Sau 10 năm được kỷ lục Guiness công nhận là đứa trẻ nhiều lông nhất thế giới, cô bé người Thái Lan Supattra Sasuphan giờ đây đã có cuộc sống thay đổi bất ngờ.
Năm 2011, cô bé Supattra Sasuphan hay Nong Nat được kỷ lục Guinness thế giới ghi nhận là đứa trẻ nhiều lông nhất thế giới. Supattra là một trong số 50 người được biết đến mắc hội chứng Ambras - do nhiễm sắc thể bị lỗi - chứng bệnh được ghi lại từ thời Trung cổ. Trước khi căn bệnh này được hiểu rõ, những người mắc phải căn bệnh này thường được gọi là "người sói".
Ngay từ khi chào đời, cơ thể của cô bé đã phủ kín lông. Cha của cô bé, Sammrueng từng chia sẻ: "Chúng tôi phát hiện ra tình trạng của Supattra khi con bé được sinh ra còn trước đó trong quá trình mang thai đều không có gì bất thường. Con bé không được khỏe mạnh lắm vì lỗ mũi chỉ rộng 1mm. Trong ba tháng đầu tiên, Supattra được giữ trong lồng ấp để giúp con bé thở. Con gái tôi đã nằm trong bệnh viện tổng cộng mười tháng."
Supattra Sasuphan được kỷ lục Guinness thế giới ghi nhận là đứa trẻ nhiều lông nhất thế giới.
Năm 2 tuổi, Supattra đã trải qua một ca phẫu thuật để giúp cô bé có thể thở được bình thường. Nhưng những đám lông dày trên cơ thể của cô bé thì không bao giờ có thể khắc phục được, các bác sĩ đã cố gắng loại bỏ lông bằng phương pháp điều trị bằng laser khi cô bé lên hai tuổi nhưng dù trải qua nhiều lần điều trị, nó vẫn mọc trở lại dày như trước.
Vì có vẻ ngoài đặc biệt nên khi đi học, Supattra cũng bị không ít bạn bè trêu chọc và gọi cô bé là "mặt khỉ". Tuy nhiên sau đó, những đứa trẻ đã dần thay đổi, chúng trở nên yêu mến và kết thân với Supattra bởi tính cách hướng ngoại của cô bé.
Vì toàn bộ chân, tay, mặt,... đều bị phủ kín lông lá nên Supattra cũng bị ảnh hưởng không ít tới cuộc sống. "Cháu đã quen với nó, cháu không còn cảm thấy cơ thể đầy lông như trước nữa. Nhưng đôi khi nó vẫn khiến cháu hơi khó nhìn. Cháu hy vọng một ngày nào đó sẽ khỏi bệnh", cô bé Supattra năm 11 tuổi chia sẻ với DailyMail.
Mẹ thường xuyên phải cắt tỉa lông cho Supattra.
Vì lông trên người Supattra mọc rất nhanh nên mẹ cô bé thường xuyên phải cắt tỉa bớt lông cho con gái. Cô bé cũng phải sử dụng dầu gội dành cho trẻ em để gội đầu vì cô bị dị ứng với các nhãn hiệu mạnh hơn.
Về những mặt khác, Supattra cũng giống như những đứa trẻ khác cùng tuổi, cô bé thích bơi lội, nhảy theo điệu nhạc yêu thích và chơi với bạn bè, thích xem phim tivi. Cô bé cũng cố gắng không để căn bệnh lạ ảnh hưởng tới việc học tập.
Supattra rất thích học toán để có thể dạy cho các em nhỏ. Mơ ước của cô bé là trở thành bác sĩ để cứu giúp nhiều bệnh nhân và chữa bệnh cho mọi người.
Các bác sĩ nghi ngờ tình trạng của cô bé là do lỗi nhiễm sắc thể vì trong gia đình Supattra không ai mắc bệnh.
Cuộc sống sau 10 năm kể từ khi được ghi vào sách Guiness của cô bé "người sói" Thái Lan
Năm 17 tuổi, Supatra Susuphan bất ngờ khoe gương mặt đã cao sạch lông. Tuy nhiên cha của cô cho biết đó là do Supatra cạo lông mặt còn căn bệnh của cô vẫn chưa được chữa khỏi.
Điều bất ngờ hơn nữa khi cô bé ngày nào giờ đã có bạn trai và tuyên bố cả hai đã quen nhau gần 2 năm và dự định tương lai sẽ kết hôn.
Supattra từng công khai có bạn trai năm 17 tuổi nhưng sau đó cả hai đã chia tay.
Cũng vì có người bạn trai này mà Supatra đã chăm chỉ cạo lớp lông trên mặt. Nhiều cư dân mạng cũng hết lời chúc phúc cho cặp đôi trẻ. Tuy nhiên sau đó một thời gian, Supatra không còn đăng những bức ảnh bên bạn trai.
Ngày 17/02/2020, Supatra đã lộ ảnh chụp chung với bạn trai mới kèm theo dòng chú thích ngọt ngào: "Kỷ niệm 4 tháng yêu nhau". Hiện tại, cặp đôi vẫn đang rất hạnh phúc, Supatra đã lập một tài khoản tiktok và thường chia sẻ những đoạn clip dễ thương với người yêu. Gương mặt và thân hình của cô cũng không còn phủ kín lông lá như trước.
Tháng 2/2020, Supattra có bạn trai mới, cô cũng đã cạo lông mặt để lộ ra gương mặt thật phía sau.
Hội chứng Ambras
Hội chứng Ambras (Hypertrichosis) hay còn gọi là hội chứng "người sói" là một tình trạng đặc trưng bởi lông mọc quá nhiều ở bất cứ đâu trên cơ thể của một người. Nó có thể ảnh hưởng đến cả phụ nữ và nam giới, nhưng nó cực kỳ hiếm. Chứng bệnh này có thể xuất hiện khi mới sinh hoặc phát triển theo thời gian.
Hội chứng này được xếp vào loại cực hiếm gặp với xác suất 1/1.000.000 người. Thế giới mới chỉ ghi nhận khoảng 50 người mắc tính từ thời trung cổ. Ca mắc bệnh đầu tiên phát hiện từ thế kỷ XVI.
Có nhiều giả thuyết về nguyên nhân của hội chứng "người sói". Vào năm 2011, một nhóm các nhà nghiên cứu đã chỉ ra một gen cụ thể kiểm soát sự phát triển của lông trong quá trình phát triển của bào thai. Vì một số trường hợp đã xảy ra trong gia đình, nên có vẻ như có liên quan đến gen. Tổ tiên của loài người trước đây có một loại gen gây mọc lông để cơ thể được giữ ấm nhưng hiện tại ở hầu hết mọi người, các gen gây ra sự phát triển lông này không còn hoạt động.
Ở những người mắc chứng "người sói" bẩm sinh, những gen này sẽ được kích hoạt trở lại khi còn trong bụng mẹ. Tuy nhiên các nhà khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân khiến cho gen này hoạt động.
Hội chứng "người sói" được nghi ngờ nguyên nhân là do gen.
Tuy nhiên, những người mắc chứng "người sói" không phải do bẩm sinh và phát triển muộn hơn có thể do một số tình trạng sức khỏe có khả năng gây ra sự phát triển bất thường của lông gồm:
- Suy dinh dưỡng
- Chế độ ăn uống kém hoặc rối loạn ăn uống nhất định, chẳng hạn như chán ăn tâm thần
- Ung thư và đột biến tế bào
- Bệnh tự miễn dịch và bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng đến da. Đôi khi, có một tình trạng gọi là porphyria cutanea tarda, khiến da cực kỳ nhạy cảm với tia UV, có thể gây ra chứng "người sói".
- Thay đổi lưu lượng máu hoặc tăng ma sát của da đối với các bộ phận nhất định của cơ thể (chẳng hạn như băng bột nếu bạn bị gãy tay).
- Nếu chứng hypertrichosis chỉ xảy ra ở những vị trí cụ thể trên cơ thể, thì có thể là do tình trạng da mãn tính, chẳng hạn như viêm da thần kinh.
- Tình trạng rậm lông cũng có liên quan đặc biệt đến sự mất cân bằng nội tiết tố androgen. Tình trạng này thường thấy ở những người bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Nó cũng có thể xảy ra ở những người có bệnh tuyến thượng thận, tuyến yên hoặc tuyến giáp.
- Tình trạng này cũng có thể xảy ra trong giai đoạn lượng androgen dao động như mang thai và mãn kinh. Những thay đổi về nồng độ hormone gây ra bởi một số loại thuốc, chẳng hạn như steroid và thuốc tránh thai, cũng có thể dẫn đến chứng rậm lông.
- Một số loại thuốc có thể gây ra sự phát triển bất thường của lông
Mắc chứng "người sói" có chữa được không?
Không có cách chữa trị chứng "người sói", nhưng biết được căn bệnh này là bẩm sinh hay mắc phải có thể giúp các bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị.
Nếu sự phát triển bất thường của lông là do một tình trạng khác như PCOS hoặc bệnh tuyến giáp, kiểm soát các rối loạn y tế cơ bản là phương pháp điều trị đầu tiên.
Nếu chứng rậm lông do thuốc gây ra, điều chỉnh liều lượng hoặc ngừng thuốc có thể đủ để giải quyết sự phát triển của lông. Cũng có thể dùng thuốc để ngăn chặn hoặc làm chậm sự phát triển của tóc. Thuốc bôi ngoài da được gọi là kem làm rụng lông cũng có thể được kê đơn. Đối với những người bị rậm lông, thuốc nội tiết tố có thể có hiệu quả.
Tẩy lông bằng laser là một lựa chọn lâu dài hơn nhưng thường phải thực hiện khá lâu, tốn kém và có thể không hiệu quả với một số loại lông nhất định.
Điện phân là phương pháp điều trị đã được FDA chấp thuận để triệt lông vĩnh viễn. Mặc dù phương pháp này loại bỏ lông vĩnh viễn, nhưng điều trị bằng điện có thể gây đau đớn và tốn kém.
Những người bị chứng rậm lông lan rộng có thể cần sử dụng nhiều phương pháp tẩy lông và có thể phải sử dụng chúng nhiều lần để điều trị có hiệu quả. Lông trên một vùng trên cơ thể có thể không được loại bỏ tốt - hoặc không an toàn - bằng các phương pháp nhất định. Một số vùng trên cơ thể cũng có thể quá nhạy cảm đối với một số phương pháp hoặc có nhiều khả năng bị nhiễm trùng hơn .
Vì có rất ít trường hợp được chẩn đoán mắc chứng "người sói", nên việc nghiên cứu về các phương pháp điều trị các dạng nặng của tình trạng này bị hạn chế. Những người có dạng nhẹ hơn và rậm lông thường có thể tìm thấy một phương pháp tẩy lông phù hợp với nhu cầu và sở thích của họ.