Các món canh nấu với trứng ngon mát bổ được nhiều người ưa dùng để giải nhiệt. Nhưng gần đây lan truyền thông tin món canh này có độc gây hại cho sức khỏe. Thực hư như thế nào?
Canh trứng cà chua không độc như lời đồn
Có nhiều món canh trứng ngon mát bổ, như canh trứng nấu cà chua, canh trứng - cà chua - đậu phụ, canh trứng nấu hẹ… nhưng gần đây lan truyền thông tin món ăn này có độc gây hại cho sức khỏe.
Món canh trứng cà chua ngon mát, bổ dưỡng, không có độc như lời đồn. Ảnh minh họa.
Vấn đề này trước kia TS Phạm Duệ, nguyên giám đốc Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) đã cho rằng thông tin lan truyền ở trên mạng là thiếu cơ sở khoa học và không có giá trị.
Theo PGS – TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm), canh trứng nấu cà chua là một trong những món ăn rất bổ dưỡng tốt cho sức khỏe.
Cà chua rất giàu vitamin, chất khoáng vi lượng, vitamin C, B1, B2, B6, PP... và lycopen, beta caroten… rất dễ tiêu hóa và tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Chất đạm, đường, béo trong cà chua rất ít – được coi là thực phẩm nghèo năng lượng, hợp với người mắc bệnh béo phì. Màu đỏ tươi (màu của vitamin A tự nhiên) có tác dụng chống ôxy hóa tế bào, dự phòng các bệnh tim mạch.
Trứng gà có tác dụng bổ huyết, dưỡng huyết, được coi như thức ăn bổ dưỡng và thuốc điều trị tích cực trong các bệnh tim mạch, cao huyết áp, stress, suy nhược, kích thích tiêu hóa, chống táo bón, chống viêm xương khớp, tăng khả năng thải độc của gan, bổ não, nâng cao trí lực, phòng ngừa suy não, giảm ung thư và các triệu chứng khó chịu khi phụ nữ vào kỳ kinh nguyệt...
Trứng kết hợp với rau củ (mướp đắng, cà chua, củ cải...) giúp bổ sung chất xơ, vitamin thực vật cho những người ít ăn rau. Lòng đỏ trứng có chất đề kháng chống lại bệnh tật. Lòng trắng chống lão hóa, tăng cường thị lực và độ dẻo dai của cơ bắp. Ăn trứng gà sẽ làm chậm quá trình oxy hóa, giúp cho da dẻ hồng hào, tươi trẻ và làm tăng tuổi thọ.
Canh cà chua - trứng vô cùng bổ dưỡng cho sức khỏe. Ảnh minh họa.
Chất lecithin trong lòng trắng kích thích tăng nhu động của ruột non, làm giảm cholesterol và mỡ không bám vào thành mạch, chống xơ vữa động mạch. Các vitamin nhóm B, nhất là B2 giúp phân giải độc tố và thải trừ các chất gây ung thư.
Vì thế canh cà chua kết hợp với trứng vô cùng bổ dưỡng cho sức khỏe, bổ não (lòng đỏ trứng gà tăng cường trí nhớ, tái phục hồi trí nhớ), bổ thị lực (Carotene trong cà chua và riboflavin trong trứng gà là dinh dưỡng có lợi cho mắt, nâng cao thị lực), tốt cho người ốm yếu, người già bị suy giảm thị lực, phụ nữ kỳ kinh nguyệt,
Một số người cần hạn chế ăn trứng. Ảnh minh họa.
Ai kiêng ăn trứng?
Nhiều người bị bệnh thường dùng trứng gà để bồi bổ, nhưng có những người cẩn trọng vì có thể gây trúng độc, hoặc làm bệnh biến chứng nặng hơn.
- Trứng rất nhiều cholesterol và chất béo bão hòa - "thủ phạm" có thể gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2, nên những người có bệnh tiểu đường hạn chế ăn.
- Những người bị sốt (nhất là trẻ em) ăn trứng gà sẽ làm cho nhiệt lượng cơ thể tăng lên, vì vậy không nên ăn trứng gà khi bị sốt.
- Người có tiền sử bệnh tim mạch không ăn quá 3 quả trứng/tuần vì có thể làm mảng bám ở thành động mạch dày lên, tuần hoàn khó và buộc tim phải bơm mạnh hơn bình thường, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.
- Người bị bệnh xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành hạn chế ăn trứng vì hàm lượng cholesterol cao không tốt, còn làm thu hẹp, tắc nghẽn động mạch vành.
- Người mắc bệnh sỏi mật hạn chế ăn trứng gà vì hàm lượng đạm cao làm đường ruột tiết nhiều chất làm co bóp túi mật, khiến túi mật bị bệnh phải làm việc quá tải, gây đau đớn, nôn mửa.
- Người bị tiêu chảy kiêng trứng vì chất đạm và chất béo làm bệnh càng nặng thêm.
- Người bị bệnh gan (viêm gan và gan nhiễm mỡ) không nên ăn trứng vì tăng thêm gánh nặng cho gan, không tốt cho khôi phục chức năng của gan.
- Người cơ địa dị ứng (khoảng 1,5% các bé dị ứng với trứng gà, sau 6 tuổi 80% mới khỏi dị ứng trứng) nên tránh món ăn có trứng.
Protein trong trứng sẽ có tác động xấu đến thành phần của thuốc chống viêm. Do đó, nếu bạn đang sử dụng thuốc chống viêm thì không nên ăn trứng.
Những bệnh nhân bị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa cũng không nên ăn trứng nếu không bệnh sẽ nặng hơn.
Để ăn món có trứng an toàn cần lưu ý: - Khi nấu canh trứng cà chua và các loại canh có trứng chỉ cho hành đã băm nhỏ phi cùng dầu ăn để khử tanh và thơm món ăn – không nên khử bằng tỏi vì tỏi phi ở nhiệt độ cao sẽ sinh ra chất độc, kết hợp với trứng sẽ gây bất lợi cho sức khỏe. - Nên xào cà chua chín (vì trong cà chua xanh còn độc tố dễ gây ngộ độc, nhất là người bị lạnh dạ dày), gây khó tiêu và có hại cho dạ dày. - Canh có trứng cần được ăn ngay khi vừa nấu xong mới ngon. - Không nên ăn canh có trứng hâm lại vì bị mất protein, chất dinh dưỡng bị biến đổi, canh mất đi mùi vị thơm ngon, còn trở nên độc hại và gây ra các vấn đề tiêu hóa. - Phải luôn rửa tay, dụng cụ nấu nướng và mặt kệ bếp thật sạch sẽ sau khi chế biến xong các món có sử dụng trứng. - Trứng dễ bị nhiễm salmonella - gây tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm… Nhưng chỉ cần đun nóng ở nhiệt độ cao vài phút sẽ tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn này. Vì vậy không nên ăn trứng sống, trứng chần, trứng lòng đào, thực phẩm có thể chứa trứng sống (như xốt trứng gà tự làm, nước xốt, salad, kem, một số loại bánh…), nhất là người già và trẻ nhỏ có chức năng tiêu hóa yếu hơn dễ bị tiêu chảy. Ăn trứng chưa chín kỹ còn gây khó tiêu hóa, ngộ độc với triệu chứng: Tiêu chảy, ói mửa... xuất hiện sau 12 - 36 giờ sau ăn trứng, và kéo dài 2 - 7 ngày. Bị ngộ độc trứng cần nhanh chóng uống dung dịch (20g muối và 200ml nước sôi), hoặc uống nước ép gừng tươi nóng để kích thích nôn ra chất độc hại. - Không uống sữa đậu nành khi ăn trứng buổi sáng vì cản trở quá trình hấp thụ protein, gây cảm giác mệt mỏi. Không ăn hồng ngay sau khi ăn trứng vì 2 chất kị nhau, có thể gây ngộ độc, viêm dạ dày cấp tính, kết sỏi trong phổi. - Không nên cho đường khi chế biến các món ăn liên quan đến trứng vì dưới tác dụng của nhiệt độ cao sẽ sinh ra lysine – chất phá hủy thành phần amino acid hữu ích trong trứng, gây đông máu sau khi vào cơ thể. - Người mắc bệnh lý rối loạn chuyển hóa có thể ăn 1-2 quả/tuần, người bình thường ăn 3-4 quả/tuần. Nếu ăn trứng quá nhiều sẽ thừa chất dinh dưỡng, dẫn đến béo phì, tăng gánh nặng cho gan và thận. - Trứng rửa sạch dưới vòi nước chảy, để ráo nước có thể bảo quản trong tủ lạnh khoảng 4 tuần. Không nên để trứng trong tủ quá lâu vì sẽ hỏng và biến chất. Nếu mua trứng ngoài chợ thì mua ngày nào nên ăn ngày đó (vì trứng chợ độ tươi ít, còn hay nhiễm khuẩn, bụi bặm...). |