Cô giáo ho ra máu, chữa 12 năm không khỏi, tưởng bị lao hóa ra ăn phải thứ này

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 09/08/2022 14:25 PM (GMT+7)

Sau 12 năm bị ho ra máu, dù đã đi điều trị ở nhiều nơi nhưng không thuyên giảm, nữ giáo viên ở Hà Giang bất ngờ khi bác sĩ phát hiện nguyên nhân mắc bệnh là do ăn uống.

Điều trị nhầm hàng chục năm mới biết mắc ký sinh trùng do ăn cua

Đối với bệnh do bị nhiễm giun sán, rất nhiều người bị chẩn đoán nhầm sang bệnh khác, nhất là với các loại ký sinh trùng chưa được ghi nhận nhiều tại nước ta. GS.TS.BS Nguyễn Văn Đề - nguyên Trưởng bộ môn Ký sinh trùng (trường Đại học Y Hà Nội) cho biết, một trong số những loại ký sinh trùng hay bị chẩn đoán nhầm nhất là sán lá phổi. Hiện loại sán này mới được ghi nhận ở 10 tỉnh tại Việt Nam, trong đó chủ yếu là ở miền núi phía Bắc và miền Trung. 

Theo GS Đề, đa số người bị nhiễm sán lá phổi là do ăn cua suối (cua núi) chưa chín kỹ và thường được chẩn đoán nhầm thành mắc bệnh lao phổi. Trường hợp GS Đề nhớ nhất đó là một cô giáo ở Hà Giang bị ho ra máu liên tục, đi khám nhiều nơi và điều trị theo hướng lao phổi 12 năm không khỏi. 

Theo chia sẻ của nữ giáo viên này, có thời điểm cô còn ho ra cả một cốc máu tươi, tới mức phụ huynh đề nghị không cho tiếp tục đứng lớp vì sợ lây bệnh lao. Tuy nhiên, do ở vùng cao, thiếu giáo viên nên cô giáo vừa đeo khẩu trang, vừa dạy học.

Rất nhiều trường hợp bị nhiễm sán lá phổi, bị ho ra máu nhưng lại chẩn đoán nhầm là lao phổi. Ảnh minh họa.

Rất nhiều trường hợp bị nhiễm sán lá phổi, bị ho ra máu nhưng lại chẩn đoán nhầm là lao phổi. Ảnh minh họa. 

Sau khi GS Đề trực tiếp thăm khám đã nghĩ đến việc bệnh nhân bị mắc sán lá phổi và cho xét nghiệm thì kết quả dương tính với loại sán này. “Qua khai thác tiền sử, cô giáo có chia sẻ quá trình dạy học có được đồng bào mời ăn cua suối nướng, một món ăn đặc sản của địa phương và đây cũng chính là nguyên nhân gây bệnh. Chính cô giáo cũng bất ngờ vì không nghĩ ăn cua nướng lại mắc sán lá phổi”, GS Đề chia sẻ.

Không chỉ có trường hợp trên, GS Đề còn gặp một trường hợp khác mắc sán lá phổi nhưng bị chẩn đoán và điều trị nhầm 30 năm, cũng ở Hà Giang. Tất cả những trường hợp chẩn đoán nhầm trên, dù là 5 năm, 10 năm hay 30 năm, sau khi phát hiện nhiễm sán lá phổi thì chỉ dùng thuốc 2 ngày là khỏi hoàn toàn, không còn tình trạng ho hay ho ra máu, xét nghiệm cũng không còn sán lá phổi.

“Với kháng sinh hay thuốc điều trị lao đều không có giá trị trong điều trị giun sán. Muốn điều trị khỏi thì phải phát hiện chính xác bệnh, sau đó dùng thuốc đặc hiệu mới tiêu diệt được ký sinh trùng”, GS Đề cho hay. 

Các trường hợp bị nhiễm sán lá phổi đều có liên quan đến việc ăn cua núi, cua suối. Ảnh minh họa.

Các trường hợp bị nhiễm sán lá phổi đều có liên quan đến việc ăn cua núi, cua suối. Ảnh minh họa. 

Cua nướng cháy vỏ vẫn còn ấu trùng sống lên đến 23%

Không chỉ người lớn, ngay cả trẻ nhỏ cũng rất dễ mắc sán lá phổi nếu ăn uống không đảm bảo, nhất là ăn tái sống cua suối. ThS.BS Nguyễn Thị Hằng, Phó trưởng Khoa Nhi, BV Phổi Trung ương cho biết, khoa đã từng tiếp nhận 1 cháu bé 4 tuổi bị nhiễm sán lá phổi do thường xuyên ăn cua suối cùng gia đình. Sau khi xuất hiện tình trạng khó thở, ho, nôn ra máu gia đình cho đi khám. Qua xét nghiệm phát hiện trứng sán trong dịch màng phổi của bệnh nhi. 

Theo bác sĩ Hằng, sán lá phổi là một trong những nguyên nhân gây viêm màng phổi với biểu hiện tràn dịch màng phổi một hoặc hai bên phổi. Nếu phát hiện ở giai đoạn muộn sẽ để lại ổ cặn màng phổi. Với trường hợp của bệnh nhi trên, rất may mắn được phát hiện kịp thời và điều trị đúng phác đồ gồm sử dụng thuốc tẩy sán và phẫu thuật nội soi làm sạch màng phổi nên tình trạng sớm ổn định.

Cua núi dù đã nướng vàng vỏ thì ấu trùng sán lá phổi còn sống vẫn lên đến 65%. Ảnh minh họa.

Cua núi dù đã nướng vàng vỏ thì ấu trùng sán lá phổi còn sống vẫn lên đến 65%. Ảnh minh họa. 

GS Nguyễn Văn Đề cho biết, việc nhiễm sán lá phổi là do mọi người chủ quan khi ăn uống, nghĩ rằng nướng cua rồi là ăn an toàn, nhưng thực tế không phải vậy. “Tôi đã nghiên cứu trực tiếp và thấy rằng, nếu cua nướng vàng vỏ khả năng sống của ấu trùng sán lá phổi trong cua vẫn còn 65%. Nếu nướng cua cháy vỏ thì ấu trùng sống vẫn còn đến 23%. Trong khi đồng bào chỉ cần nướng vàng vỏ là đã ăn luôn, điều này rất nguy hiểm. Do vậy, vấn đề thực hành ăn chín, uống sôi là rất quan trọng trong phòng bệnh do ký sinh trùng nói chung và sán lá phổi nói riêng”, GS Đề nhấn mạnh.

4 thói quen ăn uống xấu của người Việt khiến lá gan bị ngược đãi
Không chỉ uống rượu bia, hút thuốc lá mà chế độ ăn hàng ngày không khoa học, hợp lý sẽ gây ảnh hưởng lớn đến chức năng của gan.

An toàn thực phẩm

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các vấn đề sức khỏe khác