Nhiều bà mẹ mang thai vì muốn con thông minh hơn đã áp tai nghe vào bụng với niềm tin sẽ giúp tăng chỉ số IQ. Đây chính là kết quả của "hiệu ứng Morazt".
Nhiều phụ nữ mang thai nghĩ rằng cho thai nhi nghe nhạc cổ điển sẽ cải thiện trí thông minh của em bé. Và điều này thực tế đã bắt nguồn từ thế kỷ 20 gây ra một làn sóng gọi là "hiệu ứng Mozart". Nhưng liệu khoa học có ủng hộ quan niệm này?
Hiệu ứng Mozart - cú lừa của truyền thông
Một bài báo nghiên cứu ngắn được xuất bản trên tạp chí Nature vào năm 1993 đã vô tình giới thiệu hiệu ứng Mozart tới công chúng. Nhà tâm lý học Frances Rauscher đã cho 36 sinh viên đại học nghe 10 phút bản sonata của Mozart chơi trên hai đàn piano D major, K. 448.
Sau đó, Rauscher yêu cầu các sinh viên của bà làm làm một bài kiểm tra về lý luận không gian, chẳng hạn như các nhiệm vụ gấp giấy thành hình và tìm đường ra cho mê cung trên giấy bằng một đường bút chì. Kết quả cho thấy những sinh viên đã nghe nhạc Mozart đạt được kết quả tốt hơn, đạt khoảng 8-9 điểm IQ không gian.
Rauscher đã viết một bài báo khoa học và gửi đến tạp chí Nature mà không ngờ nó đã kéo theo một trào lưu gây ảnh hưởng tới tận bây giờ.
Hiệu ứng Morazt được phóng đại lên từ một nghiên cứu của nhà tâm lý học Frances Rauscher
Từ phát hiện này, giới truyền thông, các bậc cha mẹ và thậm chí cả các nhà lập pháp đã đưa ra một kết luận vượt xa điều mà tiến sĩ Rauscher và các cộng sự đề xuất. Họ cho rằng cho trẻ sơ sinh, trẻ em và người lớn nghe nhạc Morazt giúp thông minh hơn.
Các công ty tiếp thị sản phẩm cũng mau chóng bắt kịp xu hướng để phóng đại về hiệu ứng Morazt khiến nhạc cổ điển được đón nhận nồng nhiệt. Người người nhà nhà đều bật Mozart, các bà mẹ bầu thậm chí còn áp cả tai nghe lên bụng mình, mong rằng đứa con họ sinh ra sẽ có điểm IQ cao hơn.
Năm 1997, hiệu ứng Mozart còn tiếp tục được nâng lên sau khi Don Campbell, một nhạc sĩ đồng thời là doanh nhân xuất bản một cuốn sách nói về nó. "Hiệu ứng Mozart: Khai thác sức mạnh của âm nhạc để chữa lành cơ thể, tăng cường trí óc và mở khóa tinh thần sáng tạo", cuốn sách ngay lập tức lọt vào danh sách bán chạy nhất của The New York Times. Nhận thấy chủ đề này thành công quá dễ, Campbell đã viết thêm một cuốn sách mới "Hiệu ứng Mozart cho trẻ em".
Ngoài một loạt các sản phẩm thương mại sau phát hiện này, vào năm 1998, thống đốc Georgia lúc bấy giờ là Zell Miller đã yêu cầu các bà mẹ có con mới sinh ở bang này phải được phát nhạc cổ điển. Và ở Florida, các trung tâm chăm sóc trẻ em được yêu cầu phát các bản giao hưởng.
Sự thật nghe nhạc Mozart có làm trẻ thông minh hơn?
Nhiều cha mẹ tin vào những lời quảng cáo phóng đại rằng cho thai nhi nghe nhạc Morazt giúp con thông minh. (Ảnh minh họa)
Hầu hết mọi người đều đã dành quá nhiều sự chú ý tới lời phóng đại nghe nhạc Morazt giúp trẻ thông minh mà đã bỏ qua 3 điều quan trọng trong nghiên cứu của tiến sĩ Rauscher:
- Nghiên cứu của Rauscher liên quan đến các đối tượng ở độ tuổi đại học, không phải trẻ em, chứ chưa nói đến trẻ sơ sinh.
- Nhóm nghiên cứu không theo dõi chỉ số IQ - họ chỉ đơn giản sử dụng một phần của bài kiểm tra IQ, có nghĩa là kết luận "nghe nhạc làm tăng chỉ số IQ" là một sự sai lầm.
- Nhóm nghiên cứu sử dụng nhạc Mozart để đại diện cho âm nhạc, chứ không nghiên cứu riêng về tác động của nhạc Mozart. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu họ cho các sinh viên nghe nhạc của các nhạc sĩ khác như Schumann, Led Zeppelin, Jamiroquai?
Sau rất nhiều báo cáo sai lầm, bao gồm cả từ The New York Times, chính tiến sĩ Rauscher đã phải lên tiếng bác bỏ mọi ý kiến cho rằng nghiên cứu của cô ngụ ý nhạc Mozart làm tăng cường trí thông minh.
Không chỉ chính tác giả của nghiên cứu lên tiếng mà nhiều chuyên gia, nhà khoa học khác cũng đã cố gắng chứng minh cho mọi người thấy rõ rằng nhạc Mozart và chỉ số IQ của trẻ không liên quan tới nhau.
Nhiều nghiên cứu đã cố gắng chứng minh hiệu ứng Morazt là không chính xác.
Vào năm 1999, nhà tâm lý học Christopher Chabris, Đại học Union ở Schenectady, NY (Mỹ) đã thực hiện một phân tích tổng hợp trên 16 nghiên cứu liên quan đến hiệu ứng Mozart để khảo sát hiệu quả tổng thể của nó. Chabris nói: “Hiệu quả của nó chỉ giới hạn trong nhiệm vụ gấp giấy này. Ông lưu ý rằng sự cải thiện có thể chỉ đơn giản là kết quả của sự thay đổi tự nhiên mà một người trải qua giữa hai lần thử nghiệm".
Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang ở Đức cũng đã công bố một nghiên cứu đánh giá từ một nhóm các nhà khoa học đa ngành gồm các nhà khoa học thiên về âm nhạc và họ tuyên bố hiện tượng này không tồn tại.
Đến năm 2005, đã có khoảng hơn 500 bài báo nghiên cứu hiệu ứng Mozart. Các chính phủ, chẳng hạn như ở Đức cũng phải vào cuộc để giúp cơn sốt hạ nhiệt. Một báo cáo của cơ quan chính phủ nước này kết luận rằng "nghe nhạc Mozart thụ động hay bất kỳ bản nhạc nào bạn thích không giúp bạn thông minh hơn".
Mối liên hệ giữa âm nhạc và học tập
Có một nghiên cứu chắc chắn chỉ ra mối liên hệ giữa âm nhạc và học tập nhưng nó không giống như những gì mọi người nghĩ.
Thay vì chỉ có một loại trí thông minh, con người có nhiều loại trí thông minh, bao gồm cả trí thông minh âm nhạc và các nghiên cứu đã chỉ ra rằng không phải nghe nhạc cổ điển một cách thụ động mới giúp bạn thông minh hơn. Thay vào đó, việc học âm nhạc sẽ giúp cải thiện học tập và củng cố các kỹ năng của trẻ.
Cho trẻ học nhạc sẽ có thể giúp củng cố các kỹ năng cần thiết cho việc học tập của trẻ. (Ảnh minh họa)
Một số cách âm nhạc có thể nâng cao khả năng học tập và phát triển tổng thể của trẻ em:
- Tăng cường bộ nhớ
- Xây dựng lòng tự trọng
- Phát triển các kỹ năng xã hội
- Khuyến khích tình yêu học tập
- Khuyến khích sự tập trung
- Tăng cường trí tuệ cảm xúc
- Cung cấp cho trẻ em một phương tiện để thể hiện sự sáng tạo
- Giúp não trẻ em xử lý ngôn ngữ
- Truyền niềm vui
- Cải thiện khả năng phối hợp
- Cải thiện kỹ năng đọc và kết quả học tập
- Tăng vốn từ vựng
Việc học âm nhạc cũng giúp trẻ cải thiện các kỹ năng xã hội khi cùng chơi và thưởng thức âm nhạc với những đứa trẻ khác. Hơn nữa, việc học nhạc cũng giúp trẻ rèn luyện tính kỷ luật, học cách chuẩn bị các bài học và các buổi biểu diễn theo lịch trình.
Ở trẻ nhỏ, âm nhạc dường như đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển ngôn ngữ. Nghiên cứu cho thấy rằng âm nhạc dường như củng cố khả năng tự nhiên của trẻ để giải mã âm thanh và từ ngữ.