Một cô gái trẻ có bộ ngực đặc biệt khi hai bên có kích thước lệch nhau hoàn toàn vì mắc hội chứng hiếm gặp.
Rebecca Butcher, 24 tuổi, ở Barnsley, South Yorkshire (Anh) mắc Hội chứng Poland khiến hai bên ngực của cô có kích thước lệch nhau rất lớn, một bên trông nhỏ hơn hẳn so với bên còn lại.
Hội chứng Poland là một dị tật bẩm sinh có đặc điểm là cơ ngực kém phát triển ở một bên cơ thể và đôi khi các ngón tay có thể có màng. Tình trạng này phổ biến hơn ở nam giới.
Khi còn đi học, Rebecca thường xuyên bị trêu chọc vì "vòng 1" bất thường đó. Năm 16 tuổi, ngực của cô một bên giống như ngọn núi lớn và một bên chỉ như một ngọn đồi nhỏ. Vì bộ ngực kỳ lạ nên cô khó có thể mua được chiếc áo lót phù hợp.
Rebecca có bộ ngực phát triển khác thường vì mắc hội chứng Poland.
Bạn bè cũng thường chế giễu cô sẽ không bao giờ có thể tìm được tình yêu vì chẳng có chàng trai nào sẽ thích cô. Khi trưởng thành, Rebecca cũng gặp khó khăn khi không thể tìm được một người bạn gái thân thiết nào để chia sẻ.
Điều này dẫn đến việc Rebecca quyết định đăng một video trực tuyến lên tiếng về việc là một phụ nữ mắc Hội chứng Poland sẽ như thế nào và hy vọng những người khác có hoàn cảnh tương tự sẽ không cô đơn như cô.
Rebecca nói: "Thay vì che giấu tình trạng của mình, tôi quyết định bắt đầu lập một kênh YouTube để những chàng trai, cô gái giống như tôi có nơi được thấu hiểu. Thay vì bị cười nhạo, tôi đã nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt và có những người nói với tôi rằng họ cũng mắc Hội chứng Poland”.
Video của cô gái trẻ sau đó đã được lan truyền và phủ sóng trên nhiều nền tảng truyền thông khác nhau. Rebecca đã tìm thấy và kết nối hàng trăm phụ nữ trên khắp thế giới mắc Hội chứng Poland và tạo ra một cộng đồng hỗ trợ họ.
Cô quyết định chia sẻ câu chuyện của bản thân nhưng lại bị đàn ông làm phiền vì nghĩ đó là gợi dục.
Tuy nhiên, sau khi những video của cô được truyền bá rộng rãi, Rebecca cho biết cô cũng gặp một số điều phiền phức như thường bị một số nam giới làm phiền trên mạng xã hội vì muốn nhìn thấy ngực cô hay nói rằng chỉ muốn tiếp cận cô vì "vòng 1" đặc biệt đó.
“Kể từ khi video và câu chuyện của tôi xuất hiện, đã có những người đàn ông gửi cho tôi tin nhắn khiêu dâm kêu tôi cởi đồ", cô nói. "Tôi thường chỉ chặn và phớt lờ họ vì tôi có bạn trai, may mắn là chưa có ai trong số họ gửi cho tôi một bức ảnh khỏa thân gớm ghiếc. Tôi chưa bao giờ muốn dùng ngực của mình để gợi dục hay thu hút đàn ông. Tôi chỉ đang cố gắng nâng cao nhận thức về căn bệnh của mình".
Một điều phiền toái khác cũng xảy đến với Rebecca khi cô bị lấy ra làm ví dụ cho những người ghét phẫu thuật thẩm mỹ. Họ sử dụng hình ảnh của cô, căn bệnh của cô để gán ghép với lý do tại sao phụ nữ không nên phẫu thuật thẩm mỹ hoặc nghĩ rằng cô phản đối phẫu thuật.
“Tôi tin rằng mọi người có quyền lựa chọn những gì họ làm với cơ thể của chính mình và nếu một phụ nữ muốn phẫu thuật thì cô ấy hãy cứ làm điều đó. Nếu ai đó chọn thẩm mỹ vì nó khiến họ cảm thấy dễ chịu, tự tin hơn thì tôi 100% ủng hộ quyết định của họ", Rebecca giải thích. "Nếu một người không muốn phẫu thuật, họ không nên bị ép buộc và nếu ai đó muốn phẫu thuật, họ cũng không đáng bị chỉ trích".
Hội chứng Poland là một dị tật bẩm sinh có đặc điểm là cơ ngực kém phát triển ở một bên cơ thể.
Hội chứng Polan là gì? Nguyên nhân do đâu?
Hội chứng Poland là một rối loạn trong đó những người bị ảnh hưởng được sinh ra với các cơ bị thiếu hoặc kém phát triển ở một bên của cơ thể, dẫn đến các bất thường có thể ảnh hưởng đến ngực, vai, cánh tay và bàn tay. Mức độ nghiêm trọng của các bất thường khác nhau ở mỗi người.
Theo thống kê, hầu hết những người mắc hội chứng Poland đều bị thiếu một phần lớn cơ, thường nối từ cánh tay đến xương ức. Một vài bất thường khác cũng có thể xảy ra ở cùng bên thân như cơ ở thành ngực và vai bị thiếu hay kém phát triển.
Bên cạnh đó, hội chứng Poland cũng gây ra những bất thường khác về lồng ngực như xương sườn ngắn, vú và núm vú khác lạ, lông vùng nách thưa hay mọc ở vị trí bất thường.
Nhiều người mắc hội chứng Poland cũng có các bất thường về bàn tay ở bên bị ảnh hưởng, thường bao gồm bàn tay kém phát triển với các ngón tay ngắn hơn hẳn và một số ngón tay dính với nhau. Xương cẳng tay cũng có thể bị ngắn lại ở một số người mắc bệnh, nhưng sự rút ngắn này cũng có thể khó phát hiện trừ khi đo.
Hiện nay, khoa học vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng Poland. Tuy nhiên có nhiều nhà nghiên cứu tìm ra bất thường từ sự kém phát triển của động mạch ở giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của thai nhi. Họ tin rằng có thể đó chính là nguyên nhân gây nên mắc hội chứng Poland.
Khi thai nhi phát triển trong tử cung tới giai đoạn tuần thứ 6, các động mạch chính và các mạch máu đã được hình thành. Sự phát triển cơ và mô khỏe mạnh của thai nhi phụ thuộc vào lưu lượng máu qua các động mạch này. Vì vậy, nếu có sự sai lệch trong quá trình hình thành động mạch sẽ gây ảnh hưởng tới lưu lượng máu, từ đó làm ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của xương và các mô trên cơ thể của thai nhi.
Việc điều trị Hội chứng Poland tùy theo triệu chứng cụ thể rõ ràng ở mỗi cá nhân. Một số phương pháp điều trị như phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu.