Đừng bao giờ cố ép ai đó ăn một món mà họ bị dị ứng hoặc không phù hợp để ăn bởi rất có thể có một lý do nghiêm trọng phía sau khiến họ buộc phải tránh xa món ăn đó.
Theo National Post, người phụ nữ 37 tuổi đến từ Massachusetts (Mỹ) đang là một nghiên cứu sinh thành công nhưng rồi một ngày, cô đột nhiên cảm thấy nguy hiểm đang rình rập xung quanh.
Người phụ nữ cảm thấy tất cả những người cô biết đều đang âm mưu chống lại cô. Người phụ nữ nghi ngờ người lạ, bạn bè và thậm chí cả các thành viên trong gia đình đang cố tình diễn kịch trước mặt cô. Nỗi nghi ngờ này ngày càng lớn và lên đến đỉnh điểm khi cô đe dọa sẽ giết cha mẹ.
Người phụ nữ liên tục hoang tưởng rằng bạn bè và gia đình đang có âm mưu chống lại cô. (Ảnh minh họa)
Trước hành động khác thường của con gái, gia đình đã đưa người phụ nữ tới bệnh viện tâm thần. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán người phụ nữ bị rối loạn tâm thần, một tình trạng mà tâm trí không thể phân biệt giữa thực và tưởng tượng.
Người phụ nữ được dùng thuốc chống loạn thần mạnh để kiểm soát các triệu chứng của mình. Tuy nhiên, thuốc gần như không có tác dụng. Trong một cuộc hẹn tái khám, các bác sĩ nhận thấy rằng người phụ nữ gặp một loạt vấn đề như thiếu hụt vitamin và khoáng chất, vấn đề về tuyến giáp và bị sụt cân.
Lúc này, các bác sĩ nhận thấy các vấn đề của cô không phải ro bệnh tâm thần mà cô thực sự mắc một căn bệnh được gọi là bệnh celiac (bệnh không dung nạp gluten). Sau khi họ xác nhận tình trạng của cô, các bác sĩ đã khuyến nghị một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt không chứa gluten cho người phụ nữ.
Tuy nhiên có một vấn đề nảy sinh đó là người phụ nữ vẫn đang trải qua những ảo tưởng và cô tin rằng các bác sĩ chỉ là kẻ lừa đảo đang muốn chiếm hữu cô. Vì vậy, người phụ nữ không chấp nhận tuân theo chỉ định của bác sĩ. Kết quả là tình trạng của cô ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Cuối cùng, người phụ nữ đã mất việc và nhà của mình, cô xa lánh cả bạn bè và gia đình. Trở thành một người vô gia cư và quá tuyệt vọng, người phụ nữ đã tìm đến cách tự tử. May mắn thay, cô đã sống sót và được nhập viện lại.
Người phụ nữ ban đầu được chẩn đoán bị rối loạn tâm thần. (Ảnh minh họa)
Các bác sĩ đã thực hiện chế độ ăn kiêng không chứa gluten cho cô và lần này, không còn lựa chọn nào khác, cô đành phải ăn những gì bác sĩ chuẩn bị. Sau một thời gian, tình trạng của cô ngày càng tốt hơn.
Tiến sĩ Alessio Fasano, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Điều trị Celiac tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts cho biết, người phụ nữ rất nhanh chóng trở nên minh mẫn và nhận thức được hành vi của mình là không hợp lý.
Không chỉ vậy, Fasano còn nói rằng sau khi tỉnh táo trở lại, cô đã biết gluten là nguyên nhân gây ra các vấn đề về tâm thần của cô. Người phụ nữ mong rằng những người mà cô từng làm tổn thương hiểu được hành vi không kiểm soát của cô ấy là do chế độ ăn uống.
Sau khi lấy lại được tinh thần hoàn toàn, người phụ nữ bắt đầu ngoan ngoãn tuân theo chế độ ăn uống mà bác sĩ quy định. Nhưng khi cô ấy vô tình ăn phải thứ gì đó có gluten, các triệu chứng lại bùng phát trở lại.
Trong lúc phát bệnh, người phụ nữ định giết cha mẹ mình và đã phải nhận án tù. (Ảnh minh họa)
Thật đáng tiếc khi kết cục của người phụ nữ không hề có hậu. Chứng rối loạn tâm thần bùng phát của người phụ nữ khiến cô nghi ngờ mọi người đang cố đưa cô trở lại viện và có ý định giết cha mẹ một lần nữa. Dù cha mẹ cô may mắn không bị tổn hại nhưng người phụ nữ phải nhận án tù. Bản án của cô cũng chấm dứt việc nghiên cứu tình trạng của cô nhưng các bác sĩ vẫn đưa ra được kết luận rằng bệnh Celiac, trong những trường hợp nghiêm trọng, có thể gây ảnh hưởng đến tâm thần.
Bệnh Celiac và các vấn đề tâm thần có mối liên hệ như thế nào?
Khoa học vẫn chưa biết chính xác bệnh gluten và các vấn đề tâm thần có liên quan như thế nào. Fasano tin rằng nó có thể liên quan gì đó đến hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Khi một người nhạy cảm với gluten ăn thứ mà họ không nên ăn, hệ thống miễn dịch của họ sẽ trở nên tồi tệ. Điều này thường gây ra tình trạng viêm trong dạ dày và ruột, dẫn đến cảm giác khó chịu ở dạ dày liên quan đến bệnh. Tuy nhiên, Fasano tin rằng trong một số trường hợp hiếm hoi, tình trạng viêm có thể lan ra khỏi ruột. Nếu nó truyền đến não, bạn có thể bắt đầu nhìn thấy loại hành vi loạn thần mà người phụ nữ trên mắc phải.
Dù trường hợp của người phụ nữ có một kết thúc không mấy tốt đẹp, nó đã mở ra con đường nghiên cứu trong tương lai cho những người mắc bệnh celiac và tâm thần phân liệt. Fasano nói rằng trải nghiệm của người phụ nữ là một điều cực kỳ hiếm khi xảy ra, nhưng chúng có thể có ý nghĩa quan trọng đối với một số người.
“Một chế độ ăn không có gluten là an toàn và không có tác dụng phụ,” Emily Deans, một bác sĩ tâm thần học tiến hóa chia sẻ với Psychology Today. “Tôi không thấy có lý lẽ chính đáng nào chống lại việc cho bất cứ ai mắc bệnh tâm thần phân liệt sẵn sàng thử nó, ít nhất là trong ba tháng."
Bệnh Celiac là gì? Dấu hiệu của bệnh như thế nào?
Gluten được tìm thấy trong nhiều loại bột, ngũ cốc, như lúa mạch, lúa mì, yến mạch. (Ảnh minh họa)
Bệnh Celiac hay còn gọi là bệnh nhạy cảm với gluten hoặc bệnh không dung nạp gluten. Đây là một căn bệnh dị ứng với một dạng protein gọi là gluten, không cho phép cơ thể hấp thu gluten.
Gluten được tìm thấy trong nhiều loại bột, ngũ cốc, như lúa mạch, lúa mì, yến mạch. Bệnh dị ứng này ảnh hưởng chủ yếu ở ruột non, nơi chứa thức ăn sau khi rời dạ dày.
Những triệu chứng phổ biến của bệnh Celiac bao gồm: tiêu chảy, kèm theo phân xám ở dạng lỏng hay hơi lỏng, thường có mùi hôi, trông như có dầu và có bọt; sụt cân; chậm lớn và phát triển (ở trẻ nhỏ); thường xuyên đầy hơi; phình bụng hoặc đau bụng; loét miệng; mệt mỏi; yếu người; xanh xao; phát ban hay chuột rút ở cơ.
Người lớn mắc bệnh Celiac thường ít triệu chứng hơn trẻ em, do đó bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng cách xét nghiệm máu nhằm phát hiện ra thiếu máu bất thường. Một biểu hiện khác hiếm gặp của bệnh Celiac là mụn rộp.