.

Kết hợp châm cứu, bấm huyệt điều trị cho bệnh nhân liệt mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ Hải Anh cho biết, triệu chứng điển hình của liệt dây thần kinh số 7 bao gồm:

- Đột ngột thấy hai bên mặt mất cân đối, nửa mặt bên liệt bất động, mất hoặc mờ nếp nhăn trán;

- Mắt bên liệt nhắm không kín, mờ rãnh mũi - má, miệng méo sang bên không liệt, góc mép miệng bị xệ xuống;

- Chảy dãi hoặc nước một góc miệng, thức ăn hay đọng lại ở má bên liệt, người bệnh không làm được các động tác: phồng má, cười, chu môi, nhăn trán.

“Dù đây không phải căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không điều trị kịp thời có thể để lại di chứng ảnh hưởng đến thẩm mỹ, gây loét giác mạc, liệt cứng vĩnh viễn”, bác sĩ Hải Anh cảnh báo.

Để phòng bệnh, quan trọng nhất là giữ ấm vùng đầu, mặt, cổ, tránh gió lạnh hoặc thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột. Buổi sáng ngủ dậy, bạn nên ở trong phòng ấm 2-5 phút làm quen thời tiết trước khi ra ngoài. Đối với trẻ nhỏ chơi ngoài trời lạnh, cha mẹ cần chú ý cho bé mặc ấm vừa phải và chơi trong thời gian ngắn.

Ngoài ra, mọi người cần tránh ngồi nơi gió lùa, không tắm quá khuya, đi đường xa phải đeo kính bịt mặt, che ấm cả hàm, đeo khẩu trang, không nên cho các cháu nhỏ ngồi phía trước xe. Sau khi uống rượu, bia, không đi ngoài trời lạnh hay tắm lạnh. Bên cạnh đó, nên tập thể dục thường xuyên, ăn uống khoa học để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.  

Bác sĩ 115 cảnh báo 3 thói quen khi đi nắng về có thể gây sốc nhiệt, liệt mặt
Khi đi ngoài trời nắng về, nhiều người có thói quen uống nước lạnh, ngồi điều hòa, tắm ngay... sẽ rất nguy hiểm đến sức khỏe, điều này còn có nguy cơ...

Nắng nóng đỉnh điểm

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các vấn đề sức khỏe khác