Khi bị sâu răng, rất nhiều người chủ quan không thăm khám cẩn thận, dẫn đến bị áp xe sàn miệng, thành bên hầu… Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Mới đây (ngày 17/3), Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương đã có trường hợp một bệnh nhân 67 tuổi, ở Quảng Ninh, bị áp xe má, mang tai, dưới hàm, cạnh cổ bên phải. Trước đó 10 ngày, bệnh nhân bị đau răng, tuy nhiên thay vì đến bệnh viện thăm khám kỹ lưỡng, bệnh nhân đã tự dùng thuốc.
Sau khi tự điều trị, bệnh nhân có biểu hiện đau sưng vùng má, lan rộng ra vùng mang tai, vùng dưới hàm, cạnh cổ, miệng không há được và khó thở. Đặc biệt hơn, đây là bệnh nhân tiểu đường thì tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc tăng lên, huyết áp cao và phải nhập viện cấp cứu.
Cách đó một tuần, cũng tại bệnh viện này cũng đã tiếp nhận một bệnh nhân 74 tuổi, ở Hà Nam. Theo đó, bệnh nhân bị đau răng số 6 (hàm dưới), đồng thời bị viêm tủy, nhiễm trùng tại chỗ. Do bệnh nhân chủ quan không điều trị đến nơi đến chốn nên đã bị nhiễm trùng lớn. Đến khi quá đau đớn, đến bệnh viện thăm khám thì bệnh nhân đã bị áp xe quanh hàm, dưới hàm, sàn miệng, lan sâu đến thành bên hầu…
Nếu không thăm khám kịp thời, vùng răng bị đau sẽ gây ổ áp xe nguy hiểm đến tính mạng.
(Ảnh minh họa)
GS Trịnh Đình Hải (GĐ Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương) cho biết, những trường hợp nhập viện như hai bệnh nhân kia không phải là hiếm, mà nguyên nhân xuất phát từ sự chủ quan của chính người bệnh.
Theo đó, nhiều trường hợp do không chăm sóc sức khỏe răng miệng ban đầu mà thành bệnh, bệnh biến chứng nặng khiến các bác sỹ phải điều trị vô cùng vất vả, người bệnh phải chi trả tốn kém và chịu đau đớn tột cùng, thậm chí tử vong.
“Tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, tuần nào cũng có bệnh nhân nhập viện với tình trạng tương tự như trường hợp trên. Thậm chí có trường hợp nguy cơ tử vong rất cao vì răng sưng, gây áp xe sàn miệng, áp xe thành bên hầu, dẫn đến áp xe trung thất rồi tử vong”, GS Hải chia sẻ.
Cùng quan điểm trên, BS Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Hàm mặt - BV Răng Hàm Mặt Trung ương cho biết, các bệnh về răng miệng tuy rất thông thường nhưng có thể nguy cơ gây tử vong. Không ít người đã phải chịu đựng những đau đớn, tổn thương nặng nề chỉ vì một cái răng sâu hay vì lợi bị sưng… mà điều trị không đến nơi đến chốn.
Để chăm sóc sức khỏe răng miệng một các hiệu quả, BS Hà cho rằng, mọi người nên lấy cao răng 6 tháng 1 lần để vệ sinh răng miệng, loại trừ nguyên nhân viêm nhiễm. Ngoài ra, cần phải thực hiện đúng vệ sinh răng miệng như, đánh răng ngày 2 lần buổi sáng trước khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ, đã đánh răng rồi không ăn uống nữa, súc miệng, sử dụng chỉ tơ nha khoa, tăm nước…
Cách chải răng phải đúng, thời gian chải kéo dài, ít nhất 3 phút mỗi lần. Phải để bài chải tại vùng răng định chải từ trên xuống dưới, từ trái qua phải để không bỏ sót vùng nào. Để bàn chải nghiêng một góc khoảng 45 độ. Đánh bàn chải xoay tròn tại chỗ. Mỗi vùng đó khuyến cáo chải 30 giây, mặt ngoài mặt trong và mặt nhai.
Hướng đến ngày sức khỏe răng miệng thế giới năm nay (20/3/2017) và hưởng ứng lời kêu gọi của Liên đoàn Nha khoa Thế giới FDI với khẩu hiệu “Hãy làm cho miệng duyên dáng”, ngành răng hàm mặt (RHM) Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, chăm sóc và tăng cường sức khỏe răng miệng cho trẻ em và cộng đồng ở nhiều địa phương trong cả nước. Riêng BV Răng Hàm Mặt TƯ đã phát động tất cả các khoa trong bệnh viện khám miễn phí 1 tuần, phẫu thuật khe hở môi vòm miệng cho trẻ em 1 tuần. Người dân có thể đến tham gia chương trình tại các đơn vị tham gia hưởng ứng ngày sức khỏe răng miệng thế giới tại các cơ sở y tế dưới đây: 1. Bệnh viện RHM thành phố Hồ Chí Minh 2. Hội RHM Thành phố Hồ Chí Minh 3. Khoa RHM, Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh 4. Bệnh viện RHM TW thành phố HCM 5. Hội RHM Đồng Tháp 6. Hội RHM Kiên Giang 7. Bệnh viện Mắt-RHM Cần Thơ 8. Trung tâm RHM Thành phố Đà Nẵng 9. BV RHM Tp. Huế 10. Bệnh viện Đống Đa, Hà Nội 11. Bệnh viện Việt Nam-Cuba, Hà Nội 12. Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Hà Nội 13. Viện Đào tạo RHM, Hà Nội 14. Khoa RHM Đại học Y Dược Hải Phòng 15. Phòng khám Đa khoa Việt Tràng An, Yên Bái 16. Khoa RHM Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên 17. Khoa RHM Đại học Y Dược Thái Nguyên 18. Bệnh viện RHM Trung ương Hà Nội |