Người mẹ đưa 3 người tình đến xét nghiệm tìm cha cho đứa trẻ, cả 3 lần phải ra về trong thất vọng. Người cuối cùng và ít nghĩ đến nhất thì kết quả lại như “trêu ngươi” những người trong cuộc.
Trong xã hội hiện đại, chuyện quan hệ tình dục ngày càng cởi mở hơn cũng có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, đặc biệt là ở những người trẻ. Ngoài vấn đề mắc bệnh, có không ít người còn rơi vào tình huống oái oăm khi hết lần này đến lần khác dẫn bạn tình đi xét nghiệm để xác định ai mới là cha thực sự của con mình.
Đại tá Hà Quốc Khanh - Cố vấn chuyên môn cao cấp (Trung tâm xét nghiệm Gentis) cho biết, bản thân ông đã chứng kiến và trực tiếp làm xét nghiệm cho một cô gái trẻ 4 lần đưa người tình đến trung tâm để làm xét nghiệm ADN tìm bố ruột cho con trai mình. Kết quả cuối cùng khá bất ngờ, người tình ít nghĩ đến nhất lại là cha của đứa trẻ.
Cô gái trẻ tên Nhài (ở Hà Nội) chưa đầy 30 tuổi. Dù có con gần 2 năm nhưng Nhài chưa đăng ký kết hôn, chưa một lần tổ chức cưới hỏi. Cô chia sẻ lần này quyết tìm bằng được bố đẻ cho con trai mình. Mục đích lớn nhất của Nhài là để con trai có bố trong tờ giấy khai sinh, thuận lợi cho việc học tập sau này. Còn bản thân mình, cô nói rằng: “Tôi sống thoáng lắm. Kinh tế có đủ và sẵn sàng làm mẹ đơn thân. Như thế tự do hơn, muốn làm gì thì làm”.
4 lần đi xét nghiệm đều được cô gái giữ bí mật với người phía sau. (Ảnh minh họa)
Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, Nhài dẫn 3 người đàn ông đến trung tâm để lấy mẫu xét nghiệm ADN xác định huyết thống cha-con với con trai mình. Trước đó, mẫu tóc có gốc và kèm theo cả tế bào gốc tóc của đứa trẻ đã được Nhài lấy và gửi đến trung tâm.
“Theo quy định, chúng tôi phải giữ bí mật cho cô gái, những người đàn ông đến ai cũng như là người đầu tiên”, đại tá Khanh nói và cho biết, kết quả xét nghiệm của 3 người đàn ông đều không cùng huyết thống với đứa trẻ. Người mẹ trẻ cũng tỏ vẻ thất vọng và không hiểu sao lại như vậy: “Đây đều là những người gần gũi tôi trước khi tôi có bầu. Sao lại có chuyện đó được. Hay là…”.
Đại tá Khanh đoán trước được sự nghi ngờ về kết quả xét nghiệm, nên trấn an: “Kết quả chạy bằng máy, hơn nữa cả 3 người đều không phải là cha đứa bé, chẳng lẽ lại sai kết quả cả 3 lần. Chúng tôi khẳng định đây là kết quả chính xác. Chị hãy nghĩ kỹ lại các mối quan hệ khác xem”.
Nhài ra về trong sự thất vọng và không quên nhờ đại tá Khanh lưu lại mẫu của con trai mình, biết đâu nghĩ ra điều gì đó cô lại tiếp tục đến xét nghiệm để tìm cha cho con.
Về nhà, Nhài ôm con trong lòng, rồi bao đêm trằn trọc, ngắm nhìn con và suy nghĩ mông lung trong đầu. Bỗng một hôm đang nằm xem mạng xã hội, cô bật dậy giữa đêm khi thấy ảnh của Tâm - một người tình cũ. Khi đó Tâm đang học ở nước ngoài.
Tâm và Nhài có quan hệ tình cảm hơn 2 năm trước, sau đó chàng trai này đi du học. Trong suy nghĩ của Nhài, Tâm chưa bao giờ được cho vào diện “nghi vấn” là cha đứa trẻ, vì cuộc tình này rất chóng vánh. Ngay đêm đó, Nhài liên hệ với Tâm, hỏi chuyện bao giờ về nước. Như cái duyên định mệnh, Tâm đang chuẩn bị về nước sau 2 năm hoàn thành việc học ở xứ người. “Tôi chỉ nói rằng, khi nào về hai người gặp nhau uống nước, không nói gì đến chuyện xét nghiệm và anh ấy nhận lời ngay”, Nhài nói.
Ngày về nước, hai người gặp nhau nói chuyện như những người bạn. Và rồi Nhài cho Tâm xem ảnh của con trai và nói ý nguyện của mình. Tâm hơi bất ngờ nhưng vẫn đồng ý vì Nhài đã giao kèo trước: “Em chỉ muốn biết bố đứa trẻ là ai. Em không cần anh cưới hay chịu trách nhiệm nếu đứa trẻ là con anh thật”.
Kết quả xét nghiệm ngoài vấn đề chuyên môn còn phụ thuộc vào việc mẫu được lấy có đảm bảo không. (Ảnh minh họa)
Ngày Nhài và Tâm đến trung tâm lấy mẫu, mọi người khá bất ngờ vì đây là người thứ 4 cô dẫn đến. “Nốt lần này không phải tôi sẽ bỏ cuộc”, Nhài nói nhỏ với người tư vấn, đồng thời ngoái lại nhìn đề phòng Tâm nghe tiếng.
Mẫu tóc của Tâm được lấy theo đúng quy trình, đại tá Hà Quốc Khanh trực tiếp tiến hành phân tích ADN cho trường hợp này. Kết quả xét nghiệm cho thấy có một gene bị sai, như vậy khả năng đứa trẻ không cùng huyết thống với Tâm, nhưng cũng có khả năng khác xảy ra là do đột biến gene. “3 người đưa đến trước đó kết quả kiểu gene khác hoàn toàn nên dễ dàng đưa ra kết luận. Nhưng trường hợp này buộc chúng tôi phải xét nghiệm thêm mới có thể khẳng định được”, ông Khanh chia sẻ.
Vậy là Tâm và Nhài lại tiếp tục chờ đợi. Được biết, ban đầu đại tá Khanh sử dụng bộ kit 16 locus gene để phân tích. Lần chạy lại này ông đã mở rộng thêm nhiều bộ kit nữa với trên 30 locus gene để phân tích kỹ hơn.
Sau 3 ngày, Tâm và Nhài đến gặp đại tá Khanh nhận kết quả xét nghiệm với cảm giác hồi hộp. “Chúc mừng anh chị, anh ấy chính là cha đứa trẻ”, đại tá Khanh nói và cho biết, dù cầm kết quả là cha-con trong tay, nhưng đôi bạn trẻ ra về trong tâm trạng trĩu nặng. Không biết sau đó họ có đến với nhau không hay thực hiện theo đúng cam kết mà Nhài đã nói ra.
Đại tá Hà Quốc Khanh cảm thấy buồn vì thế hệ trẻ thoáng trong tình dục nhưng lại thiếu an toàn, không biết bảo vệ mình. Ảnh: Lê Phương.
Đối với việc sai lệch một locus gene khi xét nghiệm huyết thống như trường hợp trên, đại tá Hà Quốc Khanh cho rằng, nếu sai khác một locus gene mà đã nhận định không phải huyết thống là hơi vội vàng, bởi hiện tượng đột biến trong hệ gene người không phải hiếm.
Ông cho biết khi xét nghiệm sẽ phụ thuộc vào bộ kit sử dụng có số lượng bao nhiêu locus gene, nếu một bộ kít có 15 locus gene thì tối thiểu phải có 2-3 locus gene sai khác trở lên thì mới đủ cơ sở kết luận là không có quan hệ huyết thống. Nếu chỉ sai khác 1 locus gene như trường hợp trên cần cân nhắc mở rộng xét nghiệm thêm nhiều locus gene nữa để có kết quả chính xác nhất.
Qua trường hợp này, ngoài vấn đề chuyên môn, đại tá Hà Quốc Khanh cũng muốn nhắn gửi tới các bạn trẻ rằng,dù xã hội cởi mở hơn nhưng hãy biết giữ mình, trường hợp quan hệ tình dục nên dùng các biện pháp an toàn để tránh mắc bệnh hoặc mang thai ngoài ý muốn. Như trường hợp trên, quan hệ với quá nhiều người, đến mức không thể xác định chính xác ai là cha đứa trẻ là điều rất đáng cảnh báo.
* Tên nhân vật đã được thay đổi