Thường xuyên bỏ cơm, uống trà sữa, chàng trai trẻ bị tắc ruột nhập viện cấp cứu

Ngày 21/08/2019 09:15 AM (GMT+7)

Hôm qua, cư dân mạng xôn xao về trường hợp một bệnh nhân bị tắc ruột, nghi ngờ là do uống trà sữa quá nhiều.

Ca bệnh trên vừa được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ can thiệp và xử trí kịp thời, hiện người bệnh vẫn đang được điều trị.

Ngày 19/8, Đơn vị Ngoại - Trung tâm Khám chữa bệnh chất lượng cao, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận bệnh nhân Nhật L (20 tuổi, trú tại Hạ Hòa - Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng đau bụng nhiều, nôn, bụng chướng, chụp cắt lớp có hình ảnh tắc ruột, siêu âm các quai ruột giãn to.

Thường xuyên bỏ cơm, uống trà sữa, chàng trai trẻ bị tắc ruột nhập viện cấp cứu - 1

Khối bã thức ăn gây tắc ruột.

Trước khi nhập viện 20 ngày, bệnh nhân đau bụng và khoảng 6 ngày trở lại đây đau dữ dội, được người nhà đưa vào bệnh viện tuyến huyện khám. Sau 5 ngày điều trị không đỡ, nên đã được chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tắc ruột do bã thức ăn.

Người nhà bệnh nhân chia sẻ, L có thói quen ăn uống không khoa học, thường xuyên uống trà sữa, bỏ cơm. Sau khi được chẩn đoán các bác sĩ đã tiến hành mổ dạ dày, mở ruột lấy 2 khối bã thức ăn to trong dạ dày và ruột non.

Bác sĩ Trần Thanh Tùng - Phó trưởng đơn vị Ngoại - Trung tâm Khám chữa bệnh chất lượng cao cho biết, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời thì nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc cao, hoại tử ruột, suy đa tạng và gây nguy hại đến tính mạng.

Thường xuyên bỏ cơm, uống trà sữa, chàng trai trẻ bị tắc ruột nhập viện cấp cứu - 2

Hình ảnh khối bã thức ăn được lấy ra sau khi các bác sĩ phẫu thuật. 

Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần ăn uống khoa học, ăn chín uống sôi, hạn chế đồ ăn nhanh, ăn vặt. Hạn chế sử dụng nước ngọt, nước có ga, trà sữa, tẩy giun theo định kỳ.

Theo các chuyên gia y tế, trà sữa không chỉ có nguy cơ gây ra tình trạng ngộ độc mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, phát sinh nhiều bệnh tật khác.

Béo phì

Trà sữa chính là một trong những nguyên nhân gây béo phì bởi lượng đường và calo vô cùng lớn. Thành phần của trà sữa chính là kem béo pha với bột trà và chất phụ gia, ép cơ thể phải hấp thụ nhiều chất béo bão hòa, dẫn tới tăng cân nhanh.

Thiếu hụt dinh dưỡng

Dù uống trà sữa có thể gây ra bệnh béo phì nhưng cơ thể mập mạp lên không có nghĩa là do nhận được nhiều chất dinh dưỡng. Sữa ở trong “trà sữa” ít canxi, vitamin A, B và D cũng như đạm so với sữa thông thường. Chính vì thế, thức uống này sẽ gây thiếu hụt dinh dưỡng. Do đó, các học sinh cần phải đặc biệt lưu ý đến tác hại này của trà sữa tới quá trình phát triển.

Ảnh hưởng xấu tới gan, thận

Không ít cửa hàng trà sữa vì tham lam lợi nhuận mà dùng bột màu thay cho bột trà tự nhiên. Hương vị tương đồng, khó có thể nhận ra, nhưng thành phần thực tế lại là chất hóa học tổng hợp. Nếu uống quá nhiều hoặc lượng phụ gia được thêm vào quá ngưỡng an toàn thì sức khỏe của bạn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Cụ thể, khi tích tụ lâu dài chúng sẽ là gánh nặng của gan và thận, làm suy giảm chức năng của các bộ phận này.

Ngộ độc

Bên cạnh những tác hại của trà sữa kể trên, thói quen uống nhiều còn gây ra một số hệ quả khôn lường khác. Nếu vô tình uống phải trà sữa chế biến không hợp vệ sinh với nguyên liệu kém chất lượng sẽ có nguy cơ ngộ độc. Vì vậy các bạn trẻ cần hạn chế uống trà sữa không rõ nguồn gốc

Chuyên gia Singapore cảnh báo: Trà sữa trân châu đường đen là loại trà nguy hại nhất tới sức khỏe
Bệnh viện Mount Alvernia tại Singapore đã xuất bản một bài viết trên trang web của mình cảnh báo về loại trà sữa trân châu đường đen nguy hiểm nhất...
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các bệnh khác