Chia sẻ trên Reddit, người phụ nữ người Anh chia sẻ chồng cô muốn có bằng chứng cô không lừa dối anh bằng cách xét nghiệm ADN cho đứa con cô đang mang trong bụng. Điều này đã khiến cô bị tổn thương và muốn ly hôn dù cả hai đã bên nhau 6 năm.
Tôi và chồng đã ngoài 30 tuổi, ở bên nhau được 6 năm, kết hôn được 3 năm. Chúng tôi gặp nhau khi học đại học và tình cảm vẫn khá suôn sẻ. Điều duy nhất khiến tôi khó chịu về mối quan hệ này là chúng tôi chưa bao giờ hòa hợp trong chuyện phòng the. Tôi thường xuyên bị hụt hẫng mỗi khi gần gũi vì mọi thứ diễn ra chóng vánh nhưng anh ấy chẳng bao giờ cố gắng giúp tôi cảm thấy hài lòng hơn. Dù tôi đã nhẹ nhàng góp ý nhưng mỗi khi nhắc đến, chồng tôi lại tự ái và làm om sòm nên tôi chẳng còn muốn cải thiện.
Khi chúng tôi quyết định có em bé, cả hai đã phải mất 1 năm và cuối cùng tôi cũng đã có thai. Hiện tôi đang mang bầu ở tháng thứ 4. Ngày hôm qua, chồng bất ngờ hỏi liệu có thể xét nghiệm quan hệ cha-con với đứa con trong bụng tôi không.
Chồng tôi đòi xét nghiệm ADN với đứa con trong bụng tôi để chắc chắn rằng tôi không lừa dối. (Ảnh minh họa)
Lúc đầu, tôi tưởng mình nghe nhầm và nghĩ đó chỉ là lời nói đùa nhưng sau đó, tôi nhận ra chồng thật sự nghiêm túc. Khi ấy, tôi lập tức cảm thấy đau bụng. Tôi thắc mắc tại sao chồng lại muốn làm xét nghiệm ADN và anh ấy nói rằng chỉ muốn chắc chắn đứa bé là con anh.
Tôi hỏi liệu có phải anh có nghi ngờ tôi ngoại tình không nhưng anh nói không. Tôi giải thích rằng cả ngày đều bận đi làm, mỗi khi rảnh rỗi đều ở bên anh, vậy tôi lấy đâu ra thời gian để đi cặp kè. Bất ngờ thay, chồng tôi lại nổi giận và trách móc tôi không hiểu cảm giác làm đàn ông như thế nào và anh không muốn phải nuôi con tu hú và tuyên bố muốn được biết chắc chắn.
Những lời nói đó đã khiến tôi vô cùng giận dữ nhưng vẫn cố khẳng định tôi biết chắc chắn cha của con mình là ai. Nhưng chồng tôi lại phản bác rằng đó là điều mà những kẻ lừa dối vẫn nói.
Ở Mỹ, xét nghiệm quan hệ cha con phải được sự đồng ý của cả cha và mẹ hoặc theo lệnh của tòa án, vì vậy tôi đã nói với anh ấy rằng tôi không đồng ý và nếu anh nộp đơn lên tòa án để được xét nghiệm bất chấp sự phản đối của tôi thì anh ấy cũng nên nộp đơn ly hôn luôn.
Lúc này, anh ta càng phát điên hơn và khăng khăng rằng tôi đang che giấu điều gì đó nên mới tức giận đến vậy. Quá sốc trước những lời buộc tội vô căn cứ, tôi đã nói thẳng với chồng rằng: "Nếu 6 năm kiên nhẫn và chân thành của tôi để đổi lấy những lời lẽ như thế này thì tôi nói cho anh biết điều duy nhất tôi che giấu là sự thất vọng của tôi về anh khi quan hệ". Sau đó, chồng tôi đã bật khóc nhưng tôi chẳng thèm để ý đến anh ta và ngay lập tức thu dọn đồ đạc, về nhà mẹ đẻ.
Tôi cảm thấy như cả thế giới của mình sụp đổ. Mẹ tôi đang cố gắng hòa giải và nói chuyện với chồng tôi, bất ngờ thay là anh ta nói rằng đã bị tổn thương vì những gì tôi nói và muốn tôi xin lỗi để coi như làm hòa.
Mặc dù tôi cảm thấy bản thân có thể đã nói những lời gây tổn thương nhưng mặt khác tôi cũng cảm thấy cuối cùng sau bao nhiêu năm phải nhẫn nhịn, nhìn mặt chồng thì giờ tôi cũng được nói thật về cảm xúc của mình. Tôi thà làm mẹ đơn thân còn hơn quay về và tiếp tục nhẫn nhịn anh ta.
Dù vậy, tôi chợt nghĩ hay cứ đồng ý xét nghiệm ADN để cho anh ta thấy đây chính là con đẻ của anh ta và sau đó đệ đơn ly hôn. Hay nhỡ anh cứ cố chấp đệ đơn ra tòa yêu cầu xét nghiệm quan hệ huyết thống thì liệu việc xét nghiệm với thai nhi có sao không? Liệu điều này có được thực hiện an toàn?
Tôi đã cãi nhau với chồng và bỏ về nhà mẹ đẻ, tôi muốn ly hôn với anh ta. (Ảnh minh họa)
Bài đăng của người phụ nữ đã thu hút được rất nhiều sự chú ý, hầu hết mọi người đều sốc trước lời buộc tội và những lời nói của người chồng.
Một số người cảnh báo rằng có thể chính người chồng là người không chung thủy: "Tôi đã kết hôn 18 năm với một người đàn ông như thế. Đột nhiên một ngày, anh ta bắt đầu buộc tội tôi lừa dối. Hóa ra anh ta mới là kẻ ngoại tình". Một người khác đồng ý: "Chồng cũ liên tục buộc tội tôi lừa dối, và cuối cùng thì anh ta đã cắm sừng tôi với chín người phụ nữ khác nhau".
Có người lại đưa ra lời khuyên nhẹ nhàng hơn: "Bạn không nợ chồng lời xin lỗi, nhưng nếu cả hai muốn cứu vãn mối quan hệ, tôi nghĩ đã đến lúc nên có một cuộc nói chuyện rất trung thực và cởi mở về tất cả những oán hận của bạn trong hơn 6 năm và việc thực hiện xét nghiệm mối quan hệ cha con này. Nếu anh ấy vẫn im lặng và cư xử như một đứa trẻ, hãy bỏ anh ta".
Ngoài ra, không ít người cảnh báo rằng không nên xét nghiệm ADN thai nhi vì sẽ có những rủi ro cho đứa trẻ và ảnh hưởng tâm lý của người mẹ.
Xét nghiệm ADN thai nhi có sao không?
Theo các chuyên gia, hoàn toàn có thể thực hiện xét nghiệm ADN khi mang thai. Bởi vì lượng ADN của thai nhi được giải phóng và di chuyển tự do trong máu mẹ xuyên suốt thai kỳ. Chính vì vậy, người ta có thể sử dụng mẫu máu tĩnh mạch, lấy dịch nước ối hoặc sinh thiết gai nhau để tiến hành xét nghiệm ADN.
Trong thời kỳ mang thai, có thể tiến hành 1 trong 3 phương pháp xét nghiệm huyết thống để xác định mối quan hệ cha con: xét nghiệm ADN trước sinh không xâm lấn, xét nghiệm sinh thiết gai nhau và phương pháp chọc ối.
Xét nghiệm ADN không xấm lấn sẽ an toàn cho thai nhi nhưng xét nghiệm xâm lấn có thể gây ra một số rủi ro. (Ảnh minh họa)
Các xét nghiệm quan hệ cha con trước sinh không xâm lấn được đánh giá là có độ chính xác cao và hoàn toàn an toàn cho cả mẹ bầu và em bé. Tuy nhiên, phương pháp chọc ối và sinh thiết gai nhau là kiểu xét nghiệm xâm lấn, tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn.
Trừ khi phải chẩn đoán một chứng rối loạn di truyền nghiêm trọng, các bác sĩ sẽ không khuyên thực hiện 2 phương pháp xét nghiệm xâm lấn trên.
Rủi ro của việc sinh thiết gai nhau bao gồm:
- Sảy thai: Ước tính có khoảng 0,22% khả năng sảy thai.
- Nhiễm trùng: Trong một số ít trường hợp, sinh thiết gai nhau có thể gây nhiễm trùng trong tử cung.
- Nhạy cảm với Rh: Sinh thiết gai nhau có thể khiến một số máu của em bé đi vào máu của người mẹ, điều này có thể làm hỏng các tế bào hồng cầu của em bé. Nếu bạn có máu Rh âm tính và không có kháng thể với máu Rh dương tính, bạn sẽ được tiêm globulin miễn dịch Rh để ngăn cơ thể sản xuất kháng thể Rh có thể gây hại cho em bé.
Ngoài ra, nếu bạn có bất kỳ tình trạng nào sau đây, các bác sĩ sẽ khuyên bạn nên tránh thực hiện sinh thiết gai nhau:
- Nhiễm trùng ở cổ tử cung hoặc âm đạo (như mụn rộp).
- Chảy máu ở âm đạo trong hai tuần qua.
- Nhau thai không thể tiếp cận do tử cung bị nghiêng.
- Tăng trưởng lành tính ở cổ tử cung hoặc tử cung.
Rủi ro của chọc ối bao gồm:
- Rò rỉ nước ối: Nước ối có thể rò rỉ từ âm đạo.
- Sảy thai: Chọc ối được thực hiện trong tam cá nguyệt thứ hai có 0,1 đến 0,3% khả năng sảy thai. Nguy cơ cao hơn khi xét nghiệm được thực hiện trước tuần 15 của thai kỳ.
- Kim chọc ối gây chấn thương: Nếu thai nhi vô tình di chuyển vào đường đi của kim, chúng có thể bị thương.
- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng tử cung có thể xảy ra do lấy mẫu.
- Lây truyền nhiễm trùng: Nếu bạn bị nhiễm HIV/AIDS, viêm gan B hoặc C, hoặc bệnh toxoplasmosis, bệnh này có thể truyền sang con bạn.