Đau bụng, buồn nôn, ói mửa, nhiều người có thể nghĩ rằng đây chỉ là vấn đề bình thường của đường tiêu hóa, mẹ của Tiểu Dương cũng nghĩ như vậy khi cậu con trai 4 tuổi bị đau bụng. Nhưng không ngờ rằng cậu bé bị hoại tử ruột và phải cắt bỏ 1,5m ruột.
Mới đây, cậu bé Tiểu Dương, 4 tuổi ở Quảng Đông, Trung Quốc được đưa vào Khoa cấp cứu của Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em thuộc Đại học Y Quảng Đông, cậu bé bị đau bụng và nôn ói. Mẹ của Tiểu Dương cho biết, sau khi ăn bữa tối ngày hôm trước, đứa trẻ trèo lên giường xếp chăn mền và gối thật cao rồi nhảy liên tục trên đống chăn mền.
Đang chơi đùa, đột nhiên Tiểu Dương đau bụng và nôn mửa. Sau một ngày, các triệu chứng vẫn không thuyên giảm. Vì lo lắng nên người mẹ đã đưa Tiểu Dương đến bệnh viện.
Bác sĩ Hồ Vĩ Lai cho biết 1,5m ruột non của cậu bé 4 tuổi đã bị hoại tử và phải cắt bỏ
Bác sĩ Hồ Vĩ Lai, giám đốc Khoa nhi cho biết: "Tiểu Dương được chuyển đến viện trong tình trạng sốc, mất khả năng nhận thức, mặt và môi của bệnh nhi trắng bệch. Ngay khi xuống xe cấp cứu, bệnh nhi đã nôn liên tục". Sau khi Tiểu Dương được xét nghiệm máu, chụp CT ổ bụng, kết quả chẩn đoán cho thấy cậu bé bị tắc ruột và chướng bụng.
Bác sĩ Hồ Vĩ Lai nhanh chóng thảo luận với các khoa và thống nhất ý kiến cho Tiểu Dương tiến hành phẫu thuật sớm. Cậu bé 4 tuổi được truyền dịch và truyền máu ngay trước ca phẫu thuật. Sau hơn 2 tiếng phẫu thuật, Tiểu Dương đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch.
Bác sĩ Hồ Vĩ Lai cho biết: "Trong lúc phẫu thuật phát hiện ra rằng có một lỗ thủng trong mạc treo của Tiểu Dương. Có thể là do Tiểu Dương vận động quá mạnh sau khi ăn, ruột non chứa đầy thức ăn đã bị đẩy vào lỗ thủng, dẫn đến ruột non dài khoảng 1,5 mét bị hoại tử, chứa rất nhiều mủ đỏ sẫm chảy ra khoang bụng".
Vận động mạnh sau khi ăn gây hại rất lớn đến sức khỏe
Vậy, việc cắt bỏ 1,5m ruột có ảnh hưởng đến sức khỏe trong tương lai của Tiểu Dương không? Bác sĩ Hồ Vĩ Lai cho biết: "Tổng chiều dài của đường ruột non trong cơ thể con người khoảng 3m. Vì đứa trẻ vẫn còn 1,9m ruột non, nên hiện tại không có vấn đề gì. Nếu cắt bỏ ruột nhiều hơn, có thể gây ra bệnh ruột ngắn, sẽ gây ra tình trạng tiêu chảy thường xuyên, dẫn đến tiêu hóa và hấp thu kém”.
Bác sĩ Hồ Vĩ Lai cảnh báo: "Sau khi ăn cơm xong, nếu cơ thể vận động mạnh sẽ tạo gánh nặng cho hệ tiêu hóa và gây ra các bệnh về dạ dày. Nếu Tiểu Dương đến bệnh viện chậm trễ, bệnh nhi sẽ bị sốc do độc tố tích tụ trong cơ thể và dẫn đến suy đa tạng, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. Trẻ nhỏ sau khi ăn cơm xong, các bậc cha mẹ tuyệt đối không được để con vận động mạnh nhằm tránh các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa"
Những việc không nên làm ngay sau khi ăn
Sau khi ăn, ngoài việc không được vận động quá mạnh, những việc sau đây cũng không nên thực hiện:
Tắm: Không nên tắm ngay sau bữa ăn để phòng ngừa chứng khó tiêu hoặc đau bụng. Tắm làm mát cơ thể và do vậy có nhiều máu lưu thông tới da hơn. Do đó lượng máu cần cho quá trình tiêu hóa của dạ dày bị giảm xuống và gây ra các rối loạn tiêu hóa.
Uống nước lạnh: Nước lạnh khiến các chất béo từ thực phẩm có dầu ngưng tụ. Nó cũng được cho là làm giảm các phản ứng enzyme tham gia vào quá trình tiêu hóa và do đó nên uống 1 cốc nước lọc bình thường hoặc nước ấm thay vì nước lạnh.
Ngủ: Ngủ ngay sau ăn có liên quan tới béo phì vì lượng calo dư thừa được bảo tồn. Ngủ là trạng thái nghỉ ngơi, quá trình trao đổi chất của cơ thể bị chậm lại. Vì vậy, cần tránh nằm ngủ ngay sau khi ăn.
Hút thuốc: Tốc độ hấp thu trong cơ thể tăng lên sau bữa ăn. Điều này khiến cho việc hấp thu các hóa chất dễ dàng hơn và gây hại nhiều hơn. Hút thuốc ở thời điểm nào cũng không tốt, đặc biệt là ngay sau bữa ăn.